Theo Thanh tra TP.HCM, trong thời kỳ 2018 – 2020, Ban Quản lý khu Công nghệ cao đã có nhiều tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong chấp hành các quy định của pháp luật…
Mới đây, Thanh tra TP.HCM đã có văn bản thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật tại Ban Quản lý khu Công nghệ cao TP.HCM. Theo đó, Thanh tra TP.HCM đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm xảy ra tại Ban Quản lý khu Công nghệ cao TP.HCM.
Cụ thể, theo Thanh tra TP.HCM, việc lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/2.000 giai đoạn I và giai đoạn II khu Công nghệ cao có một số nội dung chưa phù hợp quy hoạch chung.
Trong quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch và sau cấp phép xây dựng đối với một số chủ đầu tư dự án, công trình còn chưa chặt chẽ, kịp thời, để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép chậm khắc phục như tại Nhà máy Jabil Việt Nam, Trung tâm Công nghệ Hàng không Vietjet, Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán chưa đầy đủ chính xác, đồng thời việc nghiệm thu, thanh, quyết toán công trình của một số dự án xây dựng đường không phù hợp thực tế, chênh lệch giá trị khối lượng xây lắp.
Thực hiện thẩm định công nghệ của 32/39 dự án đầu tư không đúng thẩm quyền không đúng quy định.
Thực hiện thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn thiếu sót về thủ tục, một số trường hợp chưa phù hợp với quy hoạch được duyệt hoặc chưa đảm bảo cơ sở pháp lý.
Không có biện pháp hiệu quả nhằm buộc nhà đầu tư của 20 dự án phải thỏa thuận ký quỹ sau khi được thuê đất là không thực hiện đúng quy định Luật Đầu tư năm 2014.
Trong quản lý, sử dụng tài chính, kinh phí, Ban Quản lý đã tiến hành thu, chi nhưng chưa kịp thời báo cáo để được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý; chưa ràng buộc chặt chẽ biện pháp chế tài khi ký hợp đồng dẫn đến các nhà đầu tư còn dây dưa nợ khó đòi…
Cho thuê đất không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt 07 dự án còn hiệu lực đến thời điểm thanh tra.
Thiếu đôn đốc, kiểm tra để chủ đầu tư của 33 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, thấp nhất 01 tháng, nhiều nhất 63 tháng tính đến thời điểm tháng 7/2021, trong đó có 03 đơn vị sử dụng đất không đúng mục đích theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp.
Cũng theo văn bản này, đến ngày 21/7/2017, Ban Quản lý mới ban hành Quyết định quy định trình tự, thủ tục về đất đai dẫn đến hồ sơ cho thuê đất trước đó (trong giai đoạn từ 1/7/2014 – 21/ 7/2017) không đầy đủ thủ tục, còn thiếu nhiều thành phần hồ sơ quan trọng, cụ thể; thiếu đơn xin thuê đất, không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, không thẩm định điều kiện giao đất...
Ký hợp đồng cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê không đúng đối tượng, không đúng hình thức pháp luật quy định; thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê chưa hợp lý, không lập phương giá đất sát giá thị trường để thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Không sử dụng đúng phương pháp giá vốn khi tổng hợp chi phí đầu tư để xác định giá cho thuê đất, tự loại trừ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chi phí rà phá bom mìn và dự phòng phí khi trình UBND thành phố.
Tập hợp chưa đầy đủ ý kiến của các Sở, ngành khi trình UBND TP.HCM ban hành Quyết định, nội dung trình cũng không thể hiện các tiêu chí về quy hoạch chi tiết, vị trí đất tương ứng với từng mục đích sử dụng đất của khu CNC trong phụ bảng chi tiết mức giá thuê đất các tuyến đường trong khu CNC là chưa phù hợp.
Triển khai thực hiện không đúng chủ trương thí điểm được duyệt của UBND thành phố: thêm nhà đầu tư Công ty Phát triển Khu CNC, tăng diện tích cho thuê, mở rộng thêm các vị trí, thay đổi giá cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cho Công ty Lập Thành thuê đất để thực hiện dự án xây dựng nhà xưởng trước khi UBND TP.HCM cho phép thực hiện thí điểm với đơn giá cho thuê thấp.
Tại Ban Quản lý còn 10/24 nội dung chưa thực hiện xong theo thông báo Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, trong đó chưa nộp ngân sách nhà nước số tiền 58,607 tỷ đồng, chưa truy thu tiền thuê đất đối với dự án trường Đại học Fullbright Việt Nam số tiền 241,708 tỷ đồng, chưa tổ chức kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Ban theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Cũng theo văn bản này, Thanh tra TP.HCM cũng thông tin đối với nội dung đơn phản ánh, ông Lê Hoài Quốc, nguyên Trưởng ban Quản lý khu Công nghệ cao thiếu trách nhiệm trong quản lý dẫn đến ký hợp đồng cho Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Beton 6, Công ty Cổ phần Đầu tư Đông Sài Gòn thuê 30.920,9m2 tại đường D2 và đường Lã Xuân Oai thuộc khu Công nghệ cao, nhưng không yêu cầu Công ty Beton 6 ký quỹ bổ sung dẫn đến khó đòi; chấp thuận cho Công ty Đông Sài Gòn hưởng các ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền ký quỹ ở mức cao nhất bất hợp lý; xây dựng đơn giá cho thuê đất không bảo toàn được vốn, không sát giá thị trường, có khả năng gây thất thu ngân sách nhà nước là có cơ sở.
Theo Thanh tra, do hồ sơ, tài liệu các đơn vị cung cấp cho Đoàn thanh tra chưa thể hiện ông Lê Hoài Quốc và bà Lê Bích Loan có thỏa thuận hoặc hợp tác với ông Diệp Dũng và Công ty con của ông Dũng, Công ty TNHH TMDV Sài Gòn - Xuân Oai có góp vốn vào Công ty Đông Sài Gòn hoặc hai bên có hình thức liên doanh, liên kết khác nên chưa có đủ cơ sở kết luận đối với nội dung phản ánh ông Quốc, bà Loan cấu kết, thông đồng với ông Diệp Dũng, nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Saigon Co.op và Công ty con của ông Dũng và nội dung phản ánh Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Beton 6, Công ty Cổ phần Đầu tư Đông Sài Gòn thuê diện tích trên để liên doanh, liên kết với Công ty con của Saigon Co.op.