Các doanh nghiệp khởi nghiệp đang được khuyến khích, hỗ trợ về chính sách, có nhiều lợi thế để đóng góp tích cực vào bức tranh chuyển dịch xanh của nền kinh tế.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), từng đưa ra nhận định), Việt Nam đang ban hành hiêu cơ chế, chính sách mang tính đặc biệt, đặc thù để tạo không gian pháp lý cho những thử nghiệm mang tính đột phá.
Sự cải cách này có thể mở ra làn sóng khởi nghiệp thứ hai, với những dự án tập trung vào tìm kiếm giải pháp chuyển đổi xanh và phát triển bền vững để tạo ra lợi thế tăng trưởng kinh tế mới.
Đồng quan điểm, trao đổi với TheLEADER, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), đặt nhiều kỳ vọng vào cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam trong bức tranh chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững.
Ông Quân cho biết, hiện nay, khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang nhận được rất nhiều sự khuyến khích từ cấp độ quốc gia, địa phương cho đến sự hỗ trợ từ phía tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp lớn.
Bên cạnh đó, lực lượng lao động trẻ, được tiếp thu nền giáo dục hiện đại với nhiều nội dung mới phù hợp với xu thế thời đại, lại có sự năng động, nhiệt huyết, là nguồn lực lớn cho những nhà khởi nghiệp thực hiện ý tưởng, giải pháp mang tính đột phá.
Có thể nói, một không gian rộng lớn đang được mở ra cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ông Quân cho biết, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực xanh có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp truyền thống vốn sở hữu bộ máy đã vận hành, khó áp dụng các giải pháp chuyển đổi.
Thời gian gần đây, nhiều dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển bền vững đã và đang tạo được tiếng vang. Trong lĩnh vực rác thải, có thể kể đến VECA, mGreen, Grac sử dụng nền tảng số để hỗ trợ thu gom phế liệu, dùng rác hữu cơ sản xuất thức ăn chăn nuôi của Green Connect.
Trong lĩnh vực thương mại, hai cái tên là Piktina, SSSMarket đưa ra sàn thương mại điện tử chuyên dành cho những sản phẩm thời trang cũ, đã qua sử dụng. Ở nhiều lĩnh vực khác, cũng có những cái tên đầy tiềm năng đang đưa ra giải pháp hữu hiệu cho bài toán tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, đơn cử như giải pháp tiết kiệm năng lượng của IOTeamVN, xe điện của Dat bike hay VinFast.
Không ít những dự án đang mở ra con đường mới, định hình lĩnh vực mới đầy tiềm năng. Tuy nhiên, theo Viện trưởng ICED, nằm ở việc tìm kiếm thị trường, các nhà khởi nghiệp phải đối diện với những bài toán, bao gồm việc làm sao để xác định thị trường, để sản phẩm xanh đủ sức cạnh tranh với sản phẩm truyền thống.
Giải quyết những bài toán này không hề đơn giản đối với những nhà khởi nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm thương trường. Tuy nhiên, ông Quân tin tưởng, sự vào cuộc, chung tay hỗ trợ từ phía các bên liên quan sẽ là nguồn lực quý giá, cả về tài chính lẫn kinh nghiệm, kiến thức để nhà khởi nghiệp vượt qua thách thức này.
Thực tế, xu thế chuyển dịch xanh đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với câu chuyện “chuyển đổi hay là chết”, bởi tiêu chuẩn thị trường và thị hiếu người tiêu dùng đều đang chuyển đổi.
Như đã nói ở trên, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lâu đời khó có thể chuyển đổi xanh trong một sớm một chiều. Đây là khoảng trống để các nhà khởi nghiệp có thể tận dụng để cung ứng giải pháp xanh cho những doanh nghiệp lớn.
Đơn cử, một doanh nghiệp ở Bắc Ninh là Ecotech Vina đã ứng dụng giải pháp vệ sinh để tái sử dụng khay nhựa dùng cho nhà máy của Samsung, vừa kiếm lợi nhuận, vừa giúp Samsung tiết kiệm hàng tỷ đồng.
Nhật Phạm