Tỷ lệ phủ sóng 4G của Việt Nam hiện 99,8% xếp trên dân số. Trong khi các nước thu nhập trung bình cao tỷ lệ này là 99,4%...
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn
Chiều 7/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội đến tiến độ phủ sóng 4G, 5G, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc triển khai phủ sóng có thuận lợi là triển khai trên hạ tầng của sóng 2G, 3G nên tiến độ triển khai phủ sóng sẽ nhanh hơn.
Về phủ sóng vùng sâu vùng xa, miền núi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi có đại dịch COVID-19, học trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ đã có Chương trình Sóng và máy tính cho em. Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng và các Sở tiến hành rà soát từng vùng lõm sóng để tiến hành phủ sóng. Đến nay đã có 2.100 vùng lõm sóng đã được phủ sóng. Tỷ lệ phủ sóng 4G của Việt Nam hiện 99,8% xếp trên dân số. Trong khi các nước thu nhập trung bình cao tỷ lệ này là 99,4%.
“Hiện vẫn còn 420 điểm lõm sóng cần tiếp tục thực hiện phủ sóng. Thời gian tới Bộ sẽ sử dụng Quỹ Viễn thông công ích cho nhiệm vụ này và phấn đấu hoàn thành trước tháng 6/2024. Tuy nhiên, điều khó khăn là có đến 150 điểm lõm sóng chưa có điện nên Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Tập đoàn Điện lực để đưa điện đến các vùng này, trong đó có tính đến phương án điện mặt trời”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bộ trưởng cho biết thêm, về sóng 5G, dự kiến cuối năm nay sẽ đấu giá, sau đó các nhà mạng sẽ triển khai diện rộng trên toàn quốc. Về đăng ký thuê bao ở vùng không thuận lợi, Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu đăng ký thuê bao bằng hình thức trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo chính xác, không xuất hiện sim rác.
Về quảng cáo thực phẩm chức năng và thuốc sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết các quảng cáo này có trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Vừa qua Việt Nam đã có cơ chế làm việc với các nền tảng này về việc gỡ bỏ các thông tin xấu độc, quảng cáo sai sự thật, đồng thời thể chế hóa các quy định về trách nhiệm của các bên.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay tỷ lệ thực thi các yêu cầu của quản lý nhà nước về gỡ những thông tin xấu độc, sai sự thật trên mạng xã hội là rất nghiêm. Nhưng vấn đề là phải có phát hiện và báo cáo. Vấn đề đặt ra là bộ, ngành, địa phương nào quản lý gì trong thế giới thực phải di chuyển lên không gian mạng và thực hiện việc quản lý đó trên không gian mạng.
“Nếu thực thi gặp khó khăn thì sẽ có hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an. Mặt khác các bộ ngành lên không gian mạng chưa nhiều, và nghĩ đây là trách nhiệm riêng của Bộ Thông tin và Truyền thông, thì đây là quan niệm cần được thay đổi”, Bộ trưởng nói.
Văn Đạt