UBND TP Hà Nội cho biết, việc ngừng triển khai dự án Sông Hồng City do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có sự thay đổi quy định pháp luật Nhà nước về quy hoạch đê điều, quy hoạch thoát lũ, quy hoạch phân khu qua các thời kỳ.
Triển khai dự án Sông Hồng City có liên quan mật thiết với quy hoạch đê điều, quy hoạch thoát lũ.
Nhiều nguyên nhân “mắc cạn”|
Cuộc hồi sinh Trấn Sông Hồng nghìn tỷ sau 28 năm lại gặp khó với quy hoạch Sông Hồng vừa duyệt. Trả lời kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố khóa XVI về những vướng mắc trong triển khai dự án Sông Hồng City trên địa bàn, UBND TP Hà Nội cho biết, việc ngừng triển khai dự án Sông Hồng City do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó có sự thay đổi quy định pháp luật Nhà nước về quy hoạch đê điều, quy hoạch thoát lũ, quy hoạch phân khu qua các thời kỳ.
Về chủ quan, giai đoạn 1997-2001, do ảnh hưởng và tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á, thị trường bất động sản suy thoái, nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính dẫn đến dự án Sông Hồng City bị ngừng triển khai. Về khách quan, từ năm 2001, dự án Sông Hồng City bị ngừng triển khai do chưa phù hợp quy định của Pháp lệnh Đê điều (hiệu lực từ 1/1/2001). Sau khi Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007, dự án thuộc quy hoạch thoát lũ.
Vị trí dự án Sông Hồng City nằm trong vùng cảnh quan hai bên sông Hồng thuộc khu vực UBND thành phố đang triển khai lập quy hoạch phân khu R4. Tại văn bản số 5601 ngày 6/7/2011, UBND thành phố chỉ đạo trong thời gian chờ quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt không triển khai các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng mới có tính chất kinh doanh bất động sản.
Tiếp đó, ngày 18/2/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình tại Quyết định số 257. UBND thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập quy hoạch phòng chống lũ chi tiết, trình HĐND Thành phố thông qua. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch tạm dùng để xin ý kiến hướng dẫn đảm bảo phù hợp Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019). Ngày 25/3/2022 UBND thành phố vừa có Quyết định 1045 phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở). Theo văn bản của UBND TP Hà Nội, việc ngừng triển khai dự án do nguyên nhân khách quan và chủ quan. UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch Kiến trúc và các sở ngành có liên tiếp tục rà soát căn cứ quy định của pháp luật và thực tiễn triển khai dự án, đề xuất phương án giải quyết phù hợp.
Nhiều Quy hoạch kiến trúc Sông Hồng City được đưa ra nhưng vẫn nằm trên giấy.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & phát triển đô thị Hà Nội, Ủy viên Hội đồng quy hoạch kiến trúc thành phố Hà Nội cho biết: Trước khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011, có nội dung quy hoạch khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, đã có rất nhiều đề án được đưa ra nhưng chưa đề án nào được phê duyệt. Đầu năm 2017, thành phố chủ trương giao Sở Quy hoạch Kiến trúc và các đơn vị tập hợp, cung cấp hồ sơ cho đơn vị nước ngoài nghiên cứu lập quy hoạch thì lập tức vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận nên việc này đã tạm dừng.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng khẳng định, quy hoạch hai bờ sông Hồng đã nhiều lần bị “mắc cạn” vỡ kế hoạch do vướng vào quy hoạch thoát lũ sông Hồng, sông Đáy. Hà Nội cần tiếp tục lắng nghe ý kiến phản biện của chuyên gia các lĩnh vực liên quan, bộ, ngành, các tổ chức xã hội, ý kiến cộng đồng dân cư để có phương án giải quyết phù hợp.
Điểm cộng và điểm trừ
Theo đề án Hà Nội phối hợp với Thủ đô Seoul của Hàn Quốc thực hiện quy hoạch "thành phố ven sông Hồng", các chuyên gia Hàn Quốc đưa ra các giải pháp thoát lũ cho sông Hồng khi thực hiện quy hoạch "siêu đô thị" gồm có: Xây dựng tuyến đê mới dài 41,7 km dọc sát lòng sông, gia cố 33,8 km đê hiện có; lập kế hoạch xây dựng kè trên mực nước dài 73,2 km, xây dựng 40,6 km kè bảo vệ phần dưới nước, xây dựng mỏ hàn tại 3 khu vực và 12 điểm; nạo vét lòng sông ở mực nước thấp khoảng 21,7 triệu m3. Tổng kinh phí chỉnh trị sông là 581,2 triệu USD. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản biện rằng các biện pháp này chưa giải quyết được vấn đề lũ sông Hồng vì những tác động của việc điều chỉnh lũ sông Hồng là vô cùng khó lường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đề án Sông Hồng City đến nay vẫn tiếp tục dừng.
Theo KTS Đoàn Tú, Giám đốc công ty Kiến Trúc Tây Hồ, việc một siêu dự án quy mô lớn trên địa bàn Thủ đô “treo” đến 28 năm đang tạo ra rất nhiều hệ lụy xấu. Bên cạnh việc làm xấu hình ảnh môi trường thu hút đầu tư của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung cũng như ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác đầu tư song phương Việt Nam – Singapore, Việt Nam – Hàn Quốc, siêu dự án còn khiến người dân có đất trong quy hoạch không được cấp giấy chứng quyền sử dụng đất, không được cải tạo, sửa chữa nhà dù xuống cấp ở để ổn định cuộc sống. Thêm vào đó, việc ngừng triển khai dự án sẽ làm chậm cơ hội phát triển kinh tế, khiến Hà Nội mất cơ hội trở thành các đô thị hiện đại trung tâm du lịch lớn trên thế giới như : Thủ đô Seoul - Hàn Quốc; Quảng Châu, Thượng Hải - Trung Quốc; Singapore…
Bãi giữa sông Hồng.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, nếu có đề án hợp lý, đường thủy sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giao thông của thành phố, giúp Hà Nội kết nối hơn nữa với các tỉnh lân cận nói chung và các khu vực trên địa bàn thành phố nói riêng. Quy hoạch cũng góp phần tăng cường hệ thống thoát nước cho thành phố khi mưa lụt, nâng được giá trị không gian xanh Thủ đô Hà Nội, tạo ra chất lượng sống mới cho người dân, nhất là giới trẻ. Đặc biệt, nếu Sông Hồng City được các đối tác triển khai sẽ hiện thực hóa giấc mơ “thành phố hai bên bờ sông Hồng”, mang lại sức hút lớn về du lịch cho Hà Nội.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cũng nhắc lại bài học từ việc Hàn Quốc quy hoạch đô thị dọc hai bên sông Hàn và cho rằng dù hai dòng sông có chế độ dòng chảy khác nhau, Hà Nội vẫn có thể tham khảo ý tưởng của Hàn Quốc để thiết kế các công trình dọc sông. Việc xây dựng công trình kiên cố, tính toán yếu tố an toàn khi có lũ là ưu tiên hàng đầu.
Hiện nay, theo quy hoạch, phân khu đô thị sông Hồng sẽ là trục không gian đặc trưng hành lang xanh với cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm. Phát triển hệ thống giao thông và đầu mối hạ tầng kỹ thuật để cải thiện điều kiện sống khu vực ngoài đê, đặc biệt là hệ thống đường trục và hệ thống mạng lưới đường ven sông, đường cảnh quan, tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp.
Đây là cơ sở pháp lý để thực hiện cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ. Bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông Hồng. Nội dung này có ý nghĩa thiết thực để ổn định đời sống nhân dân khu vực ngoài đê, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân nhiều năm nay.
Theo khảo sát của phóng viên, hơn hai chục năm qua, tại ven sông Hồng chưa xảy ra tình trạng nước lũ nguy hiểm nên người dân về ở dọc 2 bên sông ngày một nhiều. Ngay dưới chân cầu Long Biên, hàng chục năm nay hình thành nên một khu dân cư đông đúc, là nơi cư ngụ của 30 hộ dân, thường gọi là xóm Phao bởi các căn lều được dựng cạnh mép sông bám vào bờ dập dềnh theo con nước. Xóm được mệnh danh là xóm “4 không”: Không có điện chiếu sáng, không có nước sạch, không nhà kiên cố và không hộ khẩu. Các tuyến đường đi lại ở khu vực này đều tự phát. Hiện chưa có đơn vị xử lý rác thải khu vực này. Nhiều năm nay, khu vực này biến thành bãi đổ rác thải sinh hoạt, vật liệu xây dựng... khiến cho bộ mặt của Thủ Đô nhếch nhác, lộn xộn.
Xóm nhà phao ở bãi giữa sông Hồng.
Nằm trong chỉ giới quy hoạch Dự án sông Hồng City thuộc địa bàn phường Yên Phụ (quận Tây Hồ), có khoảng 80 hộ dân với diện tích xây dựng hơn 3.400 m2 (bao gồm nhà tạm, nhà cấp 3, cấp 4). Vì nằm trong vùng quy hoạch, nhiều công trình nhà ở của người dân mặc dù đã xuống cấp, nhưng không được cấp giấy phép cải tạo, xây dựng, trong khi dân số cơ học tăng nhanh khiến người dân vô cùng bức xúc.
Mới đây, đại diện Khu dân cư số 13 và 14 phường Yên Phụ đã đề nghị TP Hà Nội trả lời rõ về việc Dự án Sông Hồng City có được tiếp tục thực hiện hay không, nếu không đề nghị xem xét giải quyết để những hộ dân nằm trong dự án được cấp phép xây dựng cải tạo, sửa chữa nhà ở để ổn định cuộc sống.
Như vậy có thể thấy, sau khi ngừng triển khai dự án Sông Hồng City do nguyên nhân khách quan và chủ quan, UBND Thành phố cần tiếp tục rà soát căn cứ quy định của pháp luật và thực tiễn triển khai dự án để đề xuất phương án giải quyết những tồn tại cho phù hợp.