Ngày 18/5, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử ông Trần Ngọc Hà - cựu Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cùng đồng phạm gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng.
Danh sách các bị cáo phải hầu tòa gồm ông Trần Ngọc Hà - cựu Chủ tịch HĐTV, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang - cựu Tổng Giám đốc VEAM; Vũ Từ Công - cựu Kế toán trưởng VEAM; Đào Quốc Việt - cựu Giám đốc Công ty cổ phần vận tải và thương mại VEAM - Vetranco; Trần Quang Tiến - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Nam; Ngô Văn Tuyển - cựu Phó Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT VEAM;
Bùi Quốc Việt - cựu Trưởng Phòng Thị trường kinh doanh VEAM, Ngô Văn Thịu - cựu Phó Trưởng phòng Thị trường - Kinh doanh VEAM; Nguyễn Thị Thu Hương - cựu Giám đốc Vetranco; Trần Thanh Thủy - cựu Trưởng phòng Kế toán Vetranco; Nguyễn Minh Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Bách Việt;
Lương Xuân Trường - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Minh Quang; Trần Anh Sơn - cựu Kế toán trưởng, người phụ trách Quản trị VEAM; Hoàng Văn Lẫm - cựu Phó Trưởng phòng Tài chính kế toán VEAM; Phó Trưởng phòng Kế hoạch VEAM);
Nguyễn Mạnh Chung - Giám đốc Công ty TNHH máy kéo và máy nông nghiệp, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật đầu tư VEAM; Vũ Quang Tâm - cựu Phó Tổng Giám đốc VEAM và Nguyễn Văn Khôi - cựu Trưởng Ban kiểm soát, thành viên Hội đồng thành viên VEAM.
Ông Hà cùng 16 bị cáo bị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Riêng bị cáo Nguyễn Văn Khôi bị đưa ra xét xử tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, VEAM có đại diện chủ sở hữu là Bộ Công Thương (trong đó vốn Nhà nước hơn 88%). Vetranco là công ty con của VEAM.
Vốn điều lệ của Vetranco năm 2010 là 10 tỷ đồng, năm 2012 là 12,5 tỷ đồng, trong đó VEAM chiếm 51% cổ phần, nên VEAM chỉ được bảo lãnh thanh toán cho Vetranco tối đa năm 2010 là 5,1 tỷ đồng và năm 2012 là 6,375 tỷ đồng.
Tuy nhiên, VEAM đã ký các cam kết và hợp đồng bảo lãnh cho Vetranco với tổng hạn mức 193 tỷ đồng.
Từ việc bảo lãnh, VEAM bị các ngân hàng cưỡng thu số tiền hơn 23 tỷ đồng và VEAM phải cho Vetranco vay để thanh toán nợ các ngân hàng số tiền hơn 52 tỷ đồng, gây thiệt hại cho VEAM tổng số tiền hơn 75,82 tỷ đồng.
Mặt khác, VEAM không phải là pháp nhân có chức năng tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Do đó, VEAM cho Vetranco vay tiền là trái pháp luật.
Từ năm 2011- 2013, bị cáo Vũ Từ Công tham mưu, đề xuất, soạn thảo văn bản trình ông Lâm Chí Quang ký 4 chứng thư bảo lãnh thanh toán cho Vetranco vay 193 tỷ đồng tại Vietinbank Chi nhánh Hà Nội, Agribank Chi nhánh Hoàng Mai, BIDV Sở giao dịch 3 và tại Agribank Chi nhánh Long Biên.
Đến hạn thanh toán, Vietranco không trả được nợ vay nên VEAM bị các ngân hàng cưỡng thu hơn 23 tỷ đồng và VEAM phải cho Vetranco vay để thanh toán nợ các ngân hàng số tiền hơn 52 tỷ đồng, gây thiệt hại cho VEAM tổng số tiền 75,82 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định ông Trần Ngọc Hà biết và tạo điều kiện cho Lâm Chí Quang, Vũ Từ Công thực hiện việc bảo lãnh, cho vay trái quy định gây thiệt hại cho VEAM số tiền 75,82 tỷ đồng.
Ngoài ra, vào năm 2016, dự án “Đầu tư sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung” của VEAM đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư và chưa được Bộ Công thương xem xét, quyết định đầu tư, nhưng ông Trần Ngọc Hà vẫn ký kết Hợp đồng cung cấp Li-xăng với Công ty ISEKI (Nhật Bản) và thanh toán 2 đợt, số tiền 2.500.000 USD, nhưng sau đó không có căn cứ thu hồi, gây thiệt hại cho VEAM hơn 56 tỷ đồng.
Năm 2015, ông Trần Ngọc Hà tự ý quyết định hợp tác với Công ty T-King (Trung Quốc) thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển sản phẩm xe ô tô tay lái bên phải để xuất khẩu sang Srilanka, nhưng không có Nghị quyết của HĐTV VEAM, không nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt của VEAM.
Ông Hà đã quyết định việc chuyển tạm ứng cho Công ty T-King tổng số tiền 400.000 USD để T-King nghiên cứu, phát triển các bộ linh kiện xe ô tô tay lái bên phải.
Do kế hoạch nêu trên không thực hiện được và không thu hồi được khoản đã tạm ứng, nên VEAM bị thiệt hại số tiền hơn 9 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cho rằng, với vai trò là Giám đốc Vetranco, ông Đào Quốc Việt đã dùng nguồn tiền vay ngân hàng do VEAM bảo lãnh, nguồn tiền vay của VEAM, nguồn tiền 31,5 tỷ đồng Vetranco vay tại MB Chi nhánh Tây Hồ và vốn tự có của Vetranco cho Trần Quang Tiến vay để hưởng lãi theo lãi suất cho vay của ngân hàng cộng với chênh lệch từ 0,8% - 1,25% giá trị tiền vay.
Để che giấu việc cho vay tiền, Đào Quốc Việt thỏa thuận với Trần Quang Tiến về việc lập các tài liệu khống và Việt trực tiếp ký hoặc chỉ đạo cấp dưới ký các tài liệu khống liên quan đến chuyển hoặc nhận nguồn tiền của Vetranco.
Hành vi của ông Việt gây thiệt hại cho Vetranco hơn 182 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Khôi với vai trò là thành viên HĐTV, phụ trách lĩnh vực quản lý vốn và hoạt động tài chính kế toán, công tác kiểm soát VEAM, bị xác định đã thực hiện không hết trách nhiệm của mình, gây thiệt hại cho VEAM hơn 75 tỷ đồng.
Hồng Nhung