Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 146/QĐ – BGTVT phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với việc nghiên cứu phương án quy hoạch phát triển Cảng hàng không Cà Mau theo từng giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đơn vị được giao nhiệm vụ còn phải đề xuất lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải; đề xuất giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch.
Các nội dung chủ yếu của nhiệm vụ lập quy hoạch gồm: khảo sát, điều tra, thu thập các số liệu cần thiết phục vụ công tác lập quy hoạch; điều tra, thu thập các số liệu quá khứ và hiện trạng của Cảng hàng không Cà Mau; cập nhật các dự án đã và đang triển khai tại Cảng hàng không; dự báo nhu cầu vận tải thông qua Cảng; đánh giá khả năng và các phương án quy hoạch Cảng, bao gồm khu bay và khu hàng không dân dụng cũng như các nội dung liên quan khác. Bên cạnh đó, nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn phải xác định tính chất, vai trò, quy mô của Cảng, cùng các chỉ tiêu cơ bản về đất đai cho thời kỳ quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật; xác định các yêu cầu về bảo vệ môi trường và các yêu cầu khác phù hợp với mục tiêu phát triển của Cảng.
Theo Quyết định số 146, thời hạn lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là năm 2024.
Bộ GTVT giao UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lựa chọn tư vấn lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm về kết quả lựa chọn; bảo đảm tư vấn được lựa chọn đáp ứng điều kiện về năng lực chuyên môn theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/1/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.
Cục Hàng không Việt Nam có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Cà Mau và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, hướng dẫn xây dựng và hoàn thiện sản phẩm tài trợ; chịu trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm tài trợ là hồ sơ quy hoạch; có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan lập quy hoạch sau khi tiếp nhận sản phẩm, trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Theo Quy hoạch tổng thể số 648 về phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc, trong giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Cà Mau là sân bay cấp 4C, công suất 1 triệu hành khách/năm; giai đoạn đến năm 2050, Cảng hàng không Cà Mau là sân bay cấp 4C, công suất 3 triệu hành khách/năm. Cảng hàng không Cà Mau hiện là sân bay cấp 4C, nhà ga hành khách 2 cao trình có công suất 200.000 hành khách/năm, 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.500mx30m, đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 hoặc tương đương. Hiện Cảng hàng không Cà Mau đang được VASCO khai thác 1 đường bay duy nhất, chặng Cà Mau – TP.HCM và ngược lại, tần suất 4 chuyến/tuần bằng tàu bay ATR72.
Hiện nay, Cảng Hàng không Cà Mau là sân bay cấp 3C theo tiêu chuẩn Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). Nhà ga hành khách có công suất thiết kế 200.000 hành khách/năm, lượng khách giờ cao điểm là 150 hành khách/giờ cao điểm.
Nhà ga có 2 tầng với tổng diện tích mặt sàn 2.717m2 và công trình hạ tầng khu bay, bao gồm một đường cất hạ cánh kích thước 1.500mx30m, kết cấu bê tông nhựa, đảm bảo khai thác máy bay ATR72 và tương đương.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính
Về Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực thành phố Hồ Chí Minh, hình thành 30 cảng hàng không bao gồm:
14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc; 16 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa (sân bay Thành Sơn và sân bay Biên Hòa được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng); tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 640/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2011 tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
Hình thành 33 cảng hàng không, bao gồm:
- 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc;
- 19 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hòa, Thành Sơn và Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội.
Về hệ thống bảo đảm hoạt động bay, đầu tư, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay tại tất cả các cảng hàng không đáp ứng yêu cầu bảo đảm hoạt động bay an toàn với tầm nhìn dài hạn, hiệu quả gắn với nhiệm vụ tham gia đảm bảo an ninh, chủ quyền vùng trời và tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn của ICAO.
Khánh Vy