Để đảm bảo tính khả thi về huy động vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam tài trợ vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước cho Dự án theo phương thức PPP.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 4160/VPCP-KTTH ngày 14/6/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về hỗ trợ cơ chế cho Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức PPP.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến, việc thẩm định và quyết định cho vay, thu hồi nợ gốc, nợ lãi của các dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 (sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 07/11/2023) về tín dụng đầu tư của Nhà nước và quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, trục lợi, vi phạm pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam nghiên cứu báo cáo, kiến nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng để xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Các bộ, ngành chủ động phối hợp chặt chẽ, có văn bản trả lời cho UBND tỉnh Lâm Đồng theo quy định; kịp thời đề xuất, báo cáo cấp thẩm quyền các nội dung vượt thẩm quyền.
Trước đó, ngày 14/5/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 3814/UBND-GT báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về hỗ trợ cơ chế cho Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức PPP.
Văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trên cơ sở các ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành được thành lập theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 28/10/2023 đối với báo cáo nghiên cứu khả thi đã có ý kiến về tính khả thi huy động vốn cho Dự án (theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Văn bản số 9663/NHNN-TD ngày 19/12/2023 và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 1547/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 05/3/2024) và UBND tỉnh Lâm Đồng nhận thấy các ý kiến này là có cơ sở khi thời gian qua các dự án PPP đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư thành công đều có các chỉ tiêu tài chính tốt hơn Dự án do có tỷ lệ ngân sách nhà nước hỗ trợ lên đến 50% hoặc hơn.
Đề xuất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với Dự án với mức tối đa 80% tổng mức đầu tư
Về phương án huy động vốn, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngày 28/3/2024, Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Lâm Đồng và Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã ký kết thỏa thuận tài trợ vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, theo đó tổng mức vốn cung ứng theo nhu cầu của Tập đoàn Đèo Cả khoảng 20.000 tỷ đồng, đối tượng cho vay là Dự án đầu tư hạ tầng giao thông thuộc danh mục được vay vốn và đáp ứng các điều kiện vay theo quy định, thời gian cho vay dự kiến trong giai đoạn 2024-2027.
Ngày 25/4/2024, Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 100/NHPT-LĐO-TD báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng một số nội dụng liên quan đến việc cho vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, trong đó đã báo cáo cụ thể các nội dung về đối tượng, điều kiện cho vay, mức vốn cho vay, lãi suất vay, thời hạn cho vay.
Theo Văn bản số 100/NHPT-LĐO-TD ngày 25/4/2024 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Lâm Đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam có thể cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với Dự án với mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tối đa bằng 70% tổng vốn đầu tư của Dự án (không bao gồm vốn lưu động) trong phạm vi giới hạn tín dụng theo quy định. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn theo phương án tài chính của dự án tương đương 80% tổng mức đầu tư (không bao gồm phần vốn ngân sách nhà nước).
Theo điều kiện cho vay tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 07/11/2023 của Chính phủ về quy định điều kiện cho vay: vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động). Tuy nhiên theo quy định Luật PPP quy định vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm vốn nhà nước. Do đó đối với dự án, vốn chủ sở hữu là 20% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm phần vốn nhà nước; vì vậy không đảm bảo điều kiện cho vay theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 07/11/2023 của Chính phủ.
Do đó, để đảm bảo tính khả thi về huy động vốn cho Dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam tài trợ vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước cho Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức PPP theo quy định.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất và chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam chấp thuận cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với Dự án với điều kiện vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án (không bao gồm phần vốn ngân sách nhà nước); chấp thuận cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với Dự án với mức vốn cho vay tối đa bằng 80% tổng mức đầu tư (không bao gồm phần vốn ngân sách nhà nước).
Chuẩn bị các điều kiện để khởi công dự án trong Quý IV/2024
Dự án đầu tư xây dựng cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022 với chiều dài khoảng 66 km (địa phận tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km và địa phận tỉnh Lâm Đồng khoảng 55km). Điểm đầu Dự án tại Km60+100 (trùng với điểm cuối của Dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú. Điểm cuối Dự án tại Km126+360 (trùng với điểm đầu của Dự án đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức PPP đang được UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức thực hiện).
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, đến nay, Dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc đã triển khai các thực hiện được các phần việc:
(i) Đã trình hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi lên Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định với tổng mức đầu tư khoảng 18.120 tỷ đồng. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước tham gia là 6.500 tỷ đồng (chiếm khoảng 36% tổng mức đầu tư của dự án), vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 11.620 tỷ đồng;
(ii) Đã hoàn thành khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với Dự án và chỉ có 01 nhà đầu tư quan tâm là Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả;
(iii) Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt để thực hiện theo quy định;
(iv) Đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, trên cơ sở khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 1222/TTg-CN ngày 23/11/2023, các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nhiệm vụ cần thiết để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi có quyết định phê duyệt Dự án.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Hội đồng thẩm định liên ngành để tổ chức thẩm định và UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, Dự án sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn Nhà đầu tư, chuẩn bị các điều kiện để có thể khởi công dự án trong Quý IV/2024.