Chuyển đổi số ở TP. HCM: “Cá” nhanh sẽ thắng “cá chậm”

TP.HCM khẳng định chuyển đổi số là động lực tăng trưởng của kinh tế thành phố trong tương lai với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% trong GRDP và đến năm 2030 tỷ lệ này là 40%.

Muốn “nẩy số” thì phải chuyển đổi

Phạm Hoàng Thái Dương là ông chủ của start - up Color Life, đơn vị sở hữu shop “Hoa yêu thương” nổi tiếng tại TP.HCM. Là dân công nghệ, khi sáng lập và quản lý Hoa yêu thương, Thái Dương đã sớm nhận thấy, nếu vận hành hệ thống điện hoa theo kiểu cũ thì chỉ cần số lượng đơn hàng lên mức hàng trăm là rối ngay. Vì vậy, anh đã miệt mài nghiên cứu và xây dựng hệ thống dịch vụ điện hoa BI (Business Intelligent – Trí tuệ doanh nghiệp) tích hợp rất nhiều dữ liệu số hóa, tiện ích, đến giờ có thể xử lý hàng trăm, hàng nghìn đơn hàng mỗi ngày “nhẹ như không” để lại rất nhiều thiện cảm của người tiêu dùng.

Tư duy và sự thành công từ quá trình chuyển đổi số của ông chủ Color Life là câu chuyện truyền cảm hứng, tạo động lực cho rất nhiều start-up quyết tâm sử dụng công nghệ để khởi nghiệp thành công. Nói một cách ví von, là dù bạn đang khởi nghiệp, kinh doanh trong môi trường cạnh tranh “đại dương xanh” hay “đại dương đỏ”, muốn “nẩy số” thì bắt buộc phải chuyển đổi số, khai phá sức mạnh của công nghệ, tạo ra giá trị cho riêng mình.

Kỷ nguyên số đã bắt đầu và đang dần làm thay đổi nhiều quan điểm về kinh doanh. Chẳng hạn, với thuận ngữ “cá lớn nuốt cá bé” dường như đã không hoàn toàn đúng nữa mà đã chuyển thành “cá nhanh thắng cá chậm”. Rõ ràng là thế khi nhiều “ông lớn” đã ì ạch để cho các doanh nghiệp nhỏ hơn nhưng thức thời hơn, công nghệ tốt hơn “vượt mặt”.

“Doanh nghiệp nào có chiến lược chuyển đổi số bài bản, nhanh chóng, phù hợp sẽ giành ưu thế trên đường đua”, ông Vương Quân Ngọc, Giám đốc Khối tư vấn công nghệ số FPT Digital khẳng định và nhấn mạnh rằng: “Chuyển đổi số không phải chỉ chuyển đổi về công nghệ, mà còn là về tư duy, cách thức vận hành. Do đó, người lãnh đạo có vị trí quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, phải nhạy bén, quyết liệt trong việc ứng dụng công nghệ và có tầm nhìn công nghệ số để có chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể”.

Tuy là vậy nhưng phải thừa thận, các start-up dù hiểu chuyện, có khát khao “làm nên chuyện” nhưng đa phần đều yếu và thiếu nhiều thứ để có thể tự tin, mạnh dạn chuyển đổi số. Đây là lý do mà họ luôn cần một “điểm tựa chính sách” để khởi sự. Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM thừa nhận việc này và cho rằng: Doanh nghiệp tại TP.HCM đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì vậy rất cần sự hỗ trợ về thông tin, đào tạo và đặc biệt là sự hỗ trợ về tài chính để chuyển đổi số kịp thời, chính xác, tránh lãng phí.

Là một nhà quan sát và hỗ trợ chính sách, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhận định: Việt Nam hiện có hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp đang nổi lên, trong đó có những nền tảng thanh toán mới. TP.HCM thật sự đang đi đầu ở lĩnh vực này và WB đánh giá cao sự hỗ trợ của thành phố đối với các doanh nghiệp để có thể khởi nghiệp.

“Đại dịch Covid-19 là tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn. Riêng với TP.HCM, đây là thời điểm thích hợp, cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi số, giúp TP.HCM đi đầu trong kỷ nguyên số hiện nay”, bà Carolyn Turk nhận định.

aria-grand-700x300px.jpg

Sau khi tiên phong ban hành chương trình chuyển đổi số, TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó phải đến gói kích thích 4 tỷ đồng do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Hội Tin học TP.HCM thực hiện, hỗ trợ cho khoảng 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký chuyển đổi số trong năm đầu; tổ chức các chương trình tư vấn, tập huấn hướng dẫn DN lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số phù hợp. Gói hỗ trợ tuy nhỏ nhưng hết sức ý nghĩa bởi nó thể hiện cam kết đồng hành của thành phố đối với các doanh nghiệp…

Và đúng như bà Carolyn Turk nhận định, đại dịch Covid-19 đã gây bao tổn thất về sinh mạng – kinh tế cho thành phố đã trở thành động lực để “đầu tàu kinh tế” thúc đẩy, bứt phá mạnh mẽ hơn trong quá trình chuyển đổi số. Quận 7 chính là điển hình cho sự bứt phá này khi áp dụng Hệ sinh thái dịch vụ giải pháp công nghệ chuyển đổi số toàn diện và ưu việt “Made by FPT” với Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế quận 7.

Nổi bật nhất trong hệ sinh thái này phải nói đến giải pháp chuyển đổi số dành cho chính quyền: FPT.eGOV 4.0 và FPT.eDistrict. Đây là bộ giải pháp dành cho chính quyền điện tử các cấp, từ tỉnh/thành phố cho đến quận/huyện, gồm các ứng dụng, giải pháp CNTT giúp nhà lãnh đạo, doanh nghiệp, người dân giải quyết tất cả bài toán khi xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng đô thị thông minh.

Theo thống kê, hiện đã có hơn 900 đơn vị trên địa bàn thành phố, bao gồm cơ quan nhà nước, các tổng công ty, các đơn vị sự nghiệp… đã liên thông văn bản điện tử thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục đào tạo, môi trường, quy hoạch đô thị, an ninh trật tự cũng triển khai nhiều ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn và cung cấp dịch vụ cho người dân.

Chuyển đổi số ở TP. HCM: “Cá” nhanh sẽ thắng “cá chậm” 2

Hiện đã có hơn 900 đơn vị trên địa bàn TP HCM, bao gồm cơ quan nhà nước, các tổng công ty, các đơn vị sự nghiệp… đã liên thông văn bản điện tử thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

Quá trình chuyển đổi số đang được TP.HCM tăng tốc từ đầu năm đến nay với nhiều hoạt động nổi bật như: Ra mắt Cổng thông tin chuyển đổi số; Thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo về chuyển đổi số của TP.HCM trên cơ sở hợp nhất Ban chỉ đạo đề án xây dựng đô thị thông minh và xây dựng chính quyền điện tử… Với việc Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi làm Trưởng ban chỉ đạo về chuyển đổi số đã cho thấy quyết tâm của thành phố trong vấn đề này là như thế nào?

Ngay cả Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022 cũng chọn chủ đề: "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai" với mong muốn các chuyên gia kinh tế góp ý, hiến kế cho thành phố thúc đẩy chuyển đổ số toàn diện. Tại diễn đàn, ông Phan Văn Mãi, cho rằng: Công nghệ là quan trọng nhưng quan trọng hơn là yếu tố con người. Do đó, vấn đề đặt ra là vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra “chính sách động lực” để doanh nghiệp thấy được lợi ích và tự vượt qua thách thức thực hiện quá trình chuyển đổi số; đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng nhấn mạnh: “Kinh tế số đòi hỏi tinh thần dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo tìm kiếm cơ hội kinh doanh của các doanh nhân. Triển khai hiệu quả chuyển đổi số, kinh tế số là một trong những cơ hội quan trọng, giúp TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đi tắt, đón đầu, phát triển nhanh chóng, đuổi kịp và tiến vượt so với các nước trong khu vực".

Hiện nay, dù dẫn đầu cả nước về tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh, hạ tầng cáp quang, internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ 100% xã, phường... nhưng để chuyển đổi số thành công, TP.HCM còn rất nhiều việc phải làm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Khi chuyển đổi số thành công, TP.HCM không chỉ là nơi tốt nhất để sống, để làm việc trên nền tảng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số - mô hình phổ biến nhiều thành phố đang thực hiện, mà còn có tiềm năng trở thành viên ngọc xanh lấp lánh những công nghệ mới nhất như AI, IoT, Metaverse...”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nhận định và đề nghị: TP.HCM dành tối thiểu 2% ngân sách cho chương trình chuyển đổi số, đồng thời cần nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng của nhân lực tham gia chuyển đổi số và kinh tế số.

"Tôi hy vọng, các trường đại học, cao đẳng, kể cả các trường phổ thông của TP.HCM trong năm học mới sẽ đưa các môn học liên quan đến các công nghệ mới như AI, IoT vào chương trình giảng dậy. Bằng cách như vậy, chúng ta sẽ có nguồn nhân lực công nghệ lớn nhất thế giới tại TP.HCM", ông Trương Gia Bình đề xuất.

“Khi chuyển đổi số thành công, TP.HCM không chỉ là nơi tốt nhất để sống, để làm việc trên nền tảng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số - mô hình phổ biến nhiều thành phố đang thực hiện, mà còn có tiềm năng trở thành viên ngọc xanh lấp lánh những công nghệ mới nhất như AI, IoT, Metaverse...”

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT