Giải pháp tăng trưởng khi chính sách kích cầu ‘tới hạn’

Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đã không còn nhiều dư địa mở rộng, trong khi tăng trưởng kinh tế chưa đạt như kỳ vọng, đòi hỏi những chính sách hỗ trợ khác hiệu quả hơn, bao gồm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, chỉ có khoảng 27% doanh nghiệp kỳ vọng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2024.

GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhận xét, tỷ lệ này thấp hơn cả năm 2022 và ngang với giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2011 – 2013, cho thấy nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đang gặp những thách thức nghiêm trọng.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh, Sáng lập viên Think Future Consultancy, chỉ ra một vấn đề đặt ra cho tăng trưởng kinh tế là các chính sách kích cầu thông qua cung tiền, bao gồm chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hiện đang ở mức tối đa, khó có thể tăng thêm được nữa.

Cụ thể, quy mô chính sách tài khóa năm 2024 có thể chỉ xấp xỉ, thậm chí thấp hơn mức năm 2023. Về chính sách tiền tệ, lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục, lại thêm áp lực tỷ giá nên khó có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, dù đã dùng hết sức để kích cầu, nền kinh tế vẫn chưa đạt được mức tăng trưởng như mong muốn. Doanh nghiệp vẫn khó khăn, một số đã phải đóng cửa, kéo theo đó là người lao động mất việc, mất thu nhập, lại tác động tới cầu tiêu dùng.

Trong tình thế này, ông Linh nhận định, chính sách kinh tế không thể chỉ quan tâm tới kích cầu mà phải chú trọng thêm cả các chính sách mang tính “kích cung”, tức là các vấn đề hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, thông qua tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khôi phục niềm tin kinh doanh.

Thực tế cho thấy, chính sách kích cung có hiệu quả khá cao, điển hình như Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân được Bộ Chính trị ban hành năm 2017 đã nhanh chóng kéo tăng trưởng đầu tư tư nhân lên mức 15 – 20% trong giai đoạn 2018 – 2019, giúp đầu tư tư nhân trở thành động lực cho tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Tuy nhiên, nói như vậy không phải là bỏ qua các chính sách tài khóa, tiền tệ. Tại Chương trình đối thoại Bệ đỡ cho các động lực tăng trưởng, ông Cường nhận xét, những biện pháp tài khóa, tiền tệ vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là giải pháp hỗ trợ tức thời, tạo nền tảng giải tỏa phần nào khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Chính vì vậy, ông Cường đề xuất, chính sách tài khóa tiếp tục triển khai theo hướng giảm thuế, giảm, hoãn các loại phí và nghĩa vụ đóng góp cho doanh nghiệp. Về chính sách tiền tệ, lãi suất không thể giảm tiếp bởi đang ở mức rất thấp, cần phải duy trì ở mức vừa phải để ngân hàng vừa có thể huy động được tiền, doanh nghiệp vừa không bị áp lực trả nợ.

Bên cạnh đó, ông Cường đề nghị, Nhà nước có thể sử dụng ngân sách để trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp và định hướng doanh nghiệp vào những ngành, lĩnh vực đang cần được thúc đẩy, chẳng hạn như phát triển nhà ở xã hội, phát triển công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đầu tư phát triển bền vững.

Vị giáo sư kinh tế cho biết, giải pháp này vừa giúp doanh nghiệp bớt khó khăn, vừa đảm bảo thực hiện các mục tiêu chiến lược từ phía Nhà nước. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng yên tâm hơn khi có một định hướng về dài hạn, tin tưởng rằng chỉ cần đi đúng con đường, dù khó khăn, thách thức nhưng luôn nhận được sự đồng hành và hỗ trợ.

Còn theo ông Linh, các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh đang là mong muốn hàng đầu của doanh nghiệp và cần được xác định là mục tiêu hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.

Ông Linh đề xuất cần xây dựng một chỉ số đánh giá kết quả thực hiện (KPI) đối với các hạng mục trong cải thiện môi trường kinh doanh để nhìn ra những nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, từ đó có những giải pháp thực tiễn tạo hiệu quả cao. Làm tốt được điều này sẽ tạo ra động lực tăng trưởng về dài hạn cho nền kinh tế.