Hạ viện Hoa Kỳ đã biểu quyết tước bỏ tư cách là một quốc gia đang phát triển của Trung Quốc. Trung Quốc đã lên án động thái này và từ chối gia nhập hàng ngũ các quốc gia "giàu có"...
Vào ngày 27/3, hạ viện của Quốc hội Mỹ đã nhất trí thông qua một dự luật tìm cách tước bỏ vị thế “quốc gia đang phát triển” của Trung Quốc.
Tước bỏ vị thế quốc gia đang phát triển
Phát biểu trước Hạ viện vào ngày bỏ phiếu, Young Kim, một đảng viên Đảng Cộng hòa ở California, lưu ý rằng Trung Quốc được đối xử ưu đãi trong các tổ chức quốc tế do là quốc gia đang phát triển.
Bà cho rằng: “Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm 18,6% nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc được phân loại là một quốc gia đang phát triển và họ đang sử dụng danh nghĩa này để đánh lừa hệ thống và làm tổn thương các quốc gia đang thực sự cần sự giúp đỡ”.
Mỹ muốn loại Trung quốc khỏi nhóm các quốc gia đang phát triển
Cuộc chiến đưa Trung Quốc vào danh mục các nước có thu nhập trung bình, hoặc thậm chí là các nước phát triển không phải là mới. Năm 2019, cựu tổng thống Mỹ ông Donald Trump đã lên tiếng về việc Trung Quốc nên đánh mất vị thế là một quốc gia đang phát triển.
Không có thang đánh giá thống nhất chung để đo lường xem một quốc gia là "phát triển" hay "đang phát triển". Tuy nhiên, nếu phân loại các quốc gia trên cơ sở GDP (hay tổng sản phẩm quốc nội), các chuyên gia lưu ý rằng thật khó để xếp Trung Quốc vào loại thứ hai.
Jean-François Dufour, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc và là người đồng sáng lập Sinopole, một trung tâm tài nguyên về Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi: "Chúng ta có thể coi cường quốc công nghiệp đầu tiên trên thế giới và nhà xuất khẩu ô tô lớn thứ hai là một quốc gia đang phát triển không?".
Xin Sun từ Đại học King's College London lưu ý rằng, các nước đang phát triển chịu ít áp lực hơn trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu. Ông cũng cho biết: "Trong mắt Washington, Trung Quốc cũng đang áp dụng các hành động điển hình của các nước phát triển, chẳng hạn như Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như các nguồn lực khổng lồ được phân bổ để hiện đại hóa quân đội của họ". Việc tăng ngân sách quốc phòng hiện mang lại cho Trung Quốc ngân sách quân sự lớn thứ hai thế giới.
Cái giá đắt khi nâng hạng
Tuy nhiên, Trung Quốc có cơ sở để ở lại nhóm quốc gia đang phát triển. Ông Sun cho biết: “Theo tiêu chí phân loại quốc gia của Ngân hàng Thế giới là chỉ số phát triển con người và tiêu chí được Liên Hợp Quốc sử dụng là thu nhập bình quân đầu người, Trung Quốc vẫn xếp dưới các nước phát triển”.
Điều này có nghĩa là trên thang điểm của Ngân hàng Thế giới và Liên hợp quốc, Trung Quốc cùng hạng với Mexico hoặc Malaysia.
Cùng với đó, sự giàu có của Trung Quốc tập trung tại các đô thị lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải.
Carlotta Rinaudo, một chuyên gia về Trung Quốc tại Nhóm Nghiên cứu An ninh Quốc tế (ITSS) Verona cho rằng: "Chúng ta luôn nhanh chóng quên đi một phần vô hình của Trung Quốc, tức là các vùng nông thôn, nơi tập trung 64% dân số của đất nước này. Điều kiện sống dù là về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chất lượng cơ sở hạ tầng hay thậm chí là hệ thống sưởi của những địa phương này vẫn ở cùng cấp độ với của các nước đang phát triển".
Sự "giàu có" của Trung Quốc chỉ tập trung ở các đô thị lớn
Rinaudo giải thích rằng Mỹ muốn ngăn chặn việc Trung Quốc giữ vị thế quốc gia đang phát triển vì họ tin rằng Trung Quốc đang sử dụng những lợi thế đến từ vị trí này để khẳng định ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế, gây tổn hại đến Mỹ.
Theo đó, Trung Quốc có thể nhận được các khoản vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế chủ yếu do Mỹ tài trợ và sau đó đầu tư vào các quốc gia yếu thế hơn nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với cường quốc số 1 thế giới. Nói cách khác, Mỹ lo ngại rằng một số tiền mà họ cung cấp cho các tổ chức như Ngân hàng Thế giới sẽ rơi vào túi của Trung Quốc, sau đó họ sử dụng để chống lại lợi ích của Mỹ.
Nhưng phía Trung Quốc khẳng định họ không sử dụng tiền từ các tổ chức quốc tế để đầu tư ra nước ngoài. Trung Quốc tin rằng Mỹ đang tiến tới làm chậm tốc độ tăng trưởng và phá hủy thị trường việc làm của Trung Quốc.
"Hậu quả kinh tế có thể rất rõ ràng. Thật vậy, nếu không có vị thế này, Bắc Kinh sẽ không còn có thể áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu và các công ty [trong nước] sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn, điều này có thể buộc một số công ty phải sa thải nhân sự", ông Sun giải thích.
Cuộc chiến đưa Trung Quốc lên hàng các quốc gia phát triển có thể sẽ kéo dài. Và kể cả khi luật của Mỹ được thông qua, họ vẫn cần phải thuyết phục các tổ chức quốc tế. Điều này có thể mất rất nhiều năm.
Trong khi đó, Ấn Độ có thể sẽ theo sát các cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề này. Nếu Trung Quốc không còn được coi là một quốc gia đang phát triển, thì Ấn Độ sẽ thu được nhiều lợi ích bằng cách chiếm lấy vị trí đứng đầu khối các quốc gia đang phát triển mới bị bỏ trống.