Hầu hết các dự án năng lượng tái tạo bị Thanh tra Chính phủ điểm tên về vi phạm trong quá trình triển khai đầu tư, công nhận vận hành thương mại đều nằm tại khu vực được coi là thủ phủ của năng lượng tái tạo cả nước như Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk hay Đắc Nông.
Nổi cộm trong đó là vấn đề chồng lấn quy hoạch khi nhiều dự án điện gió, điện mặt trời được xây dựng trên đất được quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia, khai thác titan, quặng bô-xít hoặc chồng lấn quy hoạch thuỷ lợi.
Không ít trường hợp trong số dự án chồng lấn quy hoạch được phát triển trực tiếp hoặc thông qua các công ty con của những doanh nghiệp mạnh như Hà Đô, Vietracimex, Công ty TNHH Tài Tâm, Trungnam Group, Long Thành, Tập đoàn Thái Bình Dương…
“Đè” trên đất mặt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại Bình Thuận có thể kể tới các dự án điện gió Hòa Thắng 1.2, Thái Hòa, Đại Phong, Hồng Phong 1, Phú Lạc – giai đoạn 2, Phong điện 1 và điện mặt trời Hồng Phong 1A, Hồng Phong 1B, Hồng Phong 5.2, Hàm Kiệm 1, ĐMT Mũi Né, Hàm Kiệm, Hồng Phong 4.
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời tỉnh Bình Thuận khẳng định, khi đầu tư, doanh nghiệp không biết tới quy hoạch khoáng sản hay cụ thể hơn là dự trữ titan nằm ở đâu tại địa phương.
Theo ông Thịnh, việc phê duyệt chấp thuận đầu tư là của địa phương, được cho phép thì doanh nghiệp vào làm. Đến năm 2014 có quy hoạch titan thì nhà đầu tư cũng chỉ có thông tin chứ cũng không biết rõ titan nằm ở đâu, vùng nào để dự trữ, dự trữ bao nhiêu năm và vùng nào để khai thác.
Tới đầu tháng 11/2023, Quyết định 1277 phê duyệt dự trữ khoáng sản quốc đã chỉ rõ các vùng dự trữ khoáng sản titan, đã giảm 30.000 ha so với bản quy hoạch trước, tức rất nhiều vùng đã được ra khỏi quy hoạch.
Đáng chú ý, vùng quy hoạch titan cũng xác định rõ vị trí, thời gian dự trữ từ 30 - 50 - 70 năm, tức vượt xa vòng đời của dự án điện gió, điện mặt trời.
"Chúng tôi rất mong Chính phủ và địa phương sớm tháo gỡ cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo về vấn đề này", ông Thịnh nhấn mạnh.
Thực tế, vấn đề chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản với các quy hoạch khác tại Bình Thuận đã diễn ra nhiều năm trước nhưng chưa được giải quyết thấu đáo, dù Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương đã vào cuộc. Phải tới tháng 11 vừa qua, giải pháp đề ra rõ ràng là cấp dự án theo thời gian dự trữ cho phép từng khu vực.
Đặc biệt, trước khả năng có thể hồi tố và xem xét lại giá mua điện của các dự án điện gió, điện mặt trời trong vùng chồng lấn khoáng sản titan, ông Thịnh cho rằng việc này sẽ đẩy các nhà đầu tư vào tình thế phá sản vì chi phí đầu tư thời điểm trước đây khá cao; ngoài ra còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư năng lượng tái tạo mà Thủ tướng đã cam kết sẽ phát triển mạnh mẽ.
“Các doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa khi có kết luận thanh tra”, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời Bình Thuận chia sẻ.
Được biết, Hiệp hội này đã có kiến nghị liên quan gửi cơ quan chức năng sau khi Thanh tra Chính phủ mới đây công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Tại Ninh Thuận, ghi nhận bốn dự án điện mặt trời được phê duyệt chồng lấn lên quy hoạch thủy lợi thuộc dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Thậm chí, UBND tỉnh còn cho doanh nghiệp thuê đất thực hiện dự án khi chưa có trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh như trường hợp Công ty CP Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang với dự án điện mặt trời Phước Hữu.
Xây dựng chồng lấn quy hoạch bô-xít là thực trạng diễn ra tại năm dự án điện gió Nam Bình 1, Đắk Hòa và Đắk N’Drung 1, 2, 3 có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ngoài ra, tỉnh còn chấp thuận cho hai dự án điện mặt trời Cư Jut và Trúc Sơn khi vị trí khu đất chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện.
Hiện diện tại địa phương này với ba dự án Đắk N’Drung, Công ty TNHH Tài Tâm của doanh nhân Đỗ Lê Quân đã chia sẻ một số vấn đề cốt lõi của tình trạng chồng lấn quy hoạch liên quan.
Theo đó, dù nằm trên vùng quy hoạch bô xít, nhưng các dự án điện gió vận hành đều không ảnh hưởng hay khai thác khuất tất khoáng sản. Cơ quan quản lý chỉ cần thanh kiểm tra hiện trường là xác định được điều này.
Do đó, Chính phủ và Bộ Công thương có thể cho phép tiếp tục làm điện và khoanh vùng bảo vệ, hạn chế khai thác. Như Quyết định phê duyệt dự trữ khoáng sản mới đây cũng nhắc tới việc ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong lúc chưa làm khoáng sản.
Vì vậy, với đặc thù diện tích xây dựng chiếm đất nhỏ cộng với tình trạng đã hoàn thành, bán điện lên lưới, thời gian hoạt động chỉ 20 năm, cơ quan chức năng nên áp dụng biện pháp xử phạt để cho tồn tại.
“Doanh nghiệp sai đến đâu thì phạt đến đó, bởi dẫu sao sản phẩm làm ra là điện cũng đã và đang được tiêu thụ, bán lên lưới một cách ổn định và có hiệu quả đóng góp. Đặc biệt, nếu xảy trường hợp hồi tố và thu hồi phần lợi nhuận có từ bán điện, thì doanh nghiệp kiến nghị được chấp thuận lùi mức hưởng giá ưu đãi từ FIT 1 về FIT 2, tức giá mua giảm đi. Nghĩa là cần một giải pháp nào đó để hài hòa, không để Nhà nước và doanh nghiệp không bị thiệt”, ông Quân trần tình.
Đồng thời, ở góc độ chế tài xử lý, khắc phục, ông Quân khuyến nghị cơ quan quản lý nên lưu tâm vấn đề đảm bảo tính ổn định, hấp dẫn của môi trường đầu tư đối với doanh nghiệp nước ngoài bước chân vào mảng năng lượng tái tạo, bởi trong số nhiều dự án điện hiện hữu ghi nhận hiện diện đáng kể của nhà đầu tư nước ngoài.
"Đặc biệt, ở câu chuyện này cần nhìn vào bản chất các vi phạm liên quan có làm cho Nhà nước bị ảnh hưởng, thất thoát gì không và bản thân sản phẩm làm ra có phải là sản phẩm lỗi hay không thì sẽ đưa ra giải pháp phù hợp", ông Quân khuyến nghị.
Nguyễn Cảnh