Mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm

Bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra, giám sát, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP Đà Nẵng thời gian qua đang có nhiều hiệu quả khi ứng dụng được các mô hình mới vào thực tiễn. Qua đó, nâng cao được trách nhiệm của đơn vị sản xuất cũng như ý thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm sử dụng.

Cùng bạn lựa chọn thực phẩm an toàn

Gian hàng truyền thông “Cùng bạn lựa chọn thực phẩm an toàn” đang là một trong những mô hình mới được Ban Quản lý ATTP Đà Nẵng thực hiện. Năm 2023, chị Ngô Thị Kim Thương cùng Tổ truy xuất nguồn gốc đã nảy ra sáng kiến thực hiện các gian hàng tại các khu vui chơi, chợ đêm để tuyên truyền sâu rộng đến với người dân, du khách về ATTP.

Theo đó, mọi người đã cùng lên ý tưởng và triển khai tại Chợ đêm ẩm thực Helio (quận Hải Châu) trong 5 đêm vào tháng 10, từ 18-21 giờ. Tại đây, nhân viên Ban quản lý sẽ thực hiện các trò chơi giao lưu, catalog, trưng bày hiện vật để tương tác với người dân. Thông qua đó nhằm tuyên truyền cách lựa chọn thực phẩm an toàn; quy trình xử lý ngộ độc thực phẩm. Đồng thời hướng dẫn vệ sinh nhân viên đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại chợ; và trải nghiệm sử dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm thành phố Đà Nẵng thông qua ứng dụng “Danang city Food”.

Sau đó, gian hàng tiếp tục được thực hiện tại chợ đêm Sơn Trà. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, năm 2024, Ban quản lý ATTP tiếp tục thực hiện vào cuối tháng 4 nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì ATTP với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”.

Đội ngũ tổ chức gian hàng đã bổ sung thêm một số nội dung truyền thông như: Giới thiệu Khung tiêu chí đánh giá xếp hạng về ATTP dành cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; Danh sách cơ sở được xếp hạng sao về ATTP; Thẻ tích hợp thông tin thủ tục hành chính về ATTP phục vụ tổ chức, công dân; 10 nguyên tắc để có thực phẩm an toàn; Lựa chọn thực phẩm trước cổng trường học, tại chợ…

Đặc biệt trò chơi trả lời câu hỏi nhận quà thu hút đông đảo khách tham quan gian hàng và trải nghiệm. Không chỉ các em nhỏ mà cả thanh thiếu niên, bà nội trợ cũng rất hào hứng tham gia. Hình thức này không chỉ góp phần bổ sung kiến thức cho người dân một cách nhanh chóng mà còn là nguồn tư liệu khảo sát mức độ hiểu biết của người dân về vấn đề an toàn thực phẩm.

Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thực phẩm chuyên sâu Ngô Thị Kim Thương cho hay: “Việc tổ chức gian hàng truyền thông là phương thức tiếp cận mới, chúng tôi mong muốn mang đến cho người dân nhiều nội dung phong phú thông qua hình thức trực quan sinh động. Từ đó giúp người dân nâng cao hiểu biết, cải thiện nhận thức về vấn đề tiêu dùng thực phẩm an toàn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ duy trì và thực hiện nhiều gian hàng hơn tại các tuyến phố đi bộ hoặc lễ hội ẩm thực”.

Hơn 3.600 cơ sở tham gia truy xuất

Đà Nẵng biết rằng với công tác ATTP thì mình cần có sự liên kết mạnh giữa ba nhà: sản xuất kinh doanh, quản lý nhà nước và người tiêu dùng. Vì vậy, Đà Nẵng đã triển khai ứng dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm “Danang city Food” đến người tiêu dùng, hỗ trợ giúp việc lựa chọn thực phẩm được thuận lợi và an toàn hơn. Bên cạnh đó việc minh bạch hóa thông tin sản phẩm thực phẩm, nhận diện thương hiệu qua truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhằm bảo vệ người tiêu dùng một cách đáng kể.

Công ty TNHH Peco Food là một trong những đơn vị tham gia vào hệ thống truy xuất đầu tiên, ngay khi ứng dụng được triển khai. Đây là cơ sở sản xuất và cung ứng thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo thảo mộc. Hiện, đơn vị đã cập nhật thông tin đầy đủ nguồn gốc sản phẩm của mình từ lò mổ về xưởng chế biến và đến các đại lý tiêu thụ. Ông Nguyễn Khoa Chương, Giám đốc Peco Food chia sẻ: “Chúng tôi thực hiện mô hình theo chuỗi với đầy đủ quy trình nên cũng luôn sẵn sàng tham gia hệ thống truy xuất. Qua đó cũng tạo uy tín của sản phẩm cho người tiêu dùng”.

Đến nay, Ban Quản lý ATTP đã triển khai truy xuất theo chiều sâu với bốn chuỗi cung ứng: thịt heo, thịt bò, thịt gà và trứng gà với 38 cơ sở tham gia. Đơn vị cũng đã gắn mã QR định danh theo chiều rộng cho 3.613 cơ sở thực phẩm, cập nhật vị trí nhà hàng, cửa hàng ăn uống trên bản đồ ATTP của thành phố để người tiêu dùng, khách du lịch được biết và lựa chọn. Khi truy cập ứng dụng này, người dân có thể kiểm tra thông tin các món ăn, quy trình sản xuất, chế biến, vận chuyển đối với thực phẩm, sản phẩm. Thậm chí đánh giá đối với sản phẩm, thực phẩm của cơ sở ấy.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban quản lý Ban ATTP cho biết: Về lâu dài, Ban sẽ vận động, tuyên truyền để số hóa hết tất cả các hàng quán trên địa bàn thành phố trên ứng dụng. Chúng tôi cố gắng áp dụng những mô hình có hiệu quả để người dân nắm bắt rõ, hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ khi đi mua sắm, cũng như tăng trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh.

Tại thành phố Đà Nẵng, mức an toàn thực phẩm được cảnh báo thông qua hệ thống đánh giá và kiểm tra chất lượng thực phẩm, bao gồm việc kiểm tra hàm lượng vi khuẩn, hóa chất, và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Khi phát hiện ra các sản phẩm thực phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn cảnh báo sẽ được đưa ra thông qua các kênh thông tin công cộng như trang web của cơ quan chức năng, thông báo trên phương tiện truyền thông địa phương, hoặc thông qua các biện pháp khác để cảnh báo và hướng dẫn người dân bảo vệ sức khỏe của mình.

Tin liên quan