Đại dịch Covid-19 vừa đi qua, mọi người vừa kịp xả hơi bằng những chuyến “du lịch trả thù”, bằng những kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế… thì một “đại dịch” khác đã vội ập tới: Lạm phát.
Thế giới trong vòng xoáy lạm phát
Ông bà Joseph ở thủ đô Praha, CH Séc, đã về hưu và cả hai tạm đủ, ung dung với khoản tiền lương hưu (tổng cộng khoảng 17-18 triệu đồng Việt Nam/tháng) cho cuộc sống bình yên của mình.
Nhưng sau khi dịch Covid-19 kết thúc, cả hai ông bà đã cảm nhận thấy sức ép đầu tiên. “Giá dầu ăn tăng gấp 2, thậm chí có thời điểm gấp 3”, bà Joseph chia sẻ. Chưa hết, bà tiếp tục: “Giá thực phẩm cơ bản như bánh mì, bột, rau, hoa quả gì cũng tăng ít nhất 50%. Rồi tiền điện, tiền gì cũng tăng hết…..”. Cả hai ông bà bắt buộc phải tính toán chi li hơn mỗi lần mua thực phẩm, và những chi phí cơ bản thiết thực hàng ngày. Tiền lương hưu tất nhiên không thay đổi.
“Cũng may” - ông Joseph cười tự an ủi, “Tôi vẫn được đi metro, tàu xe miễn phí vì trên 65 tuổi, và vợ tôi vẫn chỉ trả có 120 cu-ron (tương đương 120.000đ) hàng tháng cho chuyện đi tàu xe, metro v.v nên vẫn chưa tới mức sang chấn tâm lý hay tự kỷ.”
Theo các nhà kinh tế, biện pháp đầu tiên mà các Ngân hàng trung ương và các chính phủ nghĩ tới để khống chế tình trạng lạm phát gia tăng là thắt chặt điều kiện kinh tế, cụ thế siết chặt dòng tiền đổ vào lưu thông trong nền kinh tế. Ông Craig Erlam, chuyên gia tài chính có trụ sở ở London cho rằng, mọi người đã lường trước việc lãi suất cơ bản được nâng 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6 và tháng 7, tiến tới mức lãi suất 3,5-3,75% vào cuối năm từ Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ (FED).
Theo các chuyên gia và dư luận, "Thông điệp mà FED gửi đi rất rõ ràng: Sẽ thực hiện thêm nhiều đợt nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Mục đích cuối cùng là nhắm tới khả năng “hạ cánh an toàn cho nền kinh tế khổng lồ của Hoa Kỳ".
Tuy nhiên, đang có rất nhiều lo ngại khó có cơ hội cho ước muốn này. Bà Anna Wong, chuyên gia kinh tế tại Bloomberg, đưa ra những dự báo “đáng sợ”: Khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2022 là 25%, nhưng tỉ lệ này có thể lên tới 75% vào năm 2023.
Việc FED tăng lãi suất cơ bản kỷ lục (trong rất nhiều năm FED chỉ giữ mức lãi suất cơ bản quanh 0%-0,5%) sẽ ảnh hưởng thực tế thế nào đến nền kinh tế và người dân?
Việc đầu tiên, người dân Mỹ sẽ không còn được hưởng mức lãi suất thấp kỷ lục khi vay mua nhà hay ô tô là hai khoản chi phí lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế.
Chính sách quan trọng này đã được khẳng định: ngày 15/6, FED thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Như vậy, lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 1,5-1,75%.
Đây là biện pháp mạnh nhưng gần như bắt buộc và được dự báo trước vì lạm phát tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 41 năm, kéo tụt niềm tin của người tiêu dùng buộc FED phải hành động mạnh tay. Trước đó, khi đại dịch bùng phát, FED đã hạ lãi suất xuống gần 0 để khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp chi tiêu. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế - một trong những nguyên nhân đưa đến lạm phát gia tăng.
FED phản ứng quyết liệt sẽ tạo ra những tác động dây chuyền trên toàn cầu. "Ở một khía cạnh nào đó, FED là ngân hàng trung ương của thế giới và có thể khởi đầu một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu", bà Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco, nhận định.
Tại Châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) họp đột xuất trước khi FED đưa ra thông báo đã gây ra sự chú ý của dư luận. Có thể họ tìm cách đẩy nhanh hơn kế hoạch nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7, sau đó tăng thêm vào tháng 9 năm 2022.
Ông Guy Stear, Societe Generale Bank, cho biết, ngoài suy thoái kinh tế toàn cầu, việc FED (và cả ECB) nâng lãi suất cũng làm dấy lên lo ngại về lợi nhuận doanh nghiệp lao dốc. Ông đánh giá: “Xu hướng tăng của lợi nhuận doanh nghiệp trên GDP đã "gần kết thúc" bởi quá trình phi toàn cầu hóa, chi phí năng lượng và đầu vào tăng cao, mất cân bằng trên thị trường lao động.”
Các nước Asean chống đỡ lạm phát
Theo nhiều đánh giá, áp lực lạm phát với Singapore, Thái Lan và Phillipines là nặng nề hơn trong khi ở Việt Nam, Malaysia và Indonesia vẫn trong tầm kiểm soát.
Các nước Malaysia và Philippines đã đưa ra động thái tăng lãi suất tương tự như FED. Trong đó, Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia) và Ngân hàng trung ương Philippines (Bangko Sentral ng Pilipinas) đều đã nâng lãi suất thêm 0,25 điểm % để kiềm chế lạm phát ở mức kỳ vọng.
Lạm phát giá năng lượng đã kéo dài được một thời gian ở Việt Nam. Hệ quả là giá vận tải (bị ảnh hưởng của tốc độ tăng giá xăng dầu) tăng cao kỷ lục, vượt qua lạm phát thực phẩm, trở thành động lực chính thúc đẩy lạm phát toàn phần tăng lên.
Giá xăng tăng khiến hoạt động vận chuyển khách “khó chồng thêm khó” (Taxi đón khách tại sân bay Nội Bài – Hà Nội)
Tất cả hệ thống chính trị, công quyền đều đồng thuận kêo gọi cần có các biện pháp chống lạm phát và coi đó là ưu tiên số một. Bộ Tài chính đang dự kiến đề xuất trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. UBND tỉnh, thành phố được yêu cầu thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý.
Sức ép lạm phát của Việt Nam đang rất cao, theo HSBC, giá năng lượng tăng cao và kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả chung lên khiến lạm phát của Việt Nam sẽ vượt trần 4% trong nửa sau của năm 2022.
Đánh giá này thấp hơn dự báo của ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam sẽ đạt mức lạm phát 4,2% (vượt qua nghị quyết của Quốc Hội) trong năm 2022 và sẽ tiếp tục gia tăng lên tới 5,5% trong năm 2023.
Trên thực tế chưa có những kế hoạch rõ nét để kiềm chế lạm phát tại Việt Nam. Cuộc sống của người dân đang rất bấp bênh và bị thả nổi theo phản ứng tự nhiên của thị trường. Giá xăng RON 95-V tăng lên 32.970 đ/lít (tháng 6 năm 2022), cao hơn 56% so với giá xăng cùng thời điểm (tháng 6 năm 2021), giá 21.010 đ/lít. Chắc chắn mức tăng giá khác quá xa so với mức lạm phát chính thức theo thống kê của Việt Nam là 2.86%.
Hy vọng Chính phủ sẽ sớm có biện pháp điều chỉnh thiết thực để cuộc sống sinh tồn của phần lớn người dân đỡ căng thẳng hơn.
Lê Nam
Viết riêng cho Thương Gia từ Praha - Cộng hoà Séc