Quy định Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức sử dụng lao động: Nhiều bất cập và xung đột

Quy định mới về Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động của Luật Dân chủ ở cơ sở sẽ tạo ra bất cập lớn và xung đột với nhiều luật khác.

Để rõ hơn vấn đề này, Thương gia xin giới thiệu bài phân tích của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw.

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được lấy ý kiến tại Quốc hội và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Một vấn đề được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm hiện nay là quy định mới liên quan đến Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động.

aria-grand-700x300px.jpg

Vì vậy, tổ chức Công đoàn phải phát huy hiệu quả việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp trong hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, không thể phát sinh thêm 1 tổ chức mới là Ban Thanh tra nhân dân hoạt động chồng chéo nữa, gây tốn chi phí, tốn nhân lực cho Công đoàn và doanh nghiệp, gây khó khăn cho vận hành của chủ doanh nghiệp khi phải đối ứng với nhiều ban, nhiều tổ chức.

Tiếp nữa là, nếu công khai hết thì thông tin kinh doanh công ty sẽ bị lộ, mỗi công ty có cách thức kinh doanh riêng, có những chiến lược riêng, tình hình sản xuất, bí mật kinh doanh hoạt động khác nhau. Công khai hết thang lương, bảng lương cho toàn thể người lao động trong công ty là không chính đáng.

Việc cung cấp và công khai hết toàn bộ thông tin của doanh nghiệp đặc biệt là những thông tin bí mật trong quản trị doanh nghiệp (tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình hoạt động, thang lương, bảng lương...) cho toàn thể người lao động, Công đoàn, Ban Thanh tra nhân dân là không phù hợp, không chính đáng, đi ngược lại với quyền tự chủ của doanh nghiệp theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ.

Quy định mới liên quan đến Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động sẽ gây ra nhiều bất cập và xung đột Quy định mới liên quan đến Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động sẽ gây ra nhiều bất cập và xung đột

Đặc biệt, doanh nghiệp đã vận hành và tuân thủ theo rất nhiều quy định pháp luật (Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thuế, Hải quan, Môi trường, Luật Sở hữu trí tuệ....). Mặt khác, đã có các đoàn thanh tra để kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, vậy nên doanh nghiệp phải được tự do vận hành, quản trị.

Từ trước đến nay người sử dụng lao động và người lao động thực hiện quyền dân chủ với nhau thông qua tổ chức Công đoàn. Nói cách khác việc thực hiện dân chủ cũng cần có hệ thống và sự kiểm soát chuyên nghiệp đảm bảo hài hoà lợi ích cho cả hai bên.

Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn… quy định khá đầy đủ về các vấn đề này, cùng với đó trong quá trình thực hiện quyền dân chủ trong doanh nghiệp tư nhân khá thuận lợi và không xảy ra những vấn đề vướng mắc lớn.

Việc trao quyền cho người lao động, Ban Thanh tra nhân dân quá nhiều, vượt quá quyền lợi hợp pháp chính đáng, khiến cho người lao động dễ dàng phát sinh ra yêu sách, kết bè phái, gây nhiễu cho chủ doanh nghiệp, bộ máy doanh nghiệp phải tiếp đón, giải thích, giải trình... gây sự xáo trộn, náo loạn, thậm chí nếu chủ doanh nghiệp không đồng ý thì có thể gây ra đình công, gây bất ổn định cho doanh nghiệp và xã hội. Theo đó, sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp nói riêng và tình hình phát triển kinh tế của cả nước nói chung.

Hiện nay, các tiêu chuẩn và quy định về quan hệ lao động ở nước ta cơ bản đã đạt chuẩn mực quốc tế theo các Công ước quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta đã ký kết.

Vì vậy, việc đưa thêm thiết chế dân chủ vào doanh nghiệp như dự kiến tại Dự thảo Luật có thể dẫn tới chồng chéo lên nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện người lao động và các đoàn thể chính trị- xã hội khác trong doanh nghiệp.

Cùng đó, từ góc độ hội nhập kinh tế quốc tế, trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút FDI như hiện nay, việc yêu cầu thiết lập thêm một thiết chế của người lao động trong doanh nghiệp, có quyền làm chủ và can thiệp ở các mức độ khác nhau vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, chắc chắn sẽ khiến các nhà đầu tư tiềm năng phải thận trọng hơn khi quyết định đưa vốn vào Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Chủ tịch Công ty Luật SBLaw