Có nên lạc quan trước bối cảnh khó đoán định?

Nhiều cơ hội mở ra cho sự phục hồi kinh tế năm 2024 nhưng còn nhiều yếu tố bất định ảnh hưởng đến việc liệu nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp có thể chớp lấy những cơ hội đó.

Mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6,48% với kịch bản tích cực và 6,13% với kịch bản thận trọng.

Dự báo về sự phục hồi của nền kinh tế được dựa trên sự cải thiện rõ rệt của tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa các quý trong năm 2023, thể hiện đà tăng trưởng dần được củng cố.

Mặt khác, số liệu về lượng doanh nghiệp thành lập mới hay lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường được cải thiện qua từng quý trong năm vừa qua, thể hiện niềm tin vào nền tảng vĩ mô và triển vọng kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng đưa ra dự báo tương đối tích cực cho triển vọng năm 2024 với kỳ vọng cao vào sự đồng pha về giảm lãi suất trên toàn cầu cũng như những tín hiệu tốt cho xuất khẩu, đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Những cơ hội mở ra cho nền kinh tế khiến TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica, cùng một số chuyên gia, nhận xét rằng, dự báo của CIEM có phần hơi quá thận trọng.

Lý giải về sự thận trọng này, TS. Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp CIEM, cho biết, kinh tế năm 2024 sẽ phải đối diện với nhiều biến số rất khó dự đoán. Đơn cử như năm 2024 là thời điểm nhiều quốc gia tiến hành bầu cử, do đó rất có khả năng chính sách xuất nhập khẩu, đầu tư của một số đối tác sẽ bị thay đổi.

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 của CIEM:

- Kịch bản thận trọng: Tăng trưởng GDP đạt 6,13%, xuất khẩu tăng 4,02%, thặng dư thương mại 5,64 tỷ USD, lạm phát bình quân 3,94%.

- Kịch bản tích cực: Tăng trưởng GDP đạt 6,48%, xuất khẩu tăng 5,19%, thặng dư thương mại 6,26 tỷ USD, lạm phát bình quân 3,72%.

Cùng với đó, các kịch bản điều hành lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ, sự cạnh tranh toàn cầu trong các lĩnh vực mới như tài chính cho phát triển bền vững, thương mại số, trí tuệ nhân tạo, hay tiến độ phục hồi kinh tế của thế giới cũng là những yếu tố đặt dấu hỏi rất lớn về ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong năm nay.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng đưa ra nhận xét, diễn biến bối cảnh thế giới năm 2024 thậm chí còn khó đoán định hơn so với năm 2023. Các rủi ro an ninh truyền thống và phi truyền thống đều có thể gia tăng một cách bất thường, thách thức tiến trình phục hồi kinh tế.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược cạnh tranh và thương hiệu, thậm chí còn đề nghị CIEM bổ sung một kịch bản tiêu cực hơn để sẵn sàng ứng phó với những biến động.

Ông Thành lý giải, sự phục hồi kinh tế của thế giới, bao gồm các đối tác lớn của Việt Nam, đang gặp rất nhiều trục trặc. Bên cạnh đó, áp lực lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn rủi ro cao.

Đồng quan điểm với các vị chuyên gia, tuy nhiên, ông Bình đánh giá, kịch bản tích cực của CIEM là tăng trưởng 6,48% hoàn toàn có thể đạt được. Đồng thời, Giám đốc Economica đề xuất xây dựng một kịch bản tham vọng hơn để Việt Nam có động lực thực hiện những “điều phi thường”.

“Kịch bản tích cực của CIEM có thể đạt được nếu quyết tâm ngay từ giai đoạn đầu năm. Như vậy, bằng các nỗ lực phi thường, việc đạt được con số tăng trưởng cao hơn, chẳng hạn như 7% là điều khả thi”, ông Bình nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bình, xây dựng kịch bản lạc quan như vậy sẽ giúp nhận diện những giới hạn, lực cản cần được giải quyết của nền kinh tế.

Ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô và tăng trưởng xanh, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), cũng ghi nhận những điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam năm 2024.

Trong điều kiện bất định, ông Quennet cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào các vấn đề nội tại, đặc biệt là nâng cao năng suất lao động. Đây là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế trong ngắn hạn cũng như đảm bảo không rơi vào bẫy thu nhập trung bình về dài hạn.

Tin liên quan