Luật Nhà giáo: Chuyển đổi từ quản lý sang quản trị

Trong không khí chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, dự án Luật Nhà giáo đã được trình Quốc hội lần đầu, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Đây là một cột mốc quan trọng, không chỉ mở ra cơ hội nâng cao vị thế nhà giáo mà còn đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện của ngành giáo dục.

Quản trị nguồn nhân lực: Tư duy mới trong quản lý nhà giáo

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn, dự án Luật Nhà giáo thể hiện sự chuyển đổi tư duy từ quản lý hành chính sang quản trị nguồn nhân lực. Cách tiếp cận mới này coi nhà giáo là nguồn lực chủ yếu đóng góp vào thành công của hệ thống giáo dục.

“Nhà giáo cần được nhìn nhận là những chuyên gia trong nghề dạy học, được đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ theo một hệ thống tiêu chuẩn rõ ràng. Điều này bảo đảm có sự gắn kết giữa số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo với mục tiêu và yêu cầu phát triển của giáo dục”, bộ trưởng cho biết trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Luật Nhà giáo: Chuyển đổi từ quản lý sang quản trị
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Trang tin Quốc hội

Ông nhấn mạnh đến yếu tố chuyên môn và chất lượng trong công tác quản lý nhà giáo vì chính yếu tố này sẽ đảm bảo cho yếu tố quản lý nhà nước có được sự đổi mới trong cả khối công và khối tư.

Dự thảo luật lần này đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng một khung pháp lý thống nhất, tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập. Lần đầu tiên, các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo trong cả hai khối được quy định một cách đầy đủ và rõ ràng, có hệ thống.

Nhà giáo đặt trước yêu cầu phát triển không ngừng, được bảo vệ thông qua quyền của nhà giáo và những điều cá nhân, tổ chức không được làm đối với nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.

Đổi mới chính sách tiền lương

Một trong những điểm nhấn quan trọng của dự án Luật Nhà giáo là chính sách tiền lương. Theo dự thảo, nhà giáo sẽ được ưu tiên trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, với mức lương cơ bản cao nhất, kèm theo các phụ cấp đặc thù như phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp thâm niên và hỗ trợ bổ sung cho giáo viên công tác tại vùng khó khăn.

Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận rằng việc thực hiện các chính sách này không hề đơn giản.

“Hơn 1 triệu nhà giáo hiện hưởng lương từ ngân sách nhà nước và điều này đặt ra bài toán lớn về khả năng cân đối nguồn lực. Dù vậy, hai lần điều chỉnh mức lương cơ sở gần đây đã phần nào cải thiện đời sống của đội ngũ nhà giáo, tạo thêm động lực trong nghề nghiệp,” ông cho biết.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đề xuất các chính sách thu hút nhân tài, ưu tiên giáo viên vùng khó khăn, và hỗ trợ giáo viên trong các lĩnh vực đặc thù như giáo dục hòa nhập, năng khiếu, nghệ thuật. Những chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn cho việc phát triển và duy trì đội ngũ nhà giáo chất lượng cao.

Dự án Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho việc chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo thông qua các tiêu chuẩn nghề nghiệp rõ ràng.

Yêu cầu thực hành sư phạm khi tuyển dụng, cùng với các chính sách điều động, biệt phái, và hỗ trợ đào tạo liên tục, sẽ giúp đảm bảo nhà giáo có đầy đủ năng lực để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Theo ông Sơn, một khung pháp lý toàn diện không chỉ giúp cải thiện môi trường làm việc cho nhà giáo mà còn là công cụ quan trọng để bảo vệ quyền lợi, phát huy tính sáng tạo, và nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp.

“Chúng tôi mong muốn nhà giáo sẽ cảm thấy tự do hơn trong nghề nghiệp, có nhiều điều kiện để phát triển bản thân và đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục”, ông Sơn nói.

Tin liên quan