Len cashmere: Hướng đi mới nào cho ngành xuất khẩu hàng đầu của Mông Cổ

Cashmere là nguồn xuất khẩu chính của Mông Cổ trong nhiều năm, nhưng sự gia tăng trong nhu cầu toàn cầu đối với loại vật liệu cao cấp này đang gây hại tới môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống truyền thống của người dân địa phương…
Len cashmere

Khi những lớp tuyết dày của mùa đông đã tan bớt, thì gió mạnh và bão cát của mùa xuân trên những thảo nguyên rộng lớn ở miền trung Mông Cổ lại khiến đây trở thành một trong những thời điểm khắc nghiệt nhất trong năm. Nhưng đối với gia đình Bayarduuren Zunduikhuu, đây lại là một trong những giai đoạn bận rộn nhất. “Chúng tôi phải thức dậy khi mặt trời mọc. Bởi mùa xuân là mùa thu hoạch cashmere”, Bayarduuren Zunduikhuu cho biết.

CASHMERE - NGUYÊN LIỆU XA XỈ TỪ THẢO NGUYÊN

Giống như nhiều thành viên trong số khoảng 300.000 hộ gia đình chăn nuôi du mục ở Mông Cổ, gia đình Bayarduuren kiếm được phần lớn thu nhập từ việc thu và bán len cashmere. Hàng ngày, Bayarduuren Zunduikhuu sẽ chăm sóc đàn dê cashmere của mình, cẩn thận chải chuốt từng bộ lông để giữ gìn lớp lông tơ quý giá đó.

Được đánh giá cao về độ bền, sự mềm mại và ấm áp, lông cashmere là một trong những loại vật liệu cao cấp hàng đầu. Nếu như một con cừu có thể sản xuất ít nhất 3kg len mỗi năm, thì ngược lại dê Cashmere chỉ có thể cung cấp 200 gram lông/ năm. Ngoài ra, len cashmere chỉ có thể dệt thủ công, không thể qua máy móc, vì vậy mà giá thành của cashmere khá đắt đỏ và thường được ví như “loại len dành cho giới nhà giàu”.

len-cashmere-1014.jpg
Len cashmere cao cấp

Khoảng 40% cashmere của thế giới đến từ Mông Cổ - tương đương 10.000 tấn vào năm 2021 - theo dữ liệu từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP). Ngày nay, cashmere là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Mông Cổ.

Nhưng nhu cầu ngày càng lớn đối với loại len sang trọng này đang gây hại cho môi trường và thậm chí cả cuộc sống của những người dân trên thảo nguyên. Thị trường cashmere mở rộng cũng đồng nghĩa với số lượng dê chăn thả trên đồng cỏ của Mông Cổ cũng tăng theo. Hiện ước tính có khoảng 27 triệu con dê được nuôi ở Mông Cổ, có nghĩa là số lượng dê nuôi còn đông hơn dân số Mông Cổ với tỷ lệ là 8:1.

Theo UNDP, biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt và chăn thả gia súc đã khiến khoảng 70% diện tích đồng cỏ bị suy thoái (ở một mức độ nào đó). Điều này có nguy cơ tàn phá các hệ sinh thái của Mông Cổ và cả các ngành công nghiệp khác đang phụ thuộc vào chúng.

Giữa những lo ngại này, một số nhãn hiệu xa xỉ đang chuyển sang các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường hơn. Trong đó, một thế hệ các nhà thiết kế Mông Cổ mới đang tìm cách làm cho len cashmere bền vững hơn và đồng thời hỗ trợ những người chăn nuôi gia súc địa phương.

Theo bà Oyuna Tserendorj, người lớn lên ở Mông Cổ và hiện đang điều hành một nhãn hiệu quần áo và đồ gia dụng cashmere, quá trình này thường bắt đầu bằng việc hiểu chính xác địa điểm và cách thức sản xuất vật liệu này.

Được thành lập chỉ hơn 20 năm trước, thương hiệu của bà Oyuna có mặt tại các trung tâm thương mại sang trọng như Harrods ở London và Lane Crawford ở Hồng Kông. Mặc dù điều hành công ty ở London, nhưng nhà thiết kế lại tìm nguồn vật liệu và sản xuất sản phẩm ở quê nhà.

hoat-dong-che-bien-cashmere-van-con-tuong-doi-it-o-mong-co-du-cho-nuoc-nay-xuat-khau-toi-90-nguyen-lieu-tho-619.jpg

“Chúng tôi có một chuỗi cung ứng rất khép kín. Chúng tôi thiết kế các bộ sưu tập của mình và trực tiếp làm việc với các nhà máy ở Mông Cổ. Do đó, chúng tôi biết rõ cashmere của mình đến từ những khu vực và hợp tác xã du mục nào”, bà Oyuna chia sẻ.

Cách tiếp cận chuẩn mực đạo đức của thương hiệu Oyuna thường có chi phí cao hơn. Trong khi một số nhà bán lẻ trên thị trường đại chúng bán áo len cashmere với giá dưới 80 USD, thì sản phẩm của nhà thiết kế gốc Mông Cổ có giá lên tới 1.000 USD. Chất lượng vật liệu, sản xuất quy mô nhỏ và quy trình thủ công thâm dụng lao động của các nhãn hàng xa xỉ có thể giải thích cho một số khác biệt về chi phí. Nhưng các hoạt động bền vững cũng ảnh hưởng đến giá thành hàng may mặc.

Bà Oyuna đã chủ động hỗ trợ các chương trình phi lợi nhuận của Liên minh sợi bền vững (SFA), giúp những người chăn nuôi cải thiện việc quản lý đất đai, phúc lợi động vật và tiếp cận thị trường len cashmere toàn cầu. Bà khẳng định thương hiệu của mình chỉ lấy nguồn từ những người chăn nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững của SFA, ngay cả khi điều đó có nghĩa là chi tiêu nhiều hơn cho vật liệu.

nhan-hieu-xa-xi-oyuna-gan-day-da-thuc-hien-bo-anh-cho-chien-dich-quang-ba-tren-thao-nguyen-mong-co-2037.jpg
Nhãn hiệu cashmere Oyuna gần đây đã thực hiện một bộ ảnh cho chiến dịch quảng bá trên thảo nguyên Mông Cổ

Theo UNDP, việc giúp cho hoạt động kinh doanh của những người chăn gia súc có lợi hơn có thể làm giảm áp lực môi trường bằng cách ngăn chặn việc chăn thả quá mức. Ví dụ, đẩy mạnh chế biến và sản xuất cashmere nhiều hơn ở Mông Cổ, nơi hiện chỉ đang tập trung cho xuất khẩu nguyên liệu thô, sẽ mang đến cho người dân thu nhập bổ sung mà không cần chăn nuôi thêm dê.

UNDP gợi ý rằng những người chăn nuôi có thể trực tiếp làm sạch và phân loại len cashmere cho các công ty địa phương. Và bằng cách đảm bảo rằng len cashmere của họ không bị lẫn với những loại khác, họ cũng có thể kiểm soát chất lượng tốt hơn và do đó tính giá cao hơn.

THÚC ĐẨY CÁC TIÊU CHÍ BỀN VỮNG

Đến nay, ngày càng có nhiều nhãn hiệu đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho cashmere truyền thống. Chẳng hạn, thương hiệu Stella McCartney chỉ sử dụng len cashmere tái chế kể từ năm 2016. Điều này giúp chống lãng phí, với tác động môi trường thấp hơn bảy lần so với việc liên tục nhập khẩu len cashmere nguyên chất, thương hiệu cho biết.

Trong khi đó, công ty khởi nghiệp Spiber của Nhật Bản cũng đã phát triển một loại vải thay thế cashmere tổng hợp lấy cảm hứng từ mạng nhện. Vật liệu này được phát triển bằng cách lên men các thành phần có nguồn gốc từ thực vật thành một loại polymer protein.

Tương tự, nhãn hiệu Athleisure KD New York đang sản xuất một loại vải có chất lượng tương tự như cashmere sử dụng sợi làm từ đậu nành.

Tuy nhiên, những vật liệu công nghệ cao này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Vì vậy, nhiều công ty thời trang đang chuyển sang một sản phẩm thay thế cashmere sẵn có - một sản phẩm có thể mang lại thu nhập cho những người chăn gia súc ở Mông Cổ đồng thời bảo vệ đất đai của họ khỏi bị suy thoái: Đó chính là len yak.

Bodios là một trong những doanh nghiệp đã đặt cược rằng len yak có thể trở thành một “cơn sốt” tiếp theo. Thương hiệu hàng dệt kim có trụ sở tại Ulaanbaatar cho biết họ sản xuất hơn một nửa số mặt hàng len yak – bao gồm áo len, khăn quàng cổ và chăn – ở Mông Cổ.

Len yak được thu thập theo cách tương tự như len cashmere, vì bò yak (bò Tây Tạng) và dê cashmere đều mọc lông tơ cách nhiệt dưới lớp bảo vệ cho mùa đông. Chất liệu này không phổ biến như cashmere, một phần vì sợi thô hơn và sẫm màu hơn nên khó để để nhuộm và xử lý.

bo-yak-1827.jpg
Bò Yak Tây Tạng

Nhưng người quản lý của Bodios, ông Ishbaljir Battulga nói rằng thói quen chăn thả gia súc của bò Tây Tạng tốt hơn cho hệ sinh thái. Ví dụ, trong khi dê cashmere thường nhổ cả cỏ khi ăn, thì bò Tây Tạng chỉ ăn phần lá, giúp đồng cỏ dễ mọc lại hơn. Chúng cũng thường được thả và ăn cỏ khu vực núi cao, nghĩa là chúng không góp phần làm suy thoái các đồng cỏ dưới xuôi vốn đã bị khai thác quá mức.

Một số chuyên gia tin rằng việc phát triển thị trường len yak có thể mang lại nguồn thu nhập thân thiện với môi trường hơn cho những người chăn gia súc ở Mông Cổ. Và một số nhà sản xuất hàng dệt kim Mông Cổ đang hy vọng sử dụng độ hiếm tương đối của vật liệu (chỉ có khoảng 1 triệu con bò yak ở Mông Cổ) làm điểm thu hút.

“Xét về độ mềm, cashmere và lông yak khá giống nhau. Thậm chí đôi khi lông yak còn ấm hơn và thoáng hơn”, ông Ishbaljir đánh giá.

Tuy nhiên, dù cho đã có những cải tiến và khám phá mới về nguyên vật liệu thay thế, nhu cầu toàn cầu đối với cashmere vẫn tiếp tục tăng cao.

Nhà phân tích thị trường Grand View Research đã ước tính rằng ngành sản xuất cashmere sẽ tăng trưởng hơn 6% hàng năm cho đến năm 2030, nâng giá trị 4,23 tỷ USD.

Nhưng theo Elaine Conkievich, đại diện thường trú của UNDP tại Mông Cổ, để ngành có thể phát triển bền vững, thì các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người mua hàng cần ưu tiên chất lượng hơn là số lượng.

“Thay vì tăng ồ ạt số lượng, hãy giữ chất lượng tốt trong suốt chuỗi giá trị và các hoạt động bền vững liên quan", bà Elaine Conkievich nhấn mạnh.

bayarduuren-zunduikhuu-phai-chuyen-nha-moi-mua-de-tim-dat-cho-dan-de-500-con-bao-gom-ca-nhung-con-de-ma-co-trong-cay-vao-de-lay-len-cashmere-9767.jpg
Bayarduuren Zunduikhuu phải di chuyển mỗi mùa để tìm đất cho đàn dê 500 con, bao gồm cả những con dê mà cô trông cậy vào để lấy len cashmere

Còn đối với những người chăn gia súc như Bayarduuren, một ngành công nghiệp bền vững hơn có thể giúp cô duy trì cuộc sống trên thảo nguyên. Đó là điều mà trước đây cô ấy đã phải từng cân nhắc đánh đổi để tìm đến một công việc trong thành phố dù có tình yêu lớn với thiên nhiên và cuộc sống thảo nguyên.“Cha mẹ tôi là những người chăn gia súc và tôi cũng chọn sống cuộc sống của một người chăn gia súc. Cách sống này đã được truyền lại trong gia đình tôi qua nhiều thế hệ và tôi mong muốn sẽ tiếp tục duy trì nó trong tương lai", Bayarduuren chia sẻ.