Thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương được thành lập với tổng diện tích gần 192 km2, gồm 10 phường, 2 xã, dân số là 466.000 người.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định việc thành lập, nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính của một số địa phương.
Trong đó, thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương được thành lập trên cơ sở nguyên trạng thị xã Tân Uyên với diện tích 191,76 km2, quy mô dân số 466.053 người, 10 phường và 2 xã.
Một góc khu công nghiệp Nam Tân Uyên trên địa bàn thành phố Tân Uyên
Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương, trên địa bàn thị xã Tân Uyên có 2 khu công nghiệp là Nam Tân Uyên và VSIP, 3 cụm công nghiệp và 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động.
Tân Uyên là địa phương có cơ cấu kinh tế công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90%, thu ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng/năm. Do đó việc Tân Uyên được nâng lên thành thành phố sẽ tạo điều kiện phát triển, đóng góp chung cho tỉnh.
Như vậy Bình Dương hiện có 4 thành phố trực thuộc tỉnh là Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một và Tân Uyên.
Tỉnh Bình Dương được thành lập từ năm 1997, sau khi tách tỉnh Sông Bé thành Bình Dương và Bình Phước. Sau 26 năm phát triển, Bình Dương đã trở thành địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Năm 2022, Bình Dương thu hút vốn FDI đạt hơn 3,1 tỷ USD, trong đó có dự án lớn như nhà máy của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Ngành công nghiệp của Bình Dương có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế của cả nước. Bình Dương hiện có hơn 30 khu, cụm công nghiệp với hạ tầng được đầu tư đồng bộ, trong đó có những khu công nghiệp kiểu mẫu của cả nước. Theo quy hoạch, Bình Dương có thể trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.