Điểm danh những lùm xùm của 'cá mập' trong Shark Tank Việt Nam

Nổi tiếng là lão làng trong giới kinh doanh, hàng loạt shark trong chương trình Shark Tank Việt Nam liên tiếp dính vào lùm xùm khiến cộng đồng dậy sóng…

Điểm danh những lùm xùm của 'cá mập' trong Shark Tank Việt Nam
Loạt nhà đầu tư trong Shark Tank Việt Nam dính lùm xùm

Chương trình Shark Tank Việt Nam là một sân chơi cho những người có ước mơ khởi nghiệp. Chương trình cuốn hút không chỉ từ những màn gọi vốn gay cấn mà còn bởi sự xuất hiện của các “cá mập” lão làng trong giới kinh doanh. Tuy nhiên, một số “cá mập” trong chương trình cũng phải lao đao vì loạt lùm xùm.

APAX LEADERS NỢ HỌC PHÍ TRẢ MÃI CHƯA XONG

Mới đây nhất, ngày 26/3, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Nguyễn Ngọc Thủy (hay còn gọi Shark Thủy) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Thủy là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Egroup, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Anh ngữ Apax Leaders.

Điểm danh những lùm xùm của 'cá mập' trong Shark Tank Việt Nam 2
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Thủy

Cuối năm 2022, Apax Leaders bị nhiều phụ huynh tại TP.HCM, Hà Nội, Đắk Lắk, Đà Nẵng khiếu nại vì chất lượng giảng dạy không như cam kết, ôm tiền bỏ rơi khách hàng và yêu cầu hoàn trả học phí.

Hồi tháng 3/2023, khoảng gần 1.000 phụ huynh đã căng băng rôn đòi tiền trước cổng các trung tâm anh ngữ.

Nhiều phụ huynh cho con theo học tại hệ thống các trung tâm Anh ngữ Apax Leader của ông Thủy phản ánh rằng được yêu cầu đóng tiền học trước. Tuy nhiên sau một thời gian, các trung tâm đột ngột đóng cửa hoặc chuyển sang giảng dạy online.

Tính đến nay, chỉ riêng tại TP.HCM có 39/41 trung tâm Apax Leaders dừng hoạt động, phụ huynh của 4.400 học sinh muốn rút học phí. Tổng số tiền Apax Leaders phải trả cho phụ huynh tại đây là hơn 108 tỷ đồng, đã trả được khoảng 14,2 tỷ. Apax còn nợ gần 94 đồng.

Bên cạnh đó, đơn vị còn nợ lương giáo viên và nhân viên đến tháng 2/2023 là hơn 11.5 tỷ đồng và tiền thuê mặt bằng 9 tỷ đồng. Đơn vị này cũng đề xuất phương án trả nợ dần từ năm 2025, mỗi quý trả cho một phụ huynh 4,5 triệu đồng cho đến khi hết.

Ngoài ra, năm 2023, Shark Thủy cũng bị nhiều người tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi. Theo đó, hàng loạt nhà đầu tư tin tưởng ông Thủy nên đã đầu tư vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup (Education Group) và các hệ sinh thái liên quan. Nhưng khi đến hạn thanh toán, nhà đầu tư không thể rút tiền lãi chứ chưa nói đến tiền gốc.

RÚNG ĐỘNG “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA” CỦA KHAISILK

Ông Hoàng Khải, Chủ tịch tập đoàn KhaiSilk được mệnh danh là “ông hoàng tơ lụa” từng được chương trình Shark Tank Việt Nam công bố là một trong 4 nhà đầu tư khách mời (mùa 1).

Điểm danh những lùm xùm của 'cá mập' trong Shark Tank Việt Nam 3
Ông Hoàng Khải

Tháng 10/2017, thương hiệu lụa Khaisilk trở thành tâm điểm của mạng xã hội, báo chí khi dính vào bê bối gian lận đưa sản phẩm tơ lụa Trung Quốc vào thị trường Việt Nam, song được che đậy bằng danh nghĩa mang sản phẩm tơ lụa Việt Nam ra quốc tế.

Cụ thể, ngày 17/10, một khách hàng ở Hà Nội đặt mua 60 chiếc khăn lụa hiệu KhaiSilk tại 113 Hàng Gai để làm quà tặng cho đối tác. Số khăn tay lụa tơ tằm này được bán với đơn giá 644.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, vị khách phát hiện 1 chiếc có cả mác “made in Vietnam” và “made in China”, 59 chiếc còn lại có dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ “made in China”.

Ngày 25/10/2017, ông Hoàng Khải đã chính thức thừa nhận có bán hàng tơ lụa xuất xứ từ Trung Quốc và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.

Ông chủ Khaisilk cho biết đã nhập lụa Trung Quốc từ lâu. Nguyên nhân xuất phát vào giữa những năm 90, khi ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái. Doanh nghiệp không thể tìm đủ nguồn hàng phù hợp với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng ở các làng nghề trong nước.

Trong khi đó, nhu cầu thị hiếu của thị trường luôn luôn thay đổi và đòi hỏi cao hơn. Ông quyết định sang Trung Quốc tìm nguồn hàng nhập về. Khi đó ông chỉ nghĩ đơn giản, các thương hiệu nổi tiếng đều nhập hàng từ Trung Quốc về phân phối ở các nước khác bằng tên của họ.

Ngày 26/10, Bộ Công thương đã đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin phản ánh của khách hàng về sản phẩm khăn lụa mang thương hiệu Khaisilk.

Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của công ty cho kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố trên nhãn hàng hóa về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm “100% silk”.

Bên cạnh đó, công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn. Đồng thời, một số lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế tại một chi nhánh công ty.

Với các dấu hiệu trên, Bộ Công thương khẳng định công ty đã có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa, che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.

ASANZO DÍNH NGHI VẤN XUẤT XỨ SẢN PHẨM

Một trong những “cá mập” tiếp tục dính tới lùm xùm là ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo.

Điểm danh những lùm xùm của 'cá mập' trong Shark Tank Việt Nam 4
Doanh nhân Phạm Văn Tam

Năm 2019, khi vừa ghi hình xong tất cả các tập của thương vụ bạc tỷ mùa 3 và trong thời gian chờ phát sóng, Tập đoàn Asanzo của Shark Tam dính nghi vấn sản phẩm nhãn hiệu Asanzo là hàng Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ Việt Nam.

Sau đó, VTV đã thông báo, ông Phạm Văn Tam sẽ không tiếp tục tham gia chương trình với vai trò là nhà đầu tư khách mời.

Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Tam cho biết, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Tuy nhiên, khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “xuất xứ Việt Nam” thay vì “made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình.

Sau hơn một năm làm việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết, do pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước, cũng chưa có quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn “sản xuất tại Việt Nam” nên việc Asanzo mua linh kiện từ các công ty và cá nhân trong nước.

Sau đó thực hiện việc gia công, lắp ráp tạo ra sản phẩm điện tử hoàn chỉnh, ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam”, “Chế tạo tại Việt Nam”, “Nước sản xuất Việt Nam”, “Xuất xứ Việt Nam” hoặc “Sản xuất bởi Việt Nam” là phù hợp quy định và chưa có căn cứ xác định doanh nghiệp này “lừa dối khách hàng”.

Ngày 21/6/2019, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp Asanzo.

SHARK LIÊN VÀ LÙM XÙM NHÀ MÁY NƯỚC SÔNG ĐUỐNG

Nổi lên từ Shark Tank mùa 3 năm 2019, bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nước Xuân Mai - Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống… cũng dính hàng loạt lùm xùm.

Điểm danh những lùm xùm của 'cá mập' trong Shark Tank Việt Nam 5
Doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên

Đầu tiên là vụ giá nước sông Đuống. Theo đó, nhà máy nước mặt sông Đuống khởi công hồi tháng 3/2017, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 5.000 tỷ đồng, trong đó, vốn góp để thực hiện dự án là hơn 999,6 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn đầu tư. Gần 4.000 tỷ đồng còn lại là vốn vay.

Dự án này được đánh giá là dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc do Tập đoàn AquaOne của Shark Liên làm chủ đầu tư. Bà Liên khi đó cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Nhà máy nước mặt Sông Đuống.

Tháng 9/2019, nhà máy hoàn thành giai đoạn 1 và bắt đầu vận hành, cung cấp khoảng 150.000 m3 nước sạch mỗi ngày đêm cho người dân Hà Nội với mức giá được duyệt là cao nhất lên đến 10.246 đồng/m3. Mức giá này thời gian đó đã khiến dư luận “nổi sóng” bởi đắt gấp 2 lần so với giá nước thông thường (giá nước sông Đà là khoảng hơn 5.000 đồng/m3).

Đến tháng 10/2019, dự án này tiếp tục bị Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tuýt còi. Đơn vị này cho biết, qua một số lần kiểm tra, chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan đến việc đảm bảo an toàn đường ống qua đường, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyến ống… nên Cục Giám định chưa chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.

Đến 18/11/2019, Shark Liên lại gây xôn xao mạng xã hội khi bà chia sẻ những hình ảnh đang chơi golf bên cạnh hồ chứa nước của nhà máy nước mặt sông Đuống.

Nhiều người cho rằng, thái độ chơi golf đưa những quả bóng này xuống hồ là thiếu tôn trọng khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh lùm xùm thông tin giá nước sông Đuống cõng thêm lãi vay ngân hàng.

Chưa dừng lại ở đó, trong thời điểm dịch Covid – 19, Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) của Shark Liên tiếp tục gây sóng dư luận khi tung ra sản phẩm mới mang tên “Corona Care - Chung tay đẩy lùi Corona”.

Theo đó, người mua chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng/người/năm sẽ được hưởng quyền lợi tối đa lên đến 100 triệu đồng nếu xét nghiệm dương tính với Sars-CoV-2 sau thời điểm mua bảo hiểm, mà không giới hạn độ tuổi.

Tuy nhiên, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính của Công ty VASS do vi phạm chỉ đạo của Thủ tướng về việc “Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh COVID-19”.

Tháng 11/2019, trên Facebook cá nhân “Madam Liên" được cho là của Shark Liên xuất hiện câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Anh thời thế chiến thứ hai Winston Churchill: “Bạn sẽ không bao giờ đạt đến đích nếu bạn cứ dừng lại và ném đá vào mỗi con chó trên đường, chỉ vì tiếng sủa của chúng!”.

Mặc dù dòng trạng thái trên đã được gỡ và bà Liên cũng đã lên tiếng giải thích là chỉ dẫn lại lời nói chứ không có mục đích gì. Song dòng trạng thái này cũng đã gây ra không ít phản ứng trái chiều trong cộng đồng mạng.