Thụy Điển bãi bỏ thuế với túi nhựa dùng một lần

Từ ngày 1/11, Thụy Điển bắt đầu thực hiện bãi bỏ thuế đối với túi nhựa dùng một lần tại các quầy thanh toán, làm dấy lên lo ngại việc sử dụng túi nylon tăng trở lại.

Loại thuế đánh vào túi nhựa dùng một lần này đã được áp dụng từ tháng 5/2020, với mức thuế 3 kronor (khoảng 0,27 USD) một chiếc và được đánh giá là biện pháp hiệu quả làm giảm đáng kể rác thải từ túi nylon. Mức trung bình sử dụng túi nhựa trên đầu người ở Thụy Điển đã giảm từ 74 túi vào năm 2019 xuống còn 17 túi vào năm 2023, thấp hơn nhiều so mục tiêu của châu Âu là tối đa 40 túi/người vào năm 2025. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thụy Điển, việc áp thuế là yếu tố quyết định dẫn đến giảm 75% lượng sử dụng túi trong giai đoạn 2020-2021. Ở hầu hết các siêu thị, những chiếc túi mỏng dùng để đựng trái cây và rau quả cũng đã biến mất để thay bằng túi giấy.

Tuy nhiên, quyết định bãi bỏ thuế đã có hiệu lực từ đầu tháng 11/2024 đang khiến các tổ chức môi trường lo ngại có thể tác động tiêu cực, làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng và khiến rác thải từ túi nhựa tăng trở lại. Bà Asa Stenmarck, người phát ngôn của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thụy Điển cho biết: “Chúng tôi không cho rằng, chính phủ nên cắt khoản thuế này ngay từ bây giờ, khi đây đang được xem là một biện pháp hữu hiệu để giảm rác thải nhựa”.

Theo The Guardian, giới chức quốc gia Bắc Âu cho rằng, việc sử dụng túi nhựa trên toàn quốc đã thấp hơn mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU) đề ra và do đó khoản thuế này “không còn cần thiết”. Đồng thời Thụy Điển vẫn phải tiếp tục duy trì mục tiêu mỗi người chỉ sử dụng 40 túi/năm từ năm 2025 trở đi và có thể bị phạt nếu không đạt được mục tiêu này.

Mặc dù vậy, bà Stenmarck nhận định, việc bãi bỏ thuế làm giảm giá thành túi đồng nghĩa với việc sử dụng túi nylon nhiều hơn và người dân quay trở lại thói quen mua túi mới khi mua sắm ở siêu thị. Việc bãi bỏ thuế cũng có thể dẫn tới bao bì nhựa rẻ hơn và làm tăng mức tiêu thụ túi đột biến.