Theo ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cho thấy tín hiệu rất rõ nét. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, Việt Nam vẫn đang nổi lên với tốc độ tăng trưởng ổn định.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%, vượt xa mức tăng 3,72% cùng kỳ 2023.
Trong đó, ba yếu tố chủ chốt đang thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh bao gồm quá trình công nghiệp hóa nhanh nhờ dòng vốn FDI, sự gia tăng tầng lớp trung lưu và thế mạnh đặc biệt về địa chính trị.
Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đang là điểm đến yêu thích của dòng FDI đa dạng đến từ Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản…
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nửa đầu năm nay, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, con số cao nhất trong năm năm qua.
Phân tích chung về bức tranh nền kinh tế Việt Nam nửa đầu năm, ông Jack Nguyễn, Tổng giám đốc InCorp Việt Nam cũng cho rằng, dòng vốn FDI chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp sản xuất, bất động sản và năng lượng. Trong đó, Singapore, Nhật Bản và Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất.
Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, với nhiều khu công nghiệp mới đang được phát triển.
"Chúng tôi nhận được yêu cầu tư vấn từ các công ty Trung Quốc, đặc biệt tại khu vực phía Bắc. Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang chuyển đến Việt Nam để thiết lập chuỗi cung ứng của họ. Xu hướng xây dựng một khu công nghiệp quy mô lớn ngay ngoại ô thành phố hứa hẹn sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới”, ông Jack nói.
So sánh với các nước ASEAN khác, Việt Nam đứng thứ ba về dòng FDI trong nửa đầu năm 2024, sau Indonesia và Singapore đồng thời vượt Thái Lan và Malaysia.
Mặt khác, dân số trong độ tuổi lao động trẻ của Việt Nam là 67,5 triệu người cũng là một lợi thế đáng kể để thu hút đầu tư.
Nhiều nhân viên làm việc trong các công ty vừa và nhỏ, các công ty ưu tiên giữ chân nhân viên, cải thiện năng suất và quản lý chi phí nhân sự.
Theo ông Michael Kokalari, Việt Nam đang dần nâng cao vị trí trên chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện tại, Việt Nam vẫn ở giai đoạn nhập khẩu các chi tiết sản xuất công nghiệp phức tạp và sử dụng lao động giá rẻ để lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Tuy nhiên, với sự gia tăng của FDI, Việt Nam đang học hỏi những kỹ thuật để tự sản xuất những sản phẩm phức tạp hơn, nắm bắt được nhiều giá trị hơn cho nền kinh tế nội địa.
Con đường phát triển này tương tự như mô hình phát triển tại Đông Á được các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc theo đuổi, chiến lược đã được chứng minh tính hiệu quả.
Bên cạnh công nghiệp hoá nhanh nhờ dòng vốn FDI, kinh tế trưởng VinaCapital nhấn mạnh, sự gia tăng tầng lớp trung lưu và thế mạnh đặc biệt về địa chính trị cũng là yếu tố chủ chốt đang thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh.
Về vị trí địa chính trị, Việt Nam rất thành công khi xây dựng được mối quan hệ tốt với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong khu vực hiện nay chỉ có Việt Nam và Singapore có thể cân bằng được vị trí giữa hai cường quốc này
Đây là tiền đề cho những cơ hội chiến lược về công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế, ông Michael Kokalari nhận định.
Còn về tầng lớp trung lưu, quy mô của nhóm người này ở Việt Nam đang ngày càng lớn. Nhiều nghiên cứu đã đưa ra những con số về tỷ lệ tầng lớp trung lưu trong dân số hiện dao động trong khoảng trên dưới 30%.
Căn cứ vào nhiều kết quả nghiên cứu cũng như mục tiêu phát triển đất nước, dự báo đến năm 2030, tầng lớp trung lưu có thể chiếm từ 50 - 55% dân số cả nước.
Sự xuất hiện và phát triển của tầng lớp này là một bước phát triển mới của cấu trúc xã hội trong thời kỳ đổi mới. Đây là lực lượng kinh tế quan trọng, có khả năng đóng góp vào phát triển kinh tế, cả trong sản xuất và tiêu dùng, cả cung và cầu, mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cung ứng lao động chất lượng cao...
Họ sẽ là lực lượng đi đầu trong việc hình thành một lối sống mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa hiện nay.
Tăng trưởng kinh tế tiếp sức cho bất động sản
Với triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan, ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản đang được tiếp sức trong quá trình phục hồi, đặc biệt ở phân khúc công nghiệp, bán lẻ, văn phòng và nhà ở.
Thời gian vừa qua, nhiều dự án bất động sản nhà ở mới đã được ra mắt, chủ yếu ở các khu vực ngoài trung tâm nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ hoạt động sản xuất.
Có thể nói, FDI là yếu tố thiết yếu cho thị trường bất động sản trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp.
Số liệu của Savills cho thấy Việt Nam hiện có 33.000ha khu công nghiệp cho thuê, với tỷ lệ lấp đầy 80%, nhu cầu cao, đặc biệt ở khu vực phía Nam. Xu hướng phát triển đang nổi lên hiện nay là các nhà kho, nhà xưởng xây sẵn, thu hút sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư.
Tỷ lệ lấp đầy của loại bất động sản này khá cao, đạt 80% trên toàn quốc. Giá thuê trung bình cũng đạt mức 5,4USD/m2/tháng và đang chủ yếu tập trung ở thị trường phía Nam. Tuy nhiên ở miền Bắc, đặc biệt các tỉnh xung quanh Hà Nội như Bắc Giang, Hải Dương cũng đang cho thấy tốc độ nắm bắt nhanh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Savills Việt Nam cũng nhận định, thị trường bán lẻ được thúc đẩy bởi nhân khẩu học thuận lợi, trong đó có việc tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ. Một số dự án trung tâm thương mại quy mô lớn ở khu vực vùng ven đã mở cửa và thu hút lượng khách tiêu dùng đông đảo.
Mặc dù trong năm 2024, mức chi tiêu nội địa có phần chậm lại nhưng nhìn chung thị trường bất động sản bán lẻ cho thuê vẫn hoạt động tốt cho nguồn cung mặt bằng hạn chế.
Đây cũng là một thách thức cho các nhà bán lẻ đang có nhu cầu mở rộng quy mô vào thời điểm này, đẩy mức giá thuê tại các khu vực trung tâm lên cao trong thời gian tới.
Thị trường văn phòng cũng chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi nền kinh tế ổn định và các công ty đang mở rộng. Giá thuê sẽ ổn định trong tương lai do nguồn cung mới và sự tập trung vào yếu tố bền vững.
Ngoài ra, một nghiên cứu của Savills Impacts mới công bố cũng khẳng định TP.HCM và Hà Nội thuộc top những thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhờ các yếu tố như nhân khẩu học, đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế và tầng lớp trung lưu đang phát triển.
Kiều hối chuyển đến riêng TP.HCM đã đạt mức cao kỷ lục 10 năm, với ước tính 20% được đầu tư vào bất động sản, tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi của thị trường nhà ở.
Nga Phạm