Chống trục lợi bảo hiểm từ hoạt động quản trị, điều hành kinh doanh theo pháp luật bảo hiểm nhân thọ

Bài báo nghiên cứu "Chống trục lợi bảo hiểm từ hoạt động quản trị, điều hành kinh doanh theo pháp luật bảo hiểm nhân thọ" do Mai Đăng Lưu (Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế) thực hiện.

Tóm tắt:

Một trong những yêu cầu trong quá trình hoàn thiện pháp luật kinh doanh bảo hiểm nói chung và kinh doanh bảo hiểm nhân thọ nói riêng là hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam để hội nhập quốc tế. Bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng thực hiện pháp luật về chống trục lợi bảo hiểm theo pháp luật bảo hiểm nhân thọ trong quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Từ đó, xây dựng các giải pháp chống trục lợi bảo hiểm nhằm hoàn thiện pháp luật hiện hành về kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Từ khóa: bảo hiểm nhân thọ, chống trục lợi, kinh doanh bảo hiểm.

1. Đặt vấn đề

Bảo hiểm nhân thọ là một lĩnh vực kinh doanh phát triển lâu đời trên thế giới, đặc biệt là những nước có nền kinh tế phát triển, tại Việt Nam, bảo hiểm nhân thọ vẫn được các doanh nghiệp bảo hiểm, các chuyên gia và các cơ quan quản lý đánh giá là thị trường đầy tiềm năng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây những vụ trục lợi bảo hiểm nhân thọ xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó rất nhiều vụ việc xuất phát từ những bất cập của các quy định pháp luật như: quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, hoạt động đầu tư và quản lý, hoạt động giám sát bảo hiểm… Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm chưa áp dụng đúng tập quán kinh doanh bảo hiểm theo đúng chuẩn mực thị trường, Bộ luật hình sự không có quy định rõ ràng về tội danh “trục lợi bảo hiểm”, việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động giám sát và xử lý hành vi trục lợi chưa thật sự phát huy được hiệu quả nên các vụ trục lợi bảo hiểm nhân thọ xuất hiện ngày càng nhiều và tinh vi hơn.

Một trong những yêu cầu trong quá trình hoàn thiện pháp luật kinh doanh bảo hiểm nói chung và kinh doanh bảo hiểm nhân thọ nói riêng là hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam để hội nhập quốc tế. Với quan điểm “phòng, chống trục lợi” để không tạo cơ hội trục lợi bảo hiểm nhân thọ xảy ra, cũng như xây dựng những giải pháp khả thi nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Bài viết nhằm đưa ra các giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

2. Thực trạng thực hiện pháp luật về chống trục lợi bảo hiểm theo pháp luật bảo hiểm nhân thọ trong quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ

Theo báo cáo tổng kết thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo hiểm năm 2023 của thanh tra Bộ Tài chính, [7, tr.17-18]: “Còn nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chưa có quy trình quản lý nghiệp vụ chặt chẽ, chưa có hoặc chưa đủ khả năng trang bị công cụ quản lý hiệu quả. Ý thức, hiểu biết pháp luật nói chung, pháp luật kinh doanh bảo hiểm của nhân viên các doanh nghiệp bảo hiểm chưa cao, không được tập huấn về trục lợi bảo hiểm, các kịch bản trục lợi cũng hiếm khi được chia sẻ giữa các thành viên, các phòng, ban trong công ty để cùng xây dựng các biện pháp phòng chống trục lợi. Nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm không tuân thủ nghiêm túc quy trình khai thác, giám định bồi thường, việc này có nhiều nguyên nhân: do trình độ, ý thức của cán bộ, do năng lực của bản thân công ty chưa đáp ứng được việc tuân thủ quy trình nghiệp vụ đề ra. Ví dụ: công ty chỉ có một vài chi nhánh thì không đủ khả năng giám định kịp thời những tai nạn ở khu vực xa xôi; do cả nguyên nhân cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp và sức ép kế hoạch doanh thu của nhân viên đã dẫn đến bỏ qua một số thủ tục trong quy trình khai thác, như kiểm tra sức khỏe, nhân thân… của bên mua bảo hiểm trước khi đồng ý hồ sơ bảo hiểm. Dịch vụ phục vụ khách hàng kém của các công ty bảo hiểm, đây cũng là nguyên nhân phát sinh trục lợi bảo hiểm như: thời gian giải quyết bồi thường, thái độ phục vụ của nhân viên, viện dẫn lý do từ chối bồi thường không hợp lý… làm cho khách hàng khó chịu và khơi gợi ở họ phản ứng trục lợi lần sau.

Nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm chủ động tham gia hành vi trục lợi bảo hiểm chỉ là giữ khách hàng (ví dụ giải quyết bồi thường sai cho một khách hàng lớn để giữ khách), hoặc chủ động tư vấn, tham gia cùng khách hàng trục lợi để hưởng lợi cá nhân.

Nghiêm trọng hơn, một số doanh nghiệp bảo hiểm sai phạm trong chi trả hoa hồng cho các kênh phân phối bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định các doanh nghiệp chỉ được trả hoa hồng bảo hiểm từ phần phí bảo hiểm thu được theo tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm, không được vượt quá tỷ lệ do Bộ Tài chính quy định với nhiều mức tùy thuộc vào từng sản phẩm là bảo hiểm tử kỳ, sinh kỳ, hỗn hợp… dao động từ 5% - 40%. Thực tế, các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn áp dụng chi trả theo cách truyền thống là chính sách “hoa hồng tập trung ban đầu”, tỷ lệ hoa hồng năm thứ nhất đến 30% - 40% và hoa hồng phí tái tục khoảng 5% - 7%.”

Đối tượng được hưởng hoa hồng bảo hiểm theo luật chỉ bao gồm doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và đại lý bảo hiểm. Còn luật cấm chi trả hoa hồng cho các tổ chức, cá nhân không được phép hoạt động đại lý bảo hiểm hoặc doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, các cán bộ, nhân viên của chính doanh nghiệp bảo hiểm và cả bên mua bảo hiểm, trừ trường hợp đại lý bảo hiểm mua bảo hiểm cho mình. Tuy nhiên, vì để hoàn thành chỉ tiêu và tăng doanh số, nhiều đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môia giới bảo hiểm còn chi cả hoa hồng cho khách hàng, có thể bằng tiền mặt hoặc giảm tiền trên số phí bảo hiểm phải đóng. Việc này rất khó xử lý do việc chi hoa hồng cho khách thường là thỏa thuận bằng miệng giữa đại lý và khách hàng, doanh nghiệp cũng không thể can thiệp vào mối quan hệ giữa khách hàng với đại lý, trừ khi khách hàng phản hồi trực tiếp về công ty và có bằng chứng rõ ràng. Việc chi trả hoa hồng trên sẽ tạo một tiền lệ xấu và gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp bảo hiểm lẫn khách hàng bởi đại lý bảo hiểm có thể tìm cách kiếm lại tiền từ phía doanh nghiệp bảo hiểm và đẩy chi phí bán hàng lên cao, kết quả là kinh doanh không có lợi nhuận, trong khi đó khách hàng có thể lợi dụng việc thỏa thuận được hoa hồng với đại lý bảo hiểm để tăng sức ép lên các đại lý

Báo cáo tổng kết thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo hiểm năm 2023 của thanh tra Bộ Tài chính, [7, tr.17-18], cho thấy tình trạng hoạt động lộn xộn của các đại lý bảo hiểm trong thời gian qua , cụ thể: “Do chạy theo hoa hồng, nên nhiều đại lý đã có những biểu hiện gian dối, ép buộc mua bảo hiểm như: lợi dụng vị trí của mình để buộc mua bảo hiểm, không giải thích rõ sản phẩm, gian dối trong kê khai tình trạng của người tham gia bảo hiểm, thu phí bảo hiểm nhưng không nộp lại cho doanh nghiệp bảo hiểm... Pháp luật lại chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm giữa đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm. Luật Kinh doanh bảo hiểm lại không quy định hành vi nào được xem là hành vi vi phạm hợp đồng đại lý. Vì vậy, xảy ra trường hợp một số doanh nghiệp bảo hiểm khi gặp tình trạng này  thường đổ lỗi cho đại lý, xem đấy là trách nhiệm dân sự giữa đại lý bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm. Quy định về việc thu phí hộ chưa chặt chẽ, dễ dẫn đến trường hợp đại lý cấu kết với khách hàng trục lợi (sự kiện bảo hiểm xảy ra rồi mới mua bảo hiểm).”

Pháp luật quy định chế tài xử lý chưa nghiêm minh để hạn chế tình trạng cấu kết giữa đại lý, bộ phận giám định và người được bảo hiểm, đã có trường hợp doanh nghiệp cố tình sử dụng các đại lý đã từng có hành vi trục lợi bảo hiểm. Ngoài ra, pháp luật hiện hành chưa quy định thời hạn có hiệu lực của chứng chỉ đại lý bảo hiểm, dẫn đến trường hợp đại lý sau khi nghỉ một thời gian dài vẫn có thể sử dụng chứng chỉ đại lý cũ để hành nghề mặc dù trong thời gian đó không cập nhật thường xuyên kiến thức chuyên môn và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, gây tranh chấp, khiếu nại ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Pháp luật mới có quy định về việc cấp phép thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm mà còn bỏ ngỏ đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức và các đơn vị thực hiện dịch vụ phụ trợ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm như đơn vị giám định. Thực tế trong việc ngăn ngừa trục lợi bảo hiểm thì đây là những chủ thể đóng vai trò khá quan trọng, vì tư vấn của đại lý bảo hiểm hay kết luận giám định của các đơn vị giám định rất có ý nghĩa trong việc tham gia bảo hiểm cũng như bồi thường bảo hiểm, do đó, nếu quy định không đảm bảo chặt chẽ, đại lý bảo hiểm hoặc các tổ chức phụ trợ có thể cấu kết với người được bảo hiểm để trục lợi bảo hiểm.

Đồng thời, để khống chế việc chi hoa hồng, Bộ Tài chính đã quy định về tỷ lệ hoa hồng môi giới bảo hiểm tối đa của mỗi nghiệp vụ bảo hiểm thuộc từng hợp đồng bảo hiểm thu xếp qua doanh nghiệp môi giới không được vượt quá 15% phí bảo hiểm. Sở dĩ, quy định hoa hồng tính trong phí bảo hiểm là nhằm tạo cho người tham gia bảo hiểm cảm giác được tư vấn miễn phí, được phục vụ miễn phí, người môi giới không thể đòi hỏi ở người được mình phục vụ vì đã nhận hoa hồng từ phía doanh nghiệp bảo hiểm. Để tránh việc môi giới sử dụng sức ép buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải chấp nhận dịch vụ xấu, phạm vi bảo hiểm rộng và phí bảo hiểm thấp, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm cũng quy định doanh nghiệp mua giới bảo hiểm chỉ được tư vấn, giới thiệu cho bên mua bảo hiểm các quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính ban hành, phê chuẩn hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính.

Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp không tuân thủ theo quy trình nghiệp vụ đã quy định, chưa xây dựng quy tắc nghề nghiệp, cũng chưa chú trọng công tác đào tạo và nâng cao trình độ cho cán bộ, nhất là các vị trí quản lý chủ chốt, hiện tượng sử dụng cộng tác viên không có bằng cấp chứng chỉ nghiệp vụ, cơ cấu về vốn, mức vốn điều lệ chưa đáp ứng theo quy định của Bộ Tài chính hoặc thực hiện đầu tư không phù hợp đẫn đến không đảm bảo vốn hoạt động.

Ngoài ra, phía các cơ quan quản lý nhà nước chưa ban hành các quy định cụ thể về hoạt động môi giới bảo hiểm như quy định về quy trình nghiệp vụ đối với hoạt động môi giới bảo hiểm dẫn đến việc doanh nghiệp không tuân theo một chuẩn mực cụ thể nào, góp phần vào sự cạnh tranh không lành mạnh, công tác kiểm tra giám sát các hoạt động môi giới bảo hiểm cũng chưa được chú trọng.

Hơn nữa, việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là bắt buộc với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nếu cán bộ môi giới non yếu về nghề nghiệp dẫn đến tư vấn sai cho khách hàng chọn sản phẩm bảo hiểm không bảo vệ đủ những rủi ro tổn thất hoặc lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm không đủ khả năng bồi thường.

Đối với các ngân hàng: Theo thống kê từ Bản tin Vòng quanh thị trường, “Chống trục lợi bảo hiểm” của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam [6] thì: “Tính đến hết tháng 6/2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua kênh ngân hàng đạt 1.822 tỷ đồng, chiếm 6,4% tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường”. Theo Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển hoạt động bảo hiểm liên kết ngân hàng tại Việt Nam” tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh [5], đại diện Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm nhận định: “Hiện nay Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa có quy định điều chỉnh hoạt động kênh ngân hàng như hoạt động của đại lý bảo hiểm nhân thọ nên doanh nghiệp bảo hiểm cũng như cơ quan nhà nước khó quản lý, khó kiểm soát cũng như chống trục lợi bảo hiểm từ kênh này”, cụ thể:

Thứ nhất, ngân hàng luôn nắm rõ tình trạng tài chính của khách hàng, đây là một yếu tố rất quan trọng khi bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Đồng thời, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường là dài hạn nên để ký kết cần có sự tin tưởng từ phía khách hàng, mà bản chất của ngân hàng là “đảm bảo và tin tưởng” nên rất thuận lợi bán sản phẩm nhân thọ, chính vì sự tin tưởng nên dễ xảy ra tình trạng trục lợi.

Thứ hai, phần mềm, hệ thống công nghệ thông tin, chi phí, yêu cầu của các ngân hàng trong việc triển khai kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm được tách bạch hoàn toàn hệ thống của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Trình độ chuyên môn, mối quan hệ và khả năng vận dụng pháp luật của cán bộ trong ngân hàng luôn tốt hơn so với các kênh phân phối khác nên dễ xảy ra tình trạng trục lợi phí bảo hiểm khách hàng hoặc trục lợi bảo hiểm thông qua việc làm hồ sơ giả.

Thứ ba, ngân hàng không thực hiện chế độ báo cáo tình hình kinh doanh bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm như đại lý bảo hiểm, đồng thời cách thu phí khách hàng tại mỗi ngân hàng có quy định khác nhau bởi khách hàng của kênh ngân hàng ngoài thanh toán phí bảo hiểm họ còn thực hiện thanh toán nhiều giao dịch khác tại ngân hàng. Có ngân hàng sẽ quy định tự động ngân hàng trích từ tiền tài khoản khách hàng vào thời gian ấn định hàng tháng/quý/năm, hoặc ngân hàng gửi tin nhắn để khách hàng chuyển khoản, đóng tiền một lần hoặc chia thành nhiều đợt…

3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về chống trục lợi bảo hiểm trong quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ

Thứ nhất, Bộ Tài chính phải quy định về nghĩa vụ minh bạch thông tin ở doanh nghiệp bảo hiểm nhằm tăng cường hơn nữa tính minh bạch trên thị trường bảo hiểm, các quy định về nghĩa vụ thông tin nên được sửa đổi, bổ sung theo hướng sau:

Quy định cụ thể hơn vấn đề công khai thông tin về sản phẩm bảo hiểm, theo đó pháp luật bổ sung yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải có nghĩa vụ công bố đầy đủ nội dung điều khoản bảo hiểm trên trang thông tin điện tử và trước và trong quá trình triển khai sản phẩm bảo hiểm để đảm bảo cho khách hàng có khả năng tiếp cận, từ đó hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Quy định rõ chế tài xử phạt hành chính đối với đại lý bảo hiểm trong trường hợp không giải thích đầy đủ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng trước khi giao kết hợp đồng.

Thứ hai, Bộ Tài chính cần ban hành các quy định pháp luật để tăng cường kiểm soát hoạt động của các đại lý bảo hiểm, giống như nhiều nước phát triển cũng như các nước trong khu vực đã thực hiện.

Thứ ba, Bộ Tài chính cần ban hành Thông tư quy định về trách nhiệm trao đổi cơ sở dữ liệu khách hàng giữa các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm đảm bảo hạn chế trục lợi bảo hiểm. Các quy định trong văn bản này tập trung xác định những trường hợp nào cần trao đổi thông tin, phương thức trao đổi thông tin và trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc sử dụng những thông tin để trao đổi. Nếu các doanh nghiệp bảo hiểm có sự hợp tác với nhau tốt hơn thông qua việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm chắc chắn tình trạng trục lợi bảo hiểm sẽ hạn chế hơn.

Thứ tư, xây dựng quy trình kiểm soát nội bộ hạn chế trục lợi, Bộ Tài chính cần từng bước quy định về mô hình giám sát nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, vì nếu doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện tốt việc tự giám sát sẽ hạn chế hiệu quả những sai lệch trong quá trình hoạt động, từ đó giúp công tác giám sát của cơ quan quản lý nhà nước được hiệu quả hơn.

Hiện nay, mặc dù Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện việc kiểm soát nội bộ với những quy định tương đối rõ, nhưng cần được bổ sung theo những nguyên tắc sau:

Quy trình nên hướng đến mục tiêu phòng ngừa và hạn chế rủi ro, hơn là chỉ đảm bảo nguyên tắc tuân thủ. Do đó, kiểm soát nội bộ cần có những tiêu chí rõ ràng, nhất quán và có thể định lượng được nhằm mục đích phản ánh chính xác tình hình của doanh nghiệp bảo hiểm từ đó giúp bộ máy quản lý có những quyết định phù hợp.

Quy trình cần được phân tách thành từng khâu, từng nội dung, nhưng cần đảm bảo những khâu, nội dung này có sự liên hệ với nhau. Khả năng tích hợp này rất quan trọng để giúp bộ máy quản lý có khả năng đánh giá một cách tổng thể, từ đó đưa ra giải pháp cần thiết.

Quy trình kiểm soát nội bộ cần đảm bảo khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin tốt và nhanh chóng từ nhiều nguồn, có khả năng kiểm tra chéo để đảm bảo tính chính xác của những thông tin được tiếp nhận.

Quy trình cần thường xuyên được đánh giá thông qua các hoạt động thử nghiệm từ đó đánh giá những phản hồi và hiệu quả của quy trình để có những điều chỉnh phù hợp.

Thứ năm, quy định về đào tạo nhân viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ. Do đặc thù của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nên đại lý bảo hiểm vẫn được xem là kênh phân phối chủ yếu. Hiện nay, mặc dù đã thống nhất về phương pháp sát hạch, nhưng pháp luật vẫn cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm được tự đào tạo đại lý bảo hiểm, điều này đã làm cho việc đào tạo trở nên thiếu kiểm soát về chất lượng.

Do những ảnh hưởng của yếu tố chi phí cũng như sức ép của việc giành thị phần, nên công tác tự đào tạo của một số doanh nghiệp bảo hiểm chưa đạt yêu cầu. Theo người viết, cần quy định rõ những tổ chức được phép đào tạo về đại lý bảo hiểm, đồng thời có những yêu cầu cụ thể về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cũng như chương trình đào tạo. Các doanh nghiệp bảo hiểm có nhu cầu đào tạo đại lý sẽ cử người tham gia các khóa học. Nếu Bộ Tài chính đã chủ trì việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ đủ tiêu chuẩn hành nghề đại lý thì không nên trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào hoạt động đào tạo để đảm bảo tính khách quan. Như vậy, về tổ chức đào tạo đề xuất giao cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, vì tổ chức này vừa có tính độc lập, lại có mối quan hệ gắn bó với các doanh nghiệp bảo hiểm là thành viên, đồng thời lại có trách nhiệm đối với sự phát triển thị trường bảo hiểm.

Thứ sáu, quy định đại lý bảo hiểm là một nghề thương mại và cá nhân, tổ chức làm đại lý phải được cấp phép hành nghề.

Thay vì chỉ đơn thuần xem đại lý bảo hiểm như một chủ thể đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm thì cần phải xem đại lý bảo hiểm là một nghề thương mại. Từ cách tiếp cận này, Bộ Tài chính cần nghiên cứu xây dựng và ban hành quy chế cấp giấy phép hành nghề đối với đại lý bảo hiểm mà nội dung chính là tập trung vào việc quy định các điều kiện để được cấp phép hành nghề, thủ tục cấp phép cũng như các quyền và nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm khi hành nghề. Đối với đại lý là tổ chức thì bản thân tổ chức đại lý, người đại diện, các thành viên quản lý chủ chốt cũng như cá nhân thực hiện hoạt động đại lý phải được cấp giấy phép hành nghề. Sau khi có giấy phép hành nghề, đại lý bảo hiểm có thể ký hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều doanh nghiệp bảo hiểm để thực hiện hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Đồng thời hàng năm, Bộ Tài chính sẽ cập nhật và công khai danh sách đại lý được phép hoạt động để tạo điều kiện cho việc giám sát cũng như bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Để chuyển đổi mô hình đối với những đại lý bảo hiểm đang hoạt động, Bộ Tài chính cần xác định một lộ trình nhằm đánh giá lại năng lực của đại lý bảo hiểm đang hoạt động để từ đó tiến hành cấp giấy phép hành nghề đại lý bảo hiểm. Bộ Tài chính cũng cần sớm nghiên cứu ban hành Bộ Quy tắc hành nghề đại lý bảo hiểm để làm tiêu chuẩn đào tạo cũng như hành nghề đối với đại lý bảo hiểm. Bộ quy tắc này cần tập trung vào những vấn đề mang tính đạo đức nghề nghiệp của đại lý bảo hiểm để giảm thiểu những tranh chấp mà nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến chủ thể này

Với số lượng đại lý bảo hiểm đông đảo như hiện nay, nếu chuyển đổi sang mô hình đại lý độc lập cần có một tổ chức xã hội nghề nghiệp đại diện cho quyền lợi của họ. Do đó, trong tương lai có thể cho phép thành lập Hiệp hội đại lý bảo hiểm Việt Nam để phối hợp cùng với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam trong việc định hướng phát triển thị trường bảo hiểm.

Thứ bảy, cần sớm ban hành các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động phân phối sản phẩn bảo hiểm qua ngân hàng. Hiện nay hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đã từng bước phát triển khá nhanh chóng ở Việt Nam và do đó cần thiết phải được luật pháp ghi nhận để đảm bảo khả năng giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Luật Kinh doanh bảo hiểm nên bổ sung quy định về kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với những quy định có tính chất nguyên tắc để từ đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ban hành các quy định điều chỉnh hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Các quy định này cần bám sát từng tư cách của ngân hàng trong hoạt động phân phối bảo hiểm (ngân hàng là người mua và người thụ hưởng, là đại lý bảo hiểm hay là chủ thể kinh doanh bảo hiểm) để có thể điều chỉnh một cách hiệu quả.

4. Kết luận

Việc xây dựng nội dung lý luận về chống trục lợi bảo hiểm trong luật kinh doanh bảo hiểm nhân thọ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đánh giá các quy định pháp luật thực tiễn, từ đó đề xuất những giải pháp hoàn thiện pháp luật và tổ chức hoạt động doanh nghiệp và hoạt động cơ quan chức năng, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Những khái niệm quan trọng như “trục lợi bảo hiểm”, “dấu hiệu cơ bản của hành vi trục lợi”, “những hình thức trục lợi trong bảo hiểm nhân thọ” được xây dựng từ kinh nghiệm thực tiễn làm việc sẽ là cơ sở cho việc nghiên cứu những nội dung lý luận về chống trục lợi bảo hiểm trong pháp luật kinh doanh bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự.

2. Quốc hội (2022). Luật Kinh doanh bảo hiểm.

3. Chính phủ (2023). Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

4. Bộ Tài chính (2022). Thông tư số 69/2022/TT-BTC ngày 16/11/2022 quy định chi tiết  chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm.

5. Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (2014). Tài liệu Hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển hoạt động bảo hiểm liên kết ngân hàng tại Việt Nam.

6. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Bản tin Vòng quanh Thị trường - Chống trục lợi bảo hiểm.

7. Bộ Tài chính (2023). Báo cáo Tổng kết thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo hiểm 2023 của Thanh tra Bộ Tài chính, tr.17-18.

 

Anti-profiteering in the management and operation of life insurance businesses

in accordance with current regulations on life insurance businesses

Mai Dang Luu

Faculty of Economic law, Law of University, Hue University

ABSTRACT:

One of the requirements in the process of strengthening regulations about insurance business in general and life insurance business in particular is to perfect the Vietnamese legal system in the context of the country’s international integration. This paper focused on the current implementation of regulations on life insurance anti-profiteering in the management and operation of life insurance businesses. Based on the paper’s findings, some life insurance anti-profiteering solutions were proposed to strengthen regulations on the life insurance businesses.

Keywords: insurance business, anti-profiteering, insurance business.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2024]

Tin liên quan