Đây là phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã sáng 31/7…
Theo đó, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội có quận Hoàn Kiếm và 176 xã thuộc diện phải sáp nhập từ nay đến 2025. Để việc sắp xếp diễn ra thuận lợi, thành phố sẽ tổ chức tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân ủng hộ, sau đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện.
Cùng với đó đó, Hà Nội cũng sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, xây dựng phương án tổng thể và đề án sắp xếp đáp ứng yêu cầu, phải phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn tại địa phương, nhất là yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa…
Được biết, quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội, gồm 18 phường, rộng 5,29 km2 và có khoảng 156.000 người. Hoàn Kiếm là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội, giáp các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và sông Hồng. Như vậy, đối chiếu quy định sáp nhập, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.
Hiện nay, quận Hoàn Kiếm là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô, có 190 di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, gắn liền với lịch sử hàng nghìn năm xây dựng và gìn giữ Thăng Long - Hà Nội.
Giai đoạn 2019-2021, thành phố Hà Nội đã sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 xã và 6 phường. Hiện thành phố có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã) và 579 đơn vị hành chính cấp xã (383 xã, 175 phường, 21 thị trấn).
Sau khi sắp xếp, ông Thanh cho biết đã bố trí lại số lượng cán bộ, công chức dôi dư đảm bảo đúng theo quy định. "Chế độ chính sách đối với số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư được thực hiện kịp thời và có chính sách hỗ trợ thêm, từ đó đã tạo được đồng thuận cao", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu rõ.
Chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng quá trình sắp xếp phải chủ động xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; quan tâm chế độ, chính sách đặc thù trong quá trình thực hiện sắp xếp…
Đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, ví dụ thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM. Đơn vị hành chính cấp xã gồm xã, phường, thị trấn.