Sáng 14/7, tổ chức y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra tuyên bố aspartame, một chất tạo ngọt thường được sử dụng trong nước ngọt ăn kiêng, kẹo cao su, kem đánh răng, thuốc ho... là chất có thể gây ung thư...
Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), WHO và Ủy ban chuyên gia hỗn hợp của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) về phụ gia thực phẩm (JECFA) đã phối hợp thực hiện và phát hiện chất tạo ngọt nguy hiểm mang tên Aspartame.
Chất tạo ngọt Aspartame là một dạng đường ăn kiêng, ngoài sử dụng trong đồ uống "không đường" dành cho người ăn kiêng còn được sử dụng trong một số sản phẩm như: kẹo cao su, ngũ cốc ăn sáng, kem, sữa chua, kem đánh răng, thuốc ho, vitamin dạng nhai có vị ngọt...
IARC đã phân loại Aspartame là chất C có thể gây ung thư cho người (nhóm 2B) và JECFA khẳng định lượng tiêu thụ "có thể chấp nhận được". Hai cơ quan này đã tiến hành nghiên cứu độc lập trước khi đồng thuận với kết luận coi Aspartame là chất có thể gây ung thư.
Nhóm 2B là cấp độ cao thứ 3 trong số 4 cấp độ mà IARC dùng để phân loại những chất có thể gây ung thư, được xác định khi có bằng chứng hạn chế nhưng chưa đủ thuyết phục ở người hoặc mới có bằng chứng thuyết phục trong thí nghiệm động vật.
"Các đánh giá về Aspartame đã chỉ ra rằng mặc dù tính an toàn không phải là mối quan tâm chính ở liều lượng thường được sử dụng, nhưng các tác động tiềm ẩn đã được mô tả cần được điều tra bằng nhiều nghiên cứu tốt hơn", TS Francesco Branca, Giám đốc Ban Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm của WHO cho biết.
Chất tạo ngọt Aspartame có thể gây ung thư
Bên cạnh đó, WHO cũng trấn an người dùng có thể sử dụng liều lượng tối đa cho phép dưới 40mg/kg trọng lượng cơ thể. Điều này có nghĩa là một người trưởng thành nặng 70kg nếu uống 9-14 lon nước ngọt không đường dùng chất tạo ngọt nhân tạo Aspartame mỗi ngày, trong thời gian dài, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Bởi vậy, việc uống 1 lon Coca không đường mỗi ngày hay nhai kẹo cao su có Aspartame sẽ chẳng gây ảnh hưởng đến sức khỏe trừ phi tiêu thụ với lượng cực kỳ lớn mỗi ngày trong thời gian dài.
Việc WHO tuyên bố chất Aspartame có trong nước ngọt ăn kiêng khiến nhiều nhà sản xuất lo lắng, thậm chí phải thay đổi công thức sản xuất trong sản phẩm của họ.
Theo CNBC, mặc dù báo cáo của WHO không nhắm đến những người tiêu thụ lượng nhỏ nước ngọt không đường dùng Aspartame nhưng chúng sẽ tác động đến tâm lý người tiêu dùng, gây giảm doanh số và thậm chí dẫn đến khả năng phải thay đổi công thức sản phẩm.
Chất Aspartame đã được dùng trong Diet Pepsi vào năm 2015 nhưng bị ngừng sử dụng sau 1 năm vì phản ứng quyết liệt từ người tiêu dùng. Tuy nhiên vào năm 2020, hãng này lại quyết định đưa Aspartame trở lại Diet Pepsi, trong khi dòng Pepsi Zero Sugar thì vẫn đang liên tục dùng chất tạo ngọt nhân tạo này.
Với Coca Cola, các sản phẩm như Diet Coke hay Coke Zero của hãng đều dùng Aspartame từ đầu. Tuy nhiên các hãng nước ngọt có thể đổi công thức sang dùng cây cỏ ngọt (Stevia) trong tương lai nếu thành phần chất tạo ngọt nhân tạo gây phản ứng trên thị trường.
Tuy nhiên, quyết định thay đổi công thức này chưa chắc đã xảy ra khi Aspartame ngọt gấp 200 lần so với đường thông thường, giúp hãng có thể sử dụng liều lượng cực ít mà vẫn tạo được độ ngọt cho đồ uống, qua đó giảm lượng Calories để tạo nên sản phẩm không đường cho người ăn kiêng. Đây là điều mà không nhiều thành phần có thể làm được nếu muốn giữ nguyên hương vị.
Còn theo hãng tin CNBC cho hay, Aspartame được sử dụng trong hơn 6.000 sản phẩm khắp thế giới. Chất tạo ngọt nhân tạo này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1965 và ngay từ khi được phê duyệt lần đầu đã gây nên tranh cãi cực kỳ lớn về tác hại của chúng đến sức khỏe con người.
Hiện, IARC và WHO đang tiếp tục theo dõi các bằng chứng cho điều này và khuyến khích các nhóm nghiên cứu phát triển chuyên sâu hơn về mối liên hệ giữa Aspartame với sức khỏe người tiêu dùng.