Theo Chuyên gia của Dragon Capital, dù chịu áp lực từ tỷ giá, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ tiếp tục nới lỏng với lãi suất duy trì ở mức thấp.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối đầu tư của quỹ Dragon Capital, thị trường chứng khoán đang trải qua đợt điều chỉnh mạnh khi giảm về ngưỡng 1.200 điểm. Nhiều lý do được đưa ra để lý giải cho đợt suy giảm này, trong đó có các vấn đề căng thẳng địa chính trị và đặc biệt là tỷ giá.
Tỷ giá gần đây liên tiếp lập kỷ lục mới. Ngày 16/4, giá USD trong ngân hàng tăng vượt 25.300 đồng. Lý giải về áp lực tỷ giá, ông Lê Anh Tuấn cho rằng đà tăng này đến từ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD đang ở mức âm.
Song song với đó, tỷ giá tăng còn chịu tác động từ thị trường vàng và tiền số. Giá vàng liên tục tạo đỉnh mới những ngày qua, có thời điểm lên tới 85 triệu đồng mỗi lượng. Điều này kích thích tâm lý người dân sử dụng ngoại tệ đầu tư vào vàng, thay vì nhập hàng hóa để sản xuất hoặc kinh doanh.
Chuyên gia của Dragon Capital chỉ ra mối tương quan giữa tỷ giá với những đợt tăng của tiền số. Khi Bitcoin tăng mạnh, tỷ giá chợ đen cũng nhích lên, vì nhà đầu tư có xu hướng tìm mua USD để đổ vào tiền số.
Vị chuyên gia nhận định trong giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất, đồng USD thường mạnh lên và ảnh hưởng đến đồng tiền của các nước thị trường mới nổi. Theo cuộc họp hồi tháng 3, mức giảm lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là 0,75%, chia làm 3 lần.
Tuy nhiên, lạm phát Mỹ vẫn giữ mức cao khiến Fed cần có thêm thời gian trước khi quyết định hạ lãi suất. Điều này trái với kỳ vọng của nhà đầu tư.
Ông Tuấn cho biết để tìm điểm cân bằng với tỷ giá, lãi suất tiền gửi trong nước có thể sẽ tăng trở lại, từ 0,5 - 1,5% trong 3-6 tháng tới. Mặc dù vậy, điều này không đồng nghĩa chính sách tiền tệ sẽ đảo chiều.
“Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nới lỏng và lãi suất duy trì ở mức thấp”, ông Tuấn nhận định.
Thống kê của Dragon Capital cũng chỉ ra dù biến đống mạnh, tiền đồng vẫn đang mất giá chậm hơn so với nhiều đồng tiền trong khu vực. Từ đầu năm đến nay, biên độ giảm của tiền đồng thấp hơn tiền tệ của Đài Loan (6,4%), Thái Lan (7,5%), Hàn Quốc (8,3%) và Nhật Bản (9,4%). Những chỉ báo cho thấy NHNN đang duy trì chính sách tiền tệ ổn định.
Thông thường, chính sách tiền tệ nới lỏng là một trong những động lực nâng đỡ thị trường chứng khoán, bên cạnh triển vọng kinh tế vĩ mô và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Dragon Capital cho biết hiện có nhiều tín hiệu rõ rệt về phục hồi kinh doanh của doanh nghiệp. Quỹ đầu tư dự phóng lợi nhuận 80 doanh nghiệp trong danh sách lựa chọn của mình sẽ có mức tăng trưởng năm 2024 ở mức 15 - 18%. Kết quả sơ bộ quý I của 40 đơn vị cho thấy lợi nhuận tăng 21% so với cùng kỳ và 16% so với quý IV/2023.
Sự phục hồi này không chỉ đến từ một số ngành nào, mà dự kiến nhiều ngành như bán lẻ, ngân hàng… Kể cả lĩnh vực bất động sản có thể chưa phục hồi lợi nhuận nhưng thị trường cũng đã “ấm” lên.
Song song với đó, kinh tế Việt Nam có nhiều chuyển biến, dễ nhận thấy nhất là tăng trưởng xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, quý đầu năm, xuất khẩu đạt trên 93 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
“Điều kiện vĩ mô thuận lợi, tín hiệu hồi phục kinh doanh của doanh nghiệp, cộng với việc Fed sẽ đảo chiều lãi suất, thị trường chứng khoán vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn”, chuyên gia của Dragon Capital nhận định.
Từ đầu năm 2024, chỉ số VN Index đã tăng hơn 13%. Số lượng tài khoản mở mới tăng đều trong ba tháng đầu năm nay, thanh khoản tăng mạnh . Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày của thị trường lên mức cao kỷ lục là 26.700 tỷ đồng, tăng 28% so với tháng 2. Mức này đạt đỉnh kể từ đầu năm 2022 cho thấy nhà đầu tư đang rất quan tâm tới thị trường này.
Trần Anh