HoREA đề xuất tiếp tục nới lỏng điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Theo HoREA, năm 2024 giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ lên đến 329.500 tỷ đồng, cao nhất trong 3 năm gần đây, nên rất cần thiết tiếp tục gia hạn các quy định của các văn bản hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

HoREA đề xuất tiếp tục nới lỏng điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) và cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị Bộ Tài chính gia hạn hiệu lực của Nghị định 08 thêm 12 tháng, đến hết năm 2024.

Cụ thể, HoREA đề xuất tiếp tục ngưng hiệu lực thi hành quy định việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành và kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Mục đích của việc gia hạn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ và nhà đầu tư cá nhân đầu tư trái phiếu riêng lẻ. Qua đó giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo HoREA, Nghị định 08 đã phát huy tác dụng, tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý 4.

Đây là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu của cả năm 2023 với tổng giá trị lên đến 65.500 tỷ đồng (không tính các lô trái phiếu đã giãn, hoãn), trong đó có gần 80% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Liên quan đến thị trường trái phiếu, trong hội nghị gần đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi.

Mục đích nhằm bổ sung quy định phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, vào cuối tháng 8, NHNN đã ngưng áp dụng các khoản 8, khoản 9 và khoản 10 thuộc Điều 8 của Thông tư 06.

Theo những điều khoản này, các tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu như để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UpCom.

Các chuyên gia cho rằng việc ngưng thi hành một số điều khoản tại Thông tư 06 của NHNN sẽ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn. Tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có cơ hội tái cơ cấu lại, thông qua chuyển nhượng vốn tại các dự án cho các nhà đầu tư có năng lực vận hành tốt hơn hoặc thông qua cơ chế hợp tác kinh doanh.

Ngoài ra, để đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thông tư 03 được NHNN ban hành giữa năm nay cũng đã hỗ trợ các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp có thêm dòng tiền để xử lý một phần trái phiếu đáo hạn trong năm 2023.

Theo đó, nhờ việc cho phép các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp mà không cần chờ sau 1 năm, Thông tư 03 đã góp phần gỡ nút thắt thanh khoản trên thị trường trái phiếu.

Trong 10 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp là gần 206.000 tỷ đồng, trong đó phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chiếm 88,5% với giá trị hơn 182.000 tỷ đồng cho thấy hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu đã dần được cải thiện.

Đặc biệt là từ ngày 19/07, Bộ Tài chính đã quyết định đưa “Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ” thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào hoạt động, tạo “sân chơi” để giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ minh bạch, an toàn đã tăng niềm tin cho thị trường các nhà đầu tư trái phiếu, nhất là nhà đầu tư trái phiếu là cá nhân.

Tin liên quan