Kinh tế Việt Nam đối mặt với nguy cơ sụt giảm tăng trưởng khi ngành sản xuất vẫn có xu hướng suy yếu và lạm phát trong nước tiếp tục tăng cao…
Theo các chuyên gia từ HSBC, tình hình thương mại thế giới đang chậm lại. Trong bối cảnh nhu cầu thương mại hàng hóa toàn cầu suy yếu, ngành sản xuất ở Việt Nam trong tháng 1 vừa rồi cũng cho thấy những kết quả tương đối ảm đạm. Đồng thời, áp lực lạm phát ở Việt Nam vẫn đang gia tăng.
Dữ liệu thương mại và sản xuất của Việt Nam đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Một phần nguyên do của điều này đến từ việc các nhà máy đóng cửa nghỉ lễ 7 ngày dịp Tết Nguyên Đán. Do đó, sản xuất công nghiệp của tháng đầu năm mới cho thấy kết quả yếu, giảm cả trên cơ sở so sánh từng tháng và năm.
Đồng thời, xuất khẩu Việt Nam giảm 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân chính là do hàng điện tử, dệt may và giày dép, máy móc và thiết bị xuất đi sụt giảm. Mặc dù vậy, Việt Nam đã ghi nhận mức thặng dư thương mại khá lớn là 3,6 tỷ USD trong tháng 1 do nhập khẩu cũng giảm đáng kể 28,9% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu của Việt Nam khởi đầu năm 2023 trên nền tảng yếu, mặc dù một phần là do Tết
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng gần một nửa mức giảm nhập khẩu đến từ các sản phẩm điện tử, báo hiệu chu kỳ công nghệ chậm lại sẽ còn tiếp tục trong bối cảnh triển vọng nhu cầu ngành công nghiệp điện tử toàn cầu vẫn còn yếu, ít nhất là trong suốt nửa đầu năm 2023.
Có thể thấy, tuy có đột biến từ dịp nghỉ lễ, ngành sản xuất về cơ bản vẫn đang có xu hướng suy yếu. Chỉ số PMI mới nhất là 47,4 càng chứng thực sự sụt giảm kéo dài trong lĩnh vực này. Mặc dù vậy, sự thu hẹp này đang diễn ra chậm hơn so với mức năm ngoái, chỉ số PMI cải thiện hơn tháng trước 1 điểm. Cùng với đó, các đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lên khi tâm lý toàn cầu được cải thiện và chỉ số việc làm giảm chậm lại đem đến kỳ vọng phục hồi của ngành sản xuất nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong thời gian tới.
Cùng với sự sụt giảm của ngành sản xuất, chỉ số lạm phát của việt Nam cũng là một yếu tố mang lại nhiều rủi ro. Việt Nam đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát trong năm vừa rồi, giúp chỉ số lạm phát ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với thế giới. Nhưng khác với nhiều quốc gia khác có lạm phát đạt đỉnh từ cuối năm 2022, lạm phát ở Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trong tháng vừa rồi. Một phần nguyên nhân đến từ việc giá nhiều mặt hàng thực phẩm như gạo, thịt gia cầm và trái cây chế biến, tăng do mức tiêu thụ lớn hơn trong thời gian nghỉ lễ. Do đó lạm phát lương thực tiếp tục trở thành yếu tố đóng góp nhiều nhất cho tình trạng lạm phát gia tăng ở Việt Nam, ở mức 6,1% so với cùng kỳ.
Khác với các quốc gia khác, lạm phát của Việt Nam tiếp tục tăng
Cùng với đó, thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam đã tăng từ 1.000đ/lít lên 2.000đ/lít, khiến mặc dù giá dầu thế giới đang ổn định, giá xăng bán lẻ trong nước vẫn tăng nhẹ.
Theo HSBC, “lạm phát toàn phần tiếp tục nhích lên trong tháng 1, tăng lên 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn một chút so với kỳ vọng của thị trường.”
Ngoài ra, lạm phát cơ bản tiếp tục đà tăng, lên 5,2% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh tiêu dùng trong nước đang bùng nổ. Bức tranh về nhu cầu trong nước sẽ hiện lên rõ ràng hơn khi dữ liệu tháng 2 được công bố, nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy tiêu dùng vẫn đang tăng. Diễn biến này cho thấy có nhiều rủi ro tăng đối với lạm phát, vì vậy, cũng là dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục tăng lãi suất. HSBC kỳ vọng NHNN sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ sở trong cả Quý 1/2023 và Quý 2/2023, đưa lãi suất điều hành lên 7,00% vào giữa năm 2023.