Ngân hàng Heartland Tri-State của bang Kansas (Mỹ) đã được Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp quản sau khi mất khả năng thanh toán…
Cuộc khủng hoảng xung quanh hệ thống ngân hàng Mỹ lại nóng lên một lần nữa sau khi Ngân hàng Heartland Tri-State bị Văn phòng Ủy viên Ngân hàng Bang Kansas đóng cửa vào ngày 29/7 và hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).
Bên cạnh đó, kể từ ngày 31/7, bốn chi nhánh của Ngân hàng Heartland Tri-State sẽ mở cửa trở lại với tư cách là chi nhánh của Ngân hàng Dream First theo giờ làm việc bình thường, FDIC lưu ý trong một tuyên bố.
Người gửi tiền của Heartland Tri-State sẽ trở thành khách hàng của Dream First, đồng nghĩa với việc các giao dịch rút tiền, gửi tiền và cho vay sẽ được xử lý thông qua Dream First. Khách hàng của Heartland Tri-State Bank được khuyến nghị nên tiếp tục sử dụng địa điểm chi nhánh cũ của họ cho đến khi ngân hàng hoàn tất quá trình chuyển đổi.
Hiện tại, Ngân hàng Heartland Tri-State có tổng tài sản xấp xỉ 139 triệu USD và tổng số tiền gửi là 130 triệu USD tính đến tháng 3. Cùng với tiền gửi, Ngân hàng Dream First đã đồng ý mua tất cả tài sản của ngân hàng có trụ sở tại Elkhart này.
Theo ước tính của FDIC, chi phí cho Quỹ bảo hiểm tiền gửi (DIF) sẽ là 54,2 triệu USD. DIF là một quỹ bảo hiểm do Quốc hội Mỹ thành lập vào năm 1933 và được quản lý bởi FDIC để bảo vệ tiền gửi tại các ngân hàng quốc gia. FDIC cho biết: “So với các lựa chọn thay thế khác, thì việc mua lại của Dream First Bank, Hiệp hội Quốc gia, là giải pháp ít tốn kém nhất cho DIF”.
Ngân hàng Heartland Tri-State là ngân hàng tiếp theo sụp đổ kể từ khi First Republic được J.P. Morgan mua lại vào tháng 5 bất chấp các nỗ lực giải cứu khác. Diễn biến mới này cũng xảy ra sau sự thất bại nghiêm trọng của Ngân hàng Silicon Valley vào hồi tháng 3 đã gây ra những chuỗi ngày khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Mỹ.
Heartland Tri-State bị đóng cửa cũng đánh dấu một tin tức quan trọng thứ hai của ngành ngân hàng trong tuần, theo sau việc PacWest chính thức sáp nhập với Banc of California vào ngày 25/7, với việc cả hai ngân hàng dường như đang tìm cách vực dậy trong bối cảnh hỗn loạn toàn ngành.
Đằng sau những thất bại liên tiếp của các ngân hàng trong thời gian qua được cho là do lãi suất gia tăng ở Mỹ cùng với việc quản lý rủi ro yếu kém từ các tổ chức tài chính. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất quỹ liên bang lên hơn 5,25% vào tháng 7, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2007, trong nỗ lực kiềm chế lạm phát trong nước. Vào tháng 6, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ là 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó vào tháng 6, Đảng Dân chủ và Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ đã giới thiệu một số dự luật trong cái được gọi là “làn sóng đầu tiên” của điều luật quan trọng nhằm giải quyết sự thất bại tại các ngân hàng Mỹ.
“Sự thất bại của Ngân hàng Silicon Valley, Ngân hàng Signature và Ngân hàng First Republic cho thấy rõ rằng đã đến lúc luật pháp cần tăng cường sự an toàn và lành mạnh cho hệ thống ngân hàng cũng như nâng cao trách nhiệm điều hành của ban quản lý. Quốc hội không được phép ngồi yên”, nghị sĩ Đảng Dân chủ Maxine Waters đã phát biểu vào thời điểm tuyên bố dự luật.