Kinh nghiệm chuyển đổi số của các quốc gia: Phụ thuộc vào chính sách đầu tư và tầm nhìn của người đứng đầu

Công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra trên thế giới với tốc độ cao, mở cánh cửa để các nước tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việt Nam sẽ rút ra được những kinh nghiệm gì từ tiến trình chuyển đổi số của những quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới?

Mạnh tay đầu tư

Theo Gartner- công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, các khoản đầu tư vào công nghệ thông tin của chính phủ trên toàn thế giới đang chuyển từ các thiết bị và trung tâm dữ liệu sang phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, chiếm gần một nửa trong tổng số 452 tỷ USD đầu tư vào công nghệ thông tin của các chính phủ vào năm 2021. Đây là mức đầu tư lớn nhất trong lịch sử nhân loại của Chính phủ các quốc gia cho lĩnh vực chuyển đổi số trong công nghệ - một khái niệm được đánh giá là không mới nhưng quan trọng này.

Tại Hoa Kỳ, ngay khi bước vào nhiệm kỳ của mình, năm 2020, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề xuất bổ sung 9 tỷ USD vào Quỹ Hiện đại hóa Công nghệ để thiết lập các dịch vụ công nghệ thông tin và an ninh mạng dùng chung trong toàn chính phủ. Chính phủ Tây Ban Nha hiện cũng đã có kế hoạch đầu tư 20 tỷ euro vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong ba năm tới, với khoản đầu tư tư nhân bổ sung 50 tỷ euro như một phần của sáng kiến Digital Spain 2025.

Chính phủ Pháp dự định chi 7 tỷ euro đầu tư vào kỹ thuật số, bao gồm nâng cấp hệ thống thông tin công cộng và tăng cường nỗ lực hòa nhập kỹ thuật số cho người cao tuổi.

Chính phủ Scotland đã công bố khoản tài trợ 4 triệu bảng Anh để xây dựng một loạt các trung tâm triển khai các dịch vụ 5G trên toàn quốc theo Chương trình Kết nối 5G Scotland.

aria-grand-700x300px.jpg

Lựa chọn chiến lược nào?

Kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia phát triển và các quốc gia Đông Nam Á cho thấy dù có một mục đích chung trong chuyển đổi số nhưng Chính phủ mỗi nước đang có những chiến lược và bước đi riêng. Điều quan trọng là phụ thuộc vào tầm nhìn của chính phủ mỗi quốc gia.

Ví dụ như tại Pháp, trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia của mình, một trong những cách làm được Pháp chú trọng là xây dựng Chương trình phát triển Chính phủ điện tử từ cấp Trung ương đến địa phương (Chương trình DCANT 2018-2020) với kỳ vọng “cùng xây dựng dịch vụ số địa phương thông suốt và hiệu quả”. Trong đó, người dân là đối tượng trung tâm phục vụ của Nhà nước và chính quyền địa phương trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Chương trình DCANT có 4 trục ưu tiên gồm: Nền tảng chia sẻ chung; Quản trị hành chính công trên nền tảng chia sẻ; Phương pháp tiếp cận dữ liệu tổng thể và chuyển dịch cấp độ số hóa; Tất cả các địa phương đều phải tham gia vào Chương trình DCANT. Nội dung xuyên suốt của chương trình này là giữa các cơ quan hành chính Nhà nước, Trung ương với địa phương luôn có sự trao đổi lẫn nhau những thông tin về hộ tịch, hộ gia đình, thành phần gia đình… thông qua công cụ số và lưu chuyển dữ liệu theo các bộ tiêu chuẩn, hướng dẫn, nguyên tắc chung. Đây cũng chính là nền tảng thực hiện bất kỳ dịch vụ công trực tuyến ở Pháp.

Theo chia sẻ kinh nghiệm từ Cục Kỹ thuật số và Hệ thống thông tin Nhà nước, cơ quan liên bộ (DINSIC) của Pháp trong một hội thảo gần đây tổ chức tại Việt Nam, chuyển đổi công nghệ số ở địa phương phải đối mặt với một số thách thức như: Quy hoạch mạng lưới địa phương (xây dựng mạng lưới và hạ tầng); Bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận công nghệ số và Phát triển nền hành chính công nghệ số. Tuy nhiên, một thách thức quan trọng nhất cho cơ quan Trung ương và địa phương trong quá trình thực hiện chương trình DCANT là phải bảo đảm chất lượng và mức độ tiếp cận cho dịch vụ công, do đó phải có Bộ tiêu chí về luật, chất lượng của dịch vụ công trực tuyến… Để làm được điều này, từ Trung ương tới địa phương quốc gia này luôn có sự chỉ đạo thống nhất và xoay quanh đối tượng sử dụng là người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh Chương trình DCANT, Pháp còn có công cụ đơn giản hóa thủ tục hành chính số; định danh số và FranceConnect. Theo đó, FranceConnect là công cụ để kết nối với nhau, chia sẻ cùng sử dụng dữ liệu mà không cần cải tổ lại tất cả. Chẳng hạn như các địa phương sẽ phát triển một công cụ dữ liệu và chia sẻ với nhau mà không cần phải tìm một cung cụ dữ liệu mới.

Trong khi đó, tại Malaysia, một quốc gia Đông Nam Á có bối cảnh tương đồng về công nghệ với Việt Nam đang có các lựa chọn riêng để chuyển đổi số thành công. Cụ thể là Chính phủ Malaysia đã xây dựng kế hoạch Công nghiệp tổng thể tạo nền móng vững chắc cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện kế hoạch này, Malaysia đã tích cực áp dụng những công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa trong công nghiệp…, giúp cải thiện khả năng cạnh tranh toàn cầu của đất nước, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn và dựa vào tri thức, công nghệ để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Malaysia cũng tập trung xây dựng chính sách khoa học công nghệ và sáng tạo, đồng thời nhận thức rõ tăng trưởng dựa vào sáng tạo là trọng tâm thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Hiện Chính phủ Malaysia đang thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số với bốn trụ cột chính là công nghiệp 4.0, du lịch thông minh, giáo dục thông minh và thành phố an toàn. Đây được coi là chìa khóa chính để Malaysia đẩy nhanh phát triển, hướng tới mục tiêu lọt nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2050.

Ngoài ra, Malaysia cũng đang tạo một hệ sinh thái mới để thu hút các bên liên quan vào các lĩnh vực như hoá học, thiết bị y tế, dệt may, cao su, thực phẩm và các hoạt động sản xuất khác. Malaysia cũng đang chuẩn bị cơ sở hạ tầng, kiến thức, năng lực và cả nguồn nhân lực để sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ nước này đặt ra nhiệm vụ đến năm 2025-2026, Malaysia phải thực hiện bốn muc tiêu quốc gia: Tăng hiệu quả lao động; Tăng đầu tư đóng góp cho GDP; Nâng cao năng lực đổi mới; Có nhiều nguồn nhân lực với kỹ năng cao hơn. Để đạt được những mục tiêu này, với kỳ vọng có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế và trở thành quốc gia phát triển bền vững trước năm 2025, Malaysia đang đẩy mạnh tìm kiếm các nguồn nhân lực liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) và tăng cường các giải pháp để tiếp xúc với công nghệ nhanh hơn và đúng hơn, tạo nên một nền công nghiệp cao cấp và phát triển hơn.

Kinh nghiệm chuyển đổi số của các quốc gia: Phụ thuộc vào chính sách đầu tư và tầm nhìn của người đứng đầu 2 Việt Nam cần nghiên cứu kinh nghiệm thành công của một số quốc gia trong chuyển đổi số để áp dụng phù hợp với thực tiễn

Hay như tại Thái Lan, kế hoạch chuyển đổi số của Chính phủ nước này đưa ra 6 chiến lược chính: (1) Thiết lập cơ sở hạ tầng truyền thông cơ bản, tạo thuận lợi cho người dân; (2) Số hóa nhiều mặt của đời sống, dự kiến sẽ mang đến cơ hội kinh tế và thương mại lớn hơn cho người dân Thái Lan; (3) Xây dựng CPĐT, trong đó người dân được chuẩn bị để có thể tiếp cận các dịch vụ số; (4) Chuẩn bị nhân lực số ở tất cả các cấp độ của các cơ quan chính phủ; (5) Tối đa hóa năng lực kỹ thuật số của mọi người, thúc đẩy họ tập trung hơn vào CNS và sử dụng nó hiệu quả và phù hợp nhất; (6) Tạo niềm tin trong việc sử dụng CNS và phương tiện truyền thông trực tuyến.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để chuyển đổi số của mỗi quốc gia thành công và phù hợp cần 3 yếu tố cơ bản: Một là, chính phủ luôn cầu thị, liên tục đổi mới, lấy người dân làm trung tâm; Hai là, vai trò của người đứng đầu và quan trọng nhất là Chính phủ nước đó phải có tầm nhìn dài hạn và nhất quán trong các hoạt động chuyển đổi số quốc gia.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Theo TS. Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh: Chương trình chuyển đổi số của Việt Nam còn được gọi là Chương trình thông minh hóa quốc gia với ba trụ cột chính: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Với Chương trình CĐS, Việt Nam hướng tới khơi dậy khát vọng “xây dựng Việt Nam hùng cường” thông qua thông điệp “Make in Vietnam”.

Hàm ý chính sách của Việt Nam khi thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia bao gồm 5 trụ cột: Kiên định tầm nhìn, mục tiêu cùng với hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.Thứ hai, đẩy mạnh quản trị của Chính phủ hướng tới xây dựng chính phủ số.Thứ ba, phát huy vai trò của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển AI.Thứ tư, huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư chuyển đổi số. Và cuối cùng quan tâm phát triển nguồn nhân lực số.

Để chuyển đổi số quốc gia thành công cần nghiên cứu, triển khai đào tạo ngay tại các chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đồng thời, cần nghiên cứu kinh nghiệm thành công của một số quốc gia trong chuyển đổi sốđể áp dụng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Tin liên quan