Siêu bão Yagi gió giật cấp 16 trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng

Vị trí tâm bão số 3 (siêu bão Yagi) vào lúc 11h ngày 7/9 đã nằm trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng, bão vẫn đang áp sát khu vực đất liền với tốc độ khoảng 15-20km/h…

Theo tin nhanh về cơn bão số 3 do Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cập nhật, hiện sức gió mạnh nhất của bão ở cấp 13 (134-149km/h), giật cấp 16.

Hiện khu vực thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3. Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, trong 6 giờ qua (từ 4h đến 10h ngày 7/9), khu vực thành phố Hải Phòng đã có mưa vừa, có nơi mưa to như: Cát Bà 80,8mm, Hòn Dấu 39mm,… Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc thành phố Hải Phòng đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

bão 2.png
Người dân gia cố thuyền bè tại khu vực biển xảy ra bão

Cảnh báo trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại thành phố Hải Phòng, đặc biệt tại các huyện: Cát Hải, Kiến An, Đồ Sơn.

Cập nhật diễn biến của siêu bão Yagi trên vùng biển Quảng Ninh, từ đêm 6/9 đến sáng sớm 7/9, bão số 3 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h. Sức gió mạnh nhất cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17.

Thời điểm 10h30 ngày 7/9, trên địa bàn thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh có mưa to, gió to, tốc độ gió từ 85-117km/h, cấp 8,9 có nơi cấp 10, 11.

Tại hiện huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đến 9h20 ngày 7/9, do bão số 3 áp sát đất liền nên lượng mưa và cấp độ gió trên địa bàn huyện Vân Đồn đã tăng cấp và lượng so với hồi 7h (cấp 9-10), giật cấp 11, 12 trên đất liền và đang có xu hướng tiếp tục tăng cấp. UBND huyện Vân Đồn khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà, phương tiện giao thông hạn chế đi lại trên đường để tránh bị ảnh hưởng do bão số 3 gây ra; tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống bão do ngành chức năng, chính quyền địa phương đã khuyến cáo.

bão4.png
Mưa lớn và gió giật mạnh khiến cột điện, cây cối đổ rạp tại thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, để đảm bảo an toàn cho nhân dân, ngay trong sáng nay, 7/9, Công an Vân Đồn phối hợp Công an Cẩm Phả tổ chức chốt rào chắn không cho xe máy qua cầu Vân Đồn.

Vào lúc 9h, tại huyện đảo Cô Tô, bão đã gây mưa và gió rất to. Gió cao nhất đạt từ 46,2m/s đến 50,9m/s, tương đương 167-183km/giờ, là cấp 15. Hiện nay gió tiếp tục đang mạnh lên rất nhanh. Theo thông tin ghi nhận ban đầu, toàn huyện có rất nhiều cây xanh ven đường và nhiều cây ăn quả bị nghiêng, gãy đổ; có nhiều mái tôn bị tốc bay khỏi vị trí ban đầu; có 4 tàu xi măng trong khu âu cảng đang bị đắm.

Trước đó, trong đêm ngày 6/9 rạng sáng 7/9, huyện Cô Tô đã di chuyển gần 800 người dân vào khu vực tránh trú an toàn.

Cảnh báo, do ảnh hưởng của bão, mưa lớn có thể gây ra lũ quét, sạt lở đất, tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế-xã hội.

Công tác dự báo phải theo sát diễn biến, cập nhật liên tục, nhất là từng thời điểm khi hoàn lưu bão vào, bão đổ bộ, hoàn lưu sau bão, để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành nhanh chóng, kịp thời, để người dân nắm được tình hình để chủ động phòng tránh theo hướng dẫn của lực lượng chức năng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo

Sáng 7/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đến Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia kiểm tra tình hình diễn biến bão số 3 đang tiến vào các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, thành phố Hải Phòng. Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Khí tượng thủy văn thông tin ngắn gọn, chính xác và đánh giá tình hình hiện nay khi cơn bão này chính thức đổ bộ; dự báo thời điểm tác động trực tiếp đến các vùng ven biển và đất liền (từ 11h tới 17h, ngày 7/9); đưa ra các khuyến cáo, dự báo tình huống cụ thể ở các địa phương và vùng đất liền, từ đó đưa ra phương hướng xử lý khẩn trương, kịp thời.

Phó Thủ tướng đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn theo dõi sát sao công tác dự báo tình hình, mức độ vượt lên so với dự báo để đưa thông tin chính xác nhất có thể tại các vùng ven biển, vùng đất liền.