4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt hơn 110 nghìn tỷ đồng, đạt 15,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn về con số tuyệt đối nhưng thấp hơn về tỷ lệ đạt kế hoạch so với cùng kỳ năm trước.
Bước sang năm 2023, nền kinh tế tiếp tục đối diện với “thách thức kép”, khi một mặt các động lực tăng trưởng đang bị suy giảm, minh chứng rõ nhất là mức tăng trưởng GDP tương đối thấp trong quý I/2023, đặc biệt thấp ở một số địa phương có nhiều tiềm lực. Mặt khác, đứt gãy chuỗi cung ứng cùng động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới khiến nguy cơ lạm phát bị đẩy lên cao.
Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa, trọng điểm là đầu tư công, tiếp tục được xem là giải pháp quan trọng. Đầu tư công hiệu quả vừa có thể tăng cung tiền cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, duy trì hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời tạo ra hiệu ứng lan tỏa giúp củng cố nội lực kinh tế trong dài hạn nhưng ít làm gia tăng áp lực lạm phát.
Chính vì vậy, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ xác định là nhiệm vụ then chốt để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023.
Những con số phản ánh trái chiều
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt hơn 110 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 15% so với kế hoạch được Thủ tướng giao. Xét về tỷ lệ, con số hơn 15% thấp hơn nhiều so với tỷ lệ gần 18,5% cùng kỳ năm ngoái.
Xét trong bối cảnh năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đến nỗi “đáng thất vọng”. Cụ thể, năm 2023, kế hoạch đầu tư công được Quốc hội thông qua rơi vào khoảng hơn 700 nghìn tỷ đồng, cao hơn 25% so với năm 2022. Cộng với nhiệm vụ giải ngân nốt số vốn tồn, giải ngân toàn bộ số vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, có thể nói, công tác giải ngân năm 2023 áp lực hơn rất nhiều so với năm 2022.
Cùng với đó, bối cảnh thế giới cũng đang gây ra nhiều cản trở với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là về giá cả nguyên vật liệu đầu vào. Giá cả các loại vật liệu như sắt thép, xi măng, cát… vẫn tiếp tục đà tăng trong những tháng đầu năm 2023 dù thị trường tương đối ảm đạm. Dự kiến, giá vật liệu sẽ còn tăng tiếp trong năm 2023.
Trong thế khó, đầu tư công giải ngân được hơn 110 nghìn tỷ đồng, cao hơn mức hơn 95 nghìn tỷ đồng cùng kỳ 2022, có thể xem là con số tương đối tích cực.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, giải ngân vốn đầu tư công tháng 4 đạt khoảng 37 nghìn tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần so với bình quân 3 tháng đầu năm. Đây là tín hiệu tốt về sự chuyển biến của công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Giải ngân đầu tư công những tháng đầu năm thường không cao do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải tập trung phân bổ chi tiết vốn cho các dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Do đó, tỷ lệ giải ngân đầu tư công những tháng đầu năm chưa nói lên nhiều điều.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái có thể làm gia tăng áp lực hoàn thành kế hoạch đầu tư công giai đoạn giữa và cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế rất cần đầu tư công để kiến tạo động lực tăng trưởng.
Giải pháp thúc tiến độ đầu tư công
Công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều tồn đọng chưa được giải quyết, dẫn đến tình trạng tỷ lệ giải ngân đầu tư công có dấu hiệu giảm dần kể từ năm 2020. Trong đó, nhiều vướng mắc thuộc về khâu chuẩn bị đầu tư như chậm giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư thiếu chủ động, hoặc dự án không có vốn để làm công tác chuẩn bị đầu tư do nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, được phê duyệt không tách riêng vốn chuẩn bị và vốn thực hiện.
Thực tế cho thấy, giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có mức chênh lệch tương đối lớn về tỷ lệ giải ngân đầu tư công 4 tháng đầu năm. Có những địa phương giải ngân rất cao như Đồng Tháp đạt hơn 38%; Bến Tre đạt 37%; Tiền Giang đạt gần 34%... trong khi một số địa phương đạt kết quả giải ngân thấp, như Bình Dương, Trà Vinh, An Giang, TP.HCM…
Từ những điển hình về giải ngân vốn đầu tư công tốt, có thể thấy, không phải là điều bất khả thi để nâng cao tiến độ giải ngân, đặc biệt là với điều kiện như Phó thủ tướng Lê Minh Khái từng nói là môi trường pháp lý như nhau, Chính phủ chỉ đạo minh bạch, công bằng, không có sự ưu ái.
Theo Phó thủ tướng, địa phương khi gặp khó khăn cần phải chỉ rõ ra vướng mắc nằm cụ thể ở dự án nào, vướng mắc ở điều nào, văn bản nào, lấy đó làm cơ sở để đề xuất giải pháp. Đặc biệt, trách nhiệm của người cán bộ cũng cần phải được tăng cường, bởi “thành bại ở cán bộ”. Phó thủ tướng cho biết, kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ là cơ sở để đề bạt hoặc xử lý cán bộ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đề nghị các địa phương phải chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong từng dự án.
Bên cạnh đó, những vướng mắc thuộc về cơ chế, chính sách cũng đang được Chính phủ và các bộ, ngành tích cực tháo gỡ. Hiện tại, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang lấy ý kiến nhân dân để xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định về xây dựng công trình giao thông đường bộ, bao gồm các nội dung về thẩm quyền đầu tư dự án; dự án đường bộ đi qua nhiều địa phương và tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án hợp tác công tư.