Thực tế khi đã thiếu thuốc và trang thiết bị, đã có tình trạng rất nhiều bệnh nhân đến bệnh viện phải tự đi mua thuốc, phải tự đi chụp chiếu ở các cơ sở tư nhân, phải tự đi mua vật tư y tế...
Dù nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng thuốc chữa bệnh vẫn thiếu, khiến sức khỏe và tính mạng của người dân đối diện với nhiều nguy cơ, đòi hỏi cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ.
Nóng từ chuyện thuốc hiếm
Mới đây, tại TP.HCM liên tục xuất hiện tình trạng ngộ độc botulinum sau khi ăn bánh mì kẹp chả lụa từ người bán dạo. Trước đó, tháng 3/2022, cũng xuất hiện 3 chùm ca bệnh với 10 người bị ngộ độc botulinum sau khi ăn cá chép ủ muối chua tại Quảng Nam.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chính là do người bệnh nhiễm độc tố từ vi khuẩn Clostridium botulinum có trong các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, trong nước không có thuốc điều trị ngộ độc botulinum. Phải sau 10 ngày khi ca bệnh đầu tiên phát hiện tại TP.HCM, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới viện trợ khẩn cấp 6 lọ thuốc BAT điều trị cho Việt Nam.
Hệ quả, bệnh nhân 45 tuổi đã tử vong trước khi được sử dụng thuốc. Còn hai bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy không thể sử dụng do đã qua "thời gian vàng" sử dụng thuốc giải.
Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy còn hai lọ thuốc BAT và đã chuyển cho Bệnh viện Nhi đồng 2 để kịp thời cứu sống ba bệnh nhi ngộ độc botulinum. Đây cũng là hai lọ thuốc cuối cùng trong 10 lọ thuốc được WHO viện trợ từ năm 2020.
Theo ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, việc dự trữ thuốc hiếm, thuốc giải độc là vấn đề cấp bách cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
Thực tế, Việt Nam cần có kho dự trữ thuốc hiếm quốc gia. Để cơ chế được bền vững, thì thuốc cần được bảo hiểm y tế chi trả. Đến nay, đề xuất này vẫn chưa được thực hiện.
Vấn đề thuốc hiếm, thuốc giải độc cũng đang "nóng" tại tranh luận tại nghị trường Quốc hội. Và ý kiến chung là đang vướng mắc cơ chế, như nhiều điều khoản của Luật Đấu thầu gây hạn chế cho nhập khẩu thuốc.
Đại biểu Lã Thanh Tân đoàn Hải Phòng khẳng định các quy định về đấu thầu mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế hiện còn bất cập.
Còn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đoàn Hà Nội đặt câu hỏi: “Nếu bỏ quy định đầu thầu tập trung thuốc hiếm thì lấy đâu ra thuốc chữa cho bệnh nhân, nhất là với những bệnh hiếm, bệnh nhân ở xa”.
Tại nhiều bệnh viện tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế cũng đang xảy ra ở các bệnh viện lớn. Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao thì hầu hết lãnh đạo các bệnh viện đều ngại lên tiếng vì sợ sai trong câu chuyện hệ thống.
Quảng cáo
Việc thiếu thuốc này không chỉ diễn ra vào thời điểm hiện tại, mà trước đây cũng đã xuất hiện tình trạng này. Đặc biệt, giai đoạn đầu năm 2023, hàng loạt bệnh viện đều lên tiếng vì không còn thuốc sử dụng, khiến Chính phủ phải có các biện pháp khẩn cấp để mua thuốc. Ví dụ như bỏ quy định yêu cầu giá gói thầu năm sau phải thấp hơn năm trước và cho phép đấu thầu trong trường hợp chỉ có 1 nhà cung cấp.
Vấn đề thiếu thuốc đã được đề cập rất nhiều lần, và được cho là vướng mắc trong công tác đầu tư, đấu thầu. Tuy Chính phủ đã có những biện pháp tháo gỡ, tuy nhiên đó mới chỉ là những biện pháp tạm thời. Còn về cơ bản, Luật Đấu thầu vẫn còn nhiều bất cập, khiến tình trạng thiếu thuốc vẫn chực chờ.
Đến y tế dự phòng yếu kém
Cũng liên quan đến việc dự trữ thuốc, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đoàn TP.HCM cũng cho rằng cần có trung tâm dự trữ thuốc hiếm cấp quốc gia nhằm ứng phó trong tình huống phát sinh ca ngộ độc.
“Chúng tôi đã đề nghị rất nhiều lần phải thành lập trung tâm dự trữ quốc gia. Sau đó, đưa các loại thuốc, vaccine cần thiết vào danh mục dự trữ quốc gia để chủ động hơn trong các tình huống cấp bách”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.
Một thực tế cho thấy, dù đại dịch đã qua đi, nhưng tình trạng thiếu thuốc, thiếu vaccine tại các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn đang diễn ra. “Bao giờ tình trạng này mới được khắc phục?", Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Khánh Phong Lan
Đồng quan điểm, đại biểu Dương Văn Phước đoàn Quảng Nam nhận định tình hình thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất xảy ra phổ biến ở các bệnh viện và hầu hết ở các địa phương đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Với câu chuyện thực tế này, gây khó khăn cho bệnh nhân bắt buộc họ phải ra ngoài tìm mua thuốc theo đơn của bác sĩ. Có nơi do vật tư y tế cạn kiệt phải chuyển viện các bệnh nhân phẫu thuật thông thường sang khu vực khác do thiết bị hư hỏng cũng như không thể sửa chữa.
Đại biểu Trần Khánh Thu đoàn Thái Bình cho rằng, ngành y tế là ngành đặc thù với rất nhiều các danh mục trang thiết bị y tế và danh mục mua sắm thiết bị y tế chuyên dùng khác nhau, do vậy việc xác định các danh mục thực hiện đầu tư công và danh mục mua sắm thường xuyên chưa được rõ ràng. Các quy định về nguồn vốn, kinh phí từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư công và mua sắm thường xuyên cũng chưa được thống nhất.
Theo Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục nhận định:"Thứ nhất, có yếu tố né tránh, sợ không dám làm mặc dù Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị".
"Hai là, bây giờ mời thầu người ta không vào nữa, không có nhà cung cấp vì một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công. Ngoài ra, do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn. Để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, phải truy ra trách nhiệm của người đứng đầu" - Ông Tạ Văn Hạ nêu quan điểm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn mua sắm đảm bảo cung ứng trang thiết bị, sinh phẩm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật giá. Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế…
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau 4 lần điều chỉnh gia hạn thuốc, đến nay đã có hơn 10.500 thuốc được gia hạn. Về nguồn cung thuốc của nước ta, có đến 22.000 mặt hàng. Đến thời điểm này cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
"Về tâm lý sợ mua sắm, sợ đấu thầu thì đây là bài toán cần có những giải pháp tổng thể. Trong đó, với trách nhiệm của ngành thì chúng tôi tiếp tục tham mưu, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến cơ chế mua sắm, đấu thầu", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.