Ngày 24/7, tại New Delhi, Ấn Độ, trong Kỳ họp lần thứ 46, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO đã thông qua quyết định đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Vui mừng với tin này nhưng khi nghiên cứu - phục dựng cần tính toán đầy đủ nhiều mặt.
Ủy ban Di sản thế giới cũng ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong quá trình thực hiện toàn bộ các cam kết của Chính phủ Việt Nam từ khi di sản được ghi danh năm 2010 đến nay. Các đối tác đánh giá Việt Nam là mẫu mực, điển hình cho hợp tác giữa quốc gia thành viên với cơ quan tư vấn trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững.
Còn một chứng tích đặc biệt
Nền điện Kính Thiên thời Lê nằm trên khu vực “nhà con rồng” cùng với nhà và hầm D67 hiện nay - là nơi họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh trong thời chống Mỹ. Đường thẳng giả định nối từ Bắc Môn, qua điện Kính Thiên, sân Đan Trì, qua Đoan Môn nhìn thẳng đến Cột cờ chính là “trục chính tâm”, hay “trục ngự đạo” (đường của vua), “trục thần đạo” của Hoàng thành. Đề xuất định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển giá trị Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Ủy ban Di sản thế giới thông qua mở đường cho tiến tới phục dựng không gian “trục thần đạo” và điện Kính Thiên.
Trước thềm điện Kính Thiên nay còn hiện diện một công trình kiến trúc được xây trong thời thực dân ở phía nam “nhà con rồng”, nằm cắt ngang qua “trục thần đạo”. Trong ý tưởng “khai thông” và phục dựng không gian “Trục thần đạo - sân Đan Trì - điện Kính Thiên”, tòa nhà này đang được tính toán “hạ giải”.
Tòa nhà đó cũng là một chứng tích cách mạng. Đó là tòa nhà từng là nơi đặt Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu trong thời chống Mỹ. Ở đây lưu ký ức và các kỷ vật cả một thời của các cán bộ tác chiến trong Tổng hành dinh. Đầu phía bên phải tòa nhà, nhìn từ thềm điện Kính Thiên, dưới lòng đất, là một di tích độc đáo - căn hầm T1. Căn hầm này là căn cứ trung tâm chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu. Tất cả quyết định tác chiến quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đều xuất phát từ những khối óc chỉ huy trong căn hầm này. Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, hầm T1 là đầu não chỉ huy trận quyết chiến đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ.
Năm 2012, vào dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng B52, hầm T1 đã được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội phục dựng và mở cửa đón công chúng vào tham quan. Trong xu hướng muốn phục dựng không gian điện Kính Thiên, ý tưởng chỉ chọn giữ một phần tòa nhà này, còn lại thì “giải tỏa” để tạo mặt bằng có thể phục dựng không gian sân Đan Trì - “sân rồng” thời Lê, đã được nêu.
Cần hài hòa khi không bảo tồn được tối đa
Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, ở Hoàng thành Thăng Long, những chứng tích của thời đại Hồ Chí Minh kết nối với lịch sử 13 thế kỷ trước. Đó là đoạn cuối hoàn thiện dòng chảy lịch sử liền mạch ở nơi tập trung bề dày văn hiến nhất của đất nước. Các di tích cách mạng thời hiện đại vẫn có thể đồng hành phát huy giá trị bên cạnh những phát hiện khảo cổ học vẫn đang hiện dần ra trong khu vực Hoàng thành.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: “Trong khi nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng Hoàng thành (phải) là ưu tiên số một. Khi phục dựng điện Kính Thiên bằng phương pháp khoa học chúng ta vẫn cần tìm thêm tư liệu để việc phục dựng có cơ sở vững chắc. Cũng cần phân tích và nhận rõ là lịch sử không dừng lại ở điện Kính Thiên mà còn tiếp nối tới ngày nay. Với căn hầm dưới tòa nhà Cục Tác chiến, nằm trong không gian điện Kính Thiên - sân Đan Trì, nhất thiết cần giữ lại và có cách tiếp cận riêng để nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử nhiều lớp của không gian này. Đó chính là nét đặc trưng đặc sắc của lịch sử Việt Nam”. Phương án chọn giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử của căn hầm T1 sẽ là câu chuyện cụ thể minh họa cho điều đó khi chúng ta đang cùng lúc nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên với mong muốn tốt đẹp là hậu thế có thể nhìn thấy các công trình cung điện của tiền nhân một cách cụ thể, trực quan.
Cần nghiên cứu kỹ để chọn lựa những phần có thể bảo tồn tốt và tránh việc vì nóng vội mà chúng ta xóa hẳn đi một di tích để “phục dựng” một di tích khác vì cần nhấn mạnh rằng, thuộc tính đầu tiên của di tích là dễ bị tổn thương và không thể tái tạo. Các nhà bảo tồn và phục dựng nên/cần tính toán phương án tốt nhất bảo đảm cho sự giữ gìn và phát huy sẽ tốt trong khi nêu cao yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị những tư liệu lịch sử quá khứ và cả các chứng tích lịch sử đang hiện diện.
Nếu thực hiện phương án tháo dỡ tòa nhà Cục Tác chiến, trước tiên cần tuân thủ đúng Luật Di sản văn hóa đối với một Di tích quốc gia đặc biệt (trước khi Hoàng thành là di sản thế giới). Bất cứ sự thay đổi nguyên trạng nào trên di tích cần có quyết định phê duyệt chính thức từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có tham khảo, tham vấn, thậm chí phản biện từ Bộ Quốc phòng, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, các chuyên gia độc lập...
NGỮ THIÊN