Tăng trưởng bền vững trong những năm qua đã đưa Kazakhstan trở thành nền kinh tế lớn ở Trung Á với thu nhập trung bình cao và nâng tầm mức sống của người dân địa phương…
Kể từ những năm 2000, Kazakhstan đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhờ quá trình cải cách theo định hướng thị trường, khai thác tài nguyên khoáng sản dồi dào và nguồn vốn FDI mạnh mẽ.
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), bất chấp những thách thức từ sản lượng dầu và các vấn đề về chuỗi cung ứng liên quan tới mối quan hệ kinh tế với Nga, Kazakhstan vẫn ghi nhận mức tăng trưởng GDP 3,2% vào năm 2022.
Tăng trưởng kinh tế phần lớn được thúc đẩy bởi xuất khẩu phi dầu mỏ sang các nước láng giềng. Tăng trưởng đầu tư tăng 7,9%, chủ yếu trong lĩnh vực tài nguyên.
Ngoài ra, dòng khách du lịch/người nhập cư Nga tới đây cũng đã góp phần hỗ trợ cho kinh tế Kazakhstan. Nhìn chung, nông nghiệp (9,1%), sản xuất (3,4%), xây dựng (9,4%), vận tải (3,9%) và thương mại (5%) đều đóng góp vào tăng trưởng chung của đất nước. Tài khoản vãng lai ghi nhận thặng dư 6,2 tỷ USD vào năm 2022, được hỗ trợ bởi giá trị xuất khẩu dầu cao, đảo ngược đáng kể so với mức thâm hụt 7,9 tỷ USD vào năm 2021.
FDI tăng nhanh nhờ giá dầu cao thúc đẩy đầu tư vào khai thác mỏ.
Trong phiên họp chung của Quốc hội Kazakhstan vào cuối tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Yerulan Zhamaubayev cho biết, vào năm 2022 khối lượng đầu tư vào vốn cố định tăng 7,9%, trong khi đó thu ngân sách ở mức 16,1 nghìn tỷ Tenge và chi ngân sách ở mức 18,5 nghìn tỷ Tenge. Thâm hụt ngân sách được báo cáo là vào khoảng 2,3% GDP.
Nền kinh tế Kazakhstan dự kiến sẽ có mức tăng trưởng vừa phải lên 3,5% vào năm 2023 và 4% vào năm 2024, dẫn đầu là lĩnh vực hydrocarbon khi sản lượng dầu tăng nhờ một số dự án mới, báo cáo của WB cho thấy.
Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục được rót vào ngành khai thác và chương trình nhà ở giá rẻ của Chính phủ cũng duy trì được nguồn vốn ổn định.
Tuy nhiên, tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình có thể sẽ bị cản trở do lạm phát cao, chi phí vay và nợ nần tăng. Lạm phát đạt 21,3% (yoy) vào tháng 2/2023, cao nhất trong hơn 20 năm, do giá nhập khẩu, mức lương tối thiểu tăng cao và đồng Tenge mất giá.
Lạm phát dự kiến có giảm bớt nhưng vẫn ở mức cao trong suốt phần còn lại của năm 2023 do tác động kéo dài của giá lương thực. Chi phí thực phẩm và nhà ở sẽ vẫn là yếu tố chính ảnh hưởng đến phúc lợi của người dân.