Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: “Khoan sức dân” bằng chính sách giãn thuế, nhưng kiên quyết không để trốn thuế

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất để vừa đảm bảo nhiệm vụ thu - chi ngân sách, vừa đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có buổi trao đổi với báo chí xung quanh các vấn đề về thu ngân sách, chính sách tài khóa và thị trường tài chính.

GIẢM THUẾ, PHÍ ĐỂ HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Thưa Bộ trưởng, thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm vẫn bám sát tiến độ dự toán. Việc đạt kết quả thu ngân sách tích cực có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, thưa Bộ trưởng?

Bước vào năm 2024, mặc dù nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng với nỗ lực, quyết tâm cao, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã quản lý, điều hành tài khóa đạt nhiều kết quả tích cực.

Số thu 4 tháng đầu năm đạt khá so với dự toán. Lũy kế 4 tháng thu ngân sách nhà nước ước đạt 733,4 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán, tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 46,5% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 39,7% dự toán).

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 25/63 địa phương thực hiện thu nội địa 4 tháng đạt trên 40% dự toán; 54/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ. 4 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Thuế quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, vừa “khoan sức dân” bằng chính sách giãn thuế, nhưng kiên quyết không để trốn thuế, tránh thuế làm thất thu ngân sách nhà nước. Ngành Thuế đã thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử, áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) phân tích dữ liệu thuế, thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới và trong nước, kết nối máy khởi tạo tính tiền với cơ quan thuế, đồng bộ mã số thuế với số căn cước công dân…

Kết quả thu ngân sách khả quan sẽ tạo điều kiện tích cực cho điều hành chính sách tài khóa, đảm bảo các nhiệm vụ chi phòng chống dịch bệnh, thiên tai, chi an sinh xã hội, cũng như giúp củng cố dư địa chính sách tài khóa, giảm áp lực tăng lạm phát; góp phần hỗ trợ tích cực cho cân đối ngân sách nhà nước thêm vững chắc, bù đắp được số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; tạo dư địa ổn định chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.

Hơn 3 năm qua, trước những tác động tiêu cực về nhiều mặt từ đại dịch Covid-19, chính sách tài khóa một lần nữa lại khẳng định là trụ cột cho sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Thời gian tới, đây vẫn là những giải pháp được trông đợi nhất, Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về điều này?

Hơn nửa nhiệm kỳ đã qua, đất nước đã vượt qua nhiều sóng gió, thách thức và đang sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới. Kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng của công tác quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa.

Chúng ta vừa trải qua những năm khó khăn sau đại dịch Covid-19. Khi mà nền kinh tế, doanh nghiệp khó khăn, Chính phủ đã kiên định, nhất quán trong mục tiêu điều hành là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn. Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng thông qua việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, với số tiền khoảng 700 nghìn tỷ đồng.

Thời gian tới, nhận thấy tình hình còn chưa hết khó khăn, thách thức, trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế VAT 10%, trong 6 tháng cuối năm 2024.

Ngoài ra, hiện nay Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2024; nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệT đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo trình tự, thủ tục rút gọn, để chính sách sớm đi vào cuộc sống.

Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 ở mức từ 5 - 6%. Tuy nhiên, các mức dự báo này thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao. Do đó tôi cho rằng, bên cạnh các giải pháp về thuế, phí, vẫn cần tổng hòa, đồng bộ các giải pháp, từ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục; hỗ trợ về vốn, lãi suất, tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế; đặc biệt thúc đẩy đầu tư công, thị trường bất động sản, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu là những giải pháp cần tập trung quyết liệt.

SỐ HOÁ CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ

Bộ Tài chính là một trong những bộ, ngành chuyển đổi số mạnh mẽ nhất, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý, được đong đếm bằng những con số cụ thể. Như Bộ trưởng từng chia sẻ, đây chính là giải pháp căn cơ góp phần tăng thu ngân sách trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế không đạt như kỳ vọng. Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về điều này?

Ngành Tài chính đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật nhờ số hoá công tác quản lý thuế được ghi nhận trong việc mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Cơ quan thuế đã triển khai hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Và mới đây triển khai xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu…

Về triển khai hóa đơn điện tử, tính từ khi triển khai đến hết 21/4/2024, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 7,48 tỷ hóa đơn. Có 53.424 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 328,6 triệu hóa đơn. Về triển khai xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, đến nay, toàn quốc đã có 15.935 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, đạt trên 100% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Vận hành thành công Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đã có 94 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký và được cấp mã số thuế qua cổng thông tin điện tử, tăng 9 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký mới so với tháng trước. 4 tháng đầu năm thu được khoảng 3.900 tỷ đồng.

Thực hiện trên môi trường điện tử sẽ góp phần tăng cường kiểm soát, quản lý doanh thu, đảm bảo thu thuế, môi trường kinh doanh minh bạch nhằm tăng thu ngân sách nhà nước.

Dù tăng trưởng kinh tế quý 1 khả quan nhưng dự báo thời gian tới còn nhiều khó khăn. Nếu tăng trưởng kinh tế không đạt dự kiến thì sẽ gây khó như thế nào tới công tác thu ngân sách nhà nước, thưa Bộ trưởng?

Thu ngân sách nhà nước tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế. Việc thu ngân sách tốt gắn liền với sức sống của nền kinh tế, “sức khỏe” của doanh nghiệp. Tất nhiên, tăng trưởng thấp cũng ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, nhưng ngành Tài chính luôn nỗ lực để “nuôi dưỡng nguồn thu”, “khoan sức dân” và cũng không để lọt các khoản thu theo quy định.

Mặc dù mỗi năm, Chính phủ đề xuất giảm thuế và miễn giảm tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp, trung bình khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách vẫn đạt tiến độ và đạt được kế hoạch đề ra. Điều này thể hiện việc quản lý, điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ một cách linh hoạt, mở rộng; đồng thời, tăng các khoản chi, như chi đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, chi phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Phải khẳng định rằng, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo Bộ Tài chính và ngành Thuế hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Ngành Tài chính đã có nhiều sáng kiến trong công tác thu thuế, đã đưa ra nhiều giải pháp, từ vấn đề hóa đơn điện tử cho đến xây dựng trung tâm dữ liệu thuế, xây dựng cổng thông tin điện tử xuyên biên giới.

Ngoài ra, ngành Tài chính đã triển khai thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng bất động sản, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn thu ngân sách... Những giải pháp này vừa hỗ trợ cho các doanh nghiệp, khoan sức dân vừa thu được những khoản thu tiềm năng mà lâu nay chưa thu được, đảm bảo cho một nguồn lực để thực hiện chi cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và chi phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tôi cho rằng, hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách đòi hỏi phải có nỗ lực cao, sáng tạo và linh hoạt. Tất nhiên, đạt được nhiệm vụ đó nếu chỉ một mình ngành Tài chính thì không đủ mà nhiệm vụ này còn là kết quả của sự quyết tâm rất cao từ các cấp, các ngành, các địa phương và đặc biệt là nỗ lực vượt qua khó khăn của người dân, doanh nghiệp.

THÁO GỠ KHÓ KHĂN VỀ VỐN

Dù vậy, từ nay tới cuối năm, dự báo vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính có giải pháp gì để chủ động trong điều hành chính sách tài khóa, thưa Bộ trưởng?

Bộ Tài chính hiện đang xây dựng các kịch bản để tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội điều hành công tác tài chính – ngân sách nhà nước hiệu quả.

Trong điều hành công tác tài chính - ngân sách thực tế chưa bao giờ vơi hết những khó khăn, nhất là trong 3 năm nay “khó chồng khó”. Tuy nhiên, Bộ Tài chính tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất để vừa đảm bảo nhiệm vụ thu - chi ngân sách, vừa đảm bảo công tác tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách hiệu quả nhất.

Cùng với các chính sách tài khóa thông qua miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, áp dụng chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đồng bộ chính sách pháp luật về tài chính… để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, tiếp tục phát triển, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển của đất nước.

Chúng tôi cho rằng, hỗ trợ về thuế “nuôi dưỡng nguồn thu”, “khoan thư sức dân” rất cần thiết, nhưng đồng thời tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật, giải phóng nguồn lực, tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường, pháp lý… cho doanh nghiệp phát triển là cực kỳ quan trọng và là nền tảng vững bền cho phát triển bền vững.