Đà Nẵng đề nghị Quảng Nam bỏ "định hướng sân bay Chu Lai thay thế sân bay Đà Nẵng" khỏi nội duy quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030. Bởi theo Bộ Giao thông vận tải, quy hoạch sân bay Đà Nẵng và Chu Lai đến năm 2050 không ảnh hưởng đến 2 cảng hàng không…
Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh vừa ký văn bản góp ý dự thảo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo văn bản này, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam bỏ nội dung "định hướng cảng hàng không quốc tế Chu Lai… trong tương lai sẽ dần thay thế cho cảng hàng không Đà Nẵng''.
UBND TP Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cập nhật quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ. Bởi tại quy hoạch này, sân bay Đà Nẵng và Chu Lai được đính hướng đến năm 2050 đều đạt công suất khoảng 30 triệu hành khách/năm, không ảnh hưởng đến định hướng phát triển của hai cảng hàng không.
Cụ thể giai đoạn đến 2030, quy hoạch sân bay Đà Nẵng đạt công suất khoảng 20 triệu hành khách/năm (có thể điều hành, tổ chức khai thác với công suất khoảng 25 triệu hành khách/năm); Còn sân bay Chu Lai đạt công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm, từng bước đáp ứng vai trò định hướng của cảng nói riêng và nhu cầu vận tải hàng không khu vực miền Trung nói chung.
Ngoài ra, tại văn bản này, Đà Nẵng cũng đề nghị Quảng Nam xem xét phương án phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, cảng hàng không và các trung tâm logistics, cảng cạn phụ trợ các kết cấu hạ tầng này.
Bởi bên cạnh Cảng hàng không Đà Nẵng, Đà Nẵng cũng đã có Cảng Liên Chiểu định hướng là cảng tổng hợp quốc gia loại 1, đến 2050 công suất 50 triệu tấn hàng/năm, đón tàu trọng tải từ 100.000 DWT, tàu container đến 8.000 teu, phát triển đồng bộ trung tâm logistics gắn với hậu cần khu bến Liên Chiểu.
Do đó, Đà Nẵng cho rằng Quảng Nam cần xem xét đến định hướng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng tương ứng các địa phương trong vùng để xác định quy mô, công suất phù hợp, tránh chồng lấn, lãng phí nguồn lực.