TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh phải xóa bỏ được những nghi ngại cùng tâm lý sợ trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương để khơi thông dòng chảy bất động sản.
Chỉ có thay đổi mạnh mẽ, mang tính đột phá từ ba chủ thể liên quan trực tiếp là doanh nghiệp, chính quyền địa phương và Chính phủ thì thị trường bất động sản mới phục hồi và phát triển.
Nêu lên quan điểm này, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp cần ráo riết thúc đẩy hơn nữa việc tháo gỡ những khó khăn với tinh thần “tình thế bất thường thì giải pháp phải khác thường”.
"Nếu để tình thế khó khăn này kéo dài quá lâu, sẽ ngày càng bị kẹt. Việc tiếp tục phát triển theo cách cũ tất yếu sẽ dẫn đến mắc kẹt mãi, không thoát ra được.
Chính vì vậy, các tổ chức, doanh nghiệp cần phải mạnh dạn, quyết liệt hơn, đòi hỏi một tư duy khác thường. Nếu không thể vượt qua lối cũ, sẽ cực kỳ khó tháo gỡ những khó khăn của hiện tại", ông Thiên nhấn mạnh.
Thứ hai, để gỡ khó cho bất động sản, chính quyền địa phương cần chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Thiên nhận định vấn đề nan giải là nhiều địa phương rất muốn làm điều này nhưng "không gian" để các địa phương chủ động lại không nhiều.
Vị chuyên gia này nhìn nhận mặc dù Chính phủ yêu cầu các địa phương phải chủ động, sáng tạo, nhưng với quyền lực, quyền hành của địa phương như hiện nay, không gian cho sáng tạo là tương đối hạn chế.
Chính vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương, ông Thiên cho rằng, Chính phủ tiếp tục đưa ra những giải pháp tạo đột phá.
Theo đó, Chính phủ cần thống nhất được tinh thần chung là Trung ương cho phép các địa phương trong giới hạn nào thì được quyền chủ động, sáng tạo. Đồng thời, Chính phủ cần có cơ chế để bảo đảm an toàn cho những người dám nghĩ dám làm.
Có như vậy mới có thể tháo gỡ được khó khăn rất lớn của thị trường bất động sản nói chung, nhất là vấn đề về pháp lý.
Nhiều dự án hiện nay đang "vướng vào đất đai không rõ ràng, không ai dám làm cả. Mặc dù nhiều địa phương biết là có cách gỡ được nhưng không ai dám gỡ", ông Thiên thẳng thắn nói.
Đây chính là yếu tố khiến pháp lý bất động sản gỡ mãi vẫn tắc, chưa có cách nào để khơi thông.
Quan trọng hơn, ông Thiên cho rằng, những doanh nghiệp có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với thị trường cần được tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Thời gian vừa qua, việc giải cứu cho một số doanh nghiệp khiến dư luận có nhiều thông tin "méo mó" rằng, đây là các "doanh nghiệp sân sau", "đi đêm" để được hỗ trợ.
Tuy nhiên, thực chất, ông Thiên khẳng định đây là hành động cứu nguy cho cả thị trường, giải vây giúp toàn bộ hệ thống doanh nghiệp chứ không phải ưu tiên, thiên vị một số doanh nghiệp nhất định.
Việc làm này "không phải vì lợi ích nhóm", mà do khi cứu được những doanh nghiệp có sức lan toả mạnh mẽ, nó sẽ giúp tạo lực đẩy giúp cả thị trường hồi phục. Việc làm này nhằm mục tiêu quan trọng, tối cao chứ không phải vì lợi ích nhóm cục bộ.
Với ba giải pháp đột phá cho ba chủ thể liên quan đến thị trường nói trên, ông Thiên nhấn mạnh, từ Trung ương đến các địa phương và doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa để giúp cho thị trường bất động sản và cả nền kinh tế thoát khỏi "điểm kết", nếu không đó sẽ là "vùng xoáy" đi xuống, rất nguy kịch.
Thời gian gần đây, mặc dù thị trường bất động sản nói chung đã có một số tín hiệu khởi sắc trở lại, song theo vị chuyên gia này, Chính phủ cần phải nhìn nhận về triển vọng dài hạn để đánh giá một cách cẩn trọng hơn đối với sự phát triển của thị trường.
Thực tế cho thấy, bất động sản đang gặp những vấn đề rất lớn, đặc biệt là phân khúc bất động sản cao cấp. Hoạt động của phân khúc này đã trở nên khó khăn hơn nhiều so với trước đây.
Tình trạng trầm lắng trên thị trường kéo dài, không phải là câu chuyện nhất thời của Covid - 19, mà còn do nền kinh tế chung khó khăn, vướng mắc pháp lý, thị trường du lịch nghỉ dưỡng sa sút.
Chính vì vậy, nếu không có những giải pháp khác thường, không xoá bỏ được những nghi ngại cùng tâm lý sợ trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, để "dám nghĩ, dám làm", thị trường bất động sản sẽ khó có thể phục hồi và khởi sắc trở lại.
'Phá băng' bất động sản nghỉ dưỡng
Phương Thu