Làn sóng dịch chuyển từ Shopee, Lazada sang TikTok Shop

Đã có hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn thương mại điện tử gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời đi, trong khi TikTok Shop đón hơn 95.000 nhà bán mới.

Báo cáo thị trường của Metric.vn ghi nhận, thị phần doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam đã tăng từ 31,4% trong năm 2021 lên 46,5% ở năm 2023 so với tổng doanh thu toàn thị trường thương mại điện tử B2C.

Doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam, bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop trong năm 2023 đạt 233.200 tỷ đồng, với 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được bán ra.

Doanh thu này được ghi nhận tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2022, và đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm gần nhất, theo Meric.

Dù doanh thu và thị phần các sàn thương mại điện tử đều tăng, nhưng phía sau hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này lại xuất hiện sự chuyển dịch rõ nét.

Cụ thể, tính riêng năm 2023, có tới hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đã rời khỏi thị trường do tính cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt.

Trong khi ở chiều người lại, hơn 95.000 nhà bán mới đã tham gia sàn TikTok Shop khiến thị trường bán lẻ trực tuyến năm 2023 trở nên cân bằng lại và giữ được sự sôi động.

Làn sóng dịch chuyển từ Shopee, Lazada sang TikTok Shop
Những hình thức mua sắm mới như livestream đang thúc đẩy thị trường thương mại điện tử

Điều này cũng phần nào cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của TikTok Shop tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Kể từ thời điểm quý 2/2023, TikTok Shop đã vượt qua Lazada và vươn lên thành sàn TMĐT lớn thứ 2 tại Việt Nam chỉ sau Shopee.

Còn nhớ thời điểm mới ra mắt được 4 tháng, doanh thu Tiktok Shop đã tương đương với 80% doanh thu của Lazada trong quý 4/2022. Tới quý 1/2023, TikTok Shop chỉ kém Lazada 3,5% doanh thu và nhanh chóng vượt qua Lazada trong quý 2 năm ngoái.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của TikTok Shop tại Việt Nam là minh chứng cho thấy tiềm năng của thị trường mua sắm trực tuyến trong nước.

Dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh và có thể đạt 650.000 tỷ đồng vào năm nay.

Kết quả này có được nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của những hình thức mua sắm mới trong năm 2023, điển hình là livestream và bán hàng đa kênh, đem lại doanh thu khổng lồ cho những nhà bán hàng.

Tất nhiên, vẫn tồn tại những rào cản trong thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Theo chuyên gia của Metric.vn, rào cản lớn nhất liên quan đến mức độ cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử, khi cùng 1 loại sản phẩm có tới hàng trăm doanh nghiệp đăng bán.

Rào cản khác có thể kể đến là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của các thương hiệu kinh doanh chân chính nói riêng và toàn bộ nền kinh tế thương mại điện tử nói chung.

Bên cạnh đó, tâm lí lên sàn thương mại điện tử để mua những sản phẩm giá rẻ và không quá quan trọng vẫn còn hằn sâu trong tâm lý của người tiêu dùng. Cuối cùng, sự phát triển không đồng đều giữa các tỉnh thành cũng khiến nhiều doanh nghiệp địa phương chưa tiếp cận được nền tảng thương mại điện tử một cách bài bản, chính xác.

Tin liên quan