Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các trường học sát sao với đơn vị đấu thầu bếp ăn, đảm bảo đúng, đủ khẩu phần, tuyệt đối không bớt xén bữa ăn bán trú của học sinh.
"An toàn thực phẩm trong trường học là rất quan trọng. Bằng mọi trách nhiệm, tình cảm, phương pháp có thể, phải cho học sinh ăn sạch. Nếu các em ốm yếu, bệnh tật, liệu 30-50 năm nữa, lực lượng lao động này sẽ thế nào" - đây là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh về bữa ăn bán trú học đường.
Học sinh phải được ăn sạch
Yêu cầu trên được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 – 2025 của ngành giáo dục Hà Nội. Ông Thanh nhấn mạnh về tầm quan trọng của vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học cũng như bảo đảm chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. Theo Chủ tịch UBND TP, an toàn thực phẩm trong trường học là rất quan trọng bởi có những học sinh ăn 2 - 3 bữa một ngày ở trường. Do đó, trước hết, các em phải được ăn sạch. Hai yếu tố tiếp theo là ăn đủ số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường các quy định, giám sát để đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm của bữa ăn bán trú, trong đó lưu ý các đơn vị kinh doanh, nhà bếp không được bớt xén bữa ăn của học sinh. “Bữa ăn có giá 30.000 đồng thì phải đảm chất lượng đủ 30.000 đồng, trong đó đã có lợi nhuận, không được bớt xén”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị lãnh đạo các cấp, các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, "phải làm bằng cả lương tâm và trách nhiệm để chăm lo cho trẻ".
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương bày tỏ rất thấm thía, đồng tình với quan điểm này. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ đối với các cấp học, người đứng đầu ngành giáo dục Hà Nội đã chỉ đạo các nhà trường phải đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm trường học, trong đó có việc quan tâm đến thức ăn bày bán ở cổng trường, tránh xảy ra các vụ ngộ độc.
Muôn hình vạn trạng chuyện cắt xén bữa ăn bán trú
Câu chuyện khẩu phần ăn không đủ dinh dưỡng không chỉ xuất hiện ở các trường vùng khó mà ở ngay các thành phố lớn. Ở khu vực này, kinh phí tổ chức bán trú nằm trong khung quy định của UBND các tỉnh, thành phố. Còn bữa ăn bán trú là do thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Các trường nắm nhu cầu của cha mẹ học sinh và có phương án tổ chức nhưu tự nấu hay mời đơn vị bên ngoài.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học vừa qua, thành phố có 2.875 trường học. Phần lớn trường mầm non (hơn 1.160 trường) và tiểu học (774 trường) tổ chức ăn bán trú. Hiện mức trần tiền ăn bán trú công lập là 35.000 đồng một học sinh với bữa trưa, 20.000 đồng với bữa sáng. Căn cứ mức trần, các trường được xây dựng mức thu cụ thể, nhưng phải thỏa thuận bằng văn bản với phụ huynh, trên tinh thần tự nguyện.
Trong năm học vừa qua, tại một trường THCS ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng có tình trạng bữa ăn thiếu dinh dưỡng. Hình ảnh những suất ăn 35.000 - 40.000 đồng/suất do phụ huynh đóng tiền nhưng chất lượng không được 15.000 đồng/suất được lan tràn trên mạng xã hội. Ngay lập tức nhiều học sinh, phụ huynh nơi khác cũng đưa lên những hình ảnh bữa ăn thiếu chất. Thậm chí có suất ăn ở trường chất lượng cao được phụ huynh chi trả tiền ăn 70.000 đồng/ngày nhưng bữa ăn của trẻ vô cùng ít ỏi, lèo tèo, thiếu thốn nào là nước cam loãng như nước lã, trái cây chỉ là quả nho cắt đôi với vài lát chuối mỏng...
Điều này cho thấy việc "ăn bớt" khẩu phần bán trú của học sinh xảy ra muôn hình vạn trạng. Và điều đáng nói là trẻ em, học sinh phải gánh chịu hành vi của người lớn. Sở dĩ tình trạng bất ổn của bữa ăn bán trú ngày càng nhiều là do mức chế tài không nghiêm, việc xử lý truy tìm nguyên nhân để khắc phục không rốt ráo tới nơi tới chốn.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý bếp ăn bán trú
An toàn thực phẩm, suất ăn bán trú luôn là vấn đề được dư luận, phụ huynh học sinh đặc biệt quan tâm. Theo các phụ huynh, trẻ em khi đến trường phải được chú ý đến từng bữa ăn, phải đảm bảo sạch sẽ và đủ dinh dưỡng để cho thế hệ lao động tương lai của đất nước phát triển toàn diện về cả trí tuệ, thể chất.
Trước việc một số vụ việc được phát hiện liên quan đến định lượng, chất lượng khẩu phần ăn bán trú thời gian qua, phụ huynh mong công tác giám sát bữa ăn bán trú được đẩy mạnh, tăng cường hơn. Các nhà trường phải công khai hình ảnh suất cơm hàng ngày của học sinh để phụ huynh được biết và cùng giám sát; đồng thời cần gia tăng quy định, chế tài xử phạt với các đơn vị vi phạm để đủ sức răn đe.
Nguyên tắc là phụ huynh nào cũng được quyền tham gia kiểm tra, giám sát bữa ăn. Việc kiểm tra giám sát được kết hợp giữa kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất. Nhà trường có trách nhiệm công bố thực đơn theo tuần để Ban phụ huynh được biết, theo dõi. Quy trình giám sát bữa ăn bán trú gồm việc kiểm tra tất cả các khâu: khâu nhập nguyên liệu, bảo quản nguyên liệu đến các khâu chế biến, bảo quản thực phẩm sau chế biến.
Nếu nhà trường không có bếp ăn có thể ký kết với đơn vị bên ngoài, tuy nhiên cần chọn đơn vị có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và bắt buộc phải lưu mẫu 24 giờ tất cả món ăn trong ngày tại bếp ăn để phục vụ việc truy xuất nguyên nhân nếu gây ra sự cố an toàn thực phẩm.
Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 1 triệu học sinh ăn bán trú mỗi ngày. Những năm qua, ngành GD&ĐT và các nhà trường luôn đặt việc bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn trường học lên hàng đầu.
Trước thềm năm học mới hàng năm, Sở GD&ĐT Hà Nội đều có văn bản yêu cầu nhà trường có bếp ăn tập thể phải bảo đảm đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tiến hành tổng vệ sinh bếp ăn trước khi tổ chức phục vụ học sinh, giáo viên, không để xảy ra sự cố.