Theo một số liệu thống kê, sau 50 năm với 48 lần tham dự Olympic toán quốc tế, học sinh Việt Nam giành 271 huy chương, trong đó có 10 học sinh xuất sắc đạt điểm tuyệt đối, 10 học sinh giành 2 Huy chương vàng.
Kết quả trên đã cho thấy chất lượng giáo dục Việt Nam cũng như trí tuệ, trình độ của học sinh Việt Nam không hề thua kém thế giới. Tuy nhiên, trong số học sinh này có bao nhiêu người quyết định ở lại Việt Nam lập nghiệp? Có bao nhiêu người sáng tạo ra một công trình mà chúng ta có thể gọi tên, có thể vinh danh?
Có thể nói rằng, thời gian qua chúng ta đã đào tạo được rất nhiều nhân tài nhưng vẫn thiếu những cơ chế, chính sách phát huy, sử dụng nhân tài hợp lý. Nhiều người được coi là nhân tài đã ra nước ngoài lập nghiệp, sinh sống. Một phần không nhỏ trong số họ đã trở thành những giáo sư, tiến sĩ… nhưng tên tuổi và những công trình của họ lại không gắn liền với đất nước, mà lại gắn liền với các trường đại học, viện nghiên cứu, tập đoàn, công ty… của quốc gia khác.
Ai cũng hiểu cần có cơ chế, chính sách trọng dụng nhân tài. Nhưng hầu như các cơ chế, chính sách hiện tại chưa thật sự thu hút được người tài và tạo được môi trường cho họ yên tâm gắn bó, cống hiến trí tuệ, năng lực. Từ tiền lương cho đến môi trường làm việc cho người tài đều cần sự khác biệt, đến mức đủ sức hấp dẫn người tài. Ngoài vấn đề thu nhập chưa tương xứng, nhiều nhân tài quay trở về Việt Nam làm việc một thời gian cảm thấy không thể thích nghi với môi trường làm việc. Thử một thời gian nhưng không thể hòa nhập, họ lại ra đi.
Nhưng nếu nhìn nhận ở khía cạnh khác, có thể thấy vấn đề lại đến từ cả hai phía. Môi trường làm việc, dù ở đâu, cũng do con người tạo ra. Nhân tài tìm đường ra nước ngoài để có những điều kiện tốt hơn hoàn toàn hợp lý về mặt tự nhiên. Nhưng sẽ ra sao nếu người tài tìm cách ở lại, tìm cách thay đổi môi trường làm việc theo mong muốn của mình. Nếu tất cả đều “đồng lòng”, việc thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho người tài cống hiến chắc hẳn sẽ đến nhanh hơn.
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta ngày càng phát triển lên những tầm cao mới. Các lợi thế tự nhiên như tài nguyên dần trở nên khan hiếm. Nhân tài càng lúc càng trở nên quan trọng trong bối cảnh mới. Chính vì vậy, cần tìm được hướng đi phù hợp để tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút chất xám phục vụ mục tiêu phát triển đất nước, đưa đất nước vươn tầm thế giới.
KHOA THÀNH