Thu chi ngân sách trong bối cảnh thực thi các FTA (Bài 2): Thực trạng thu - chi và vấn đề an ninh tài chính!

Những năm qua, cân đối thu - chi ngân sách được thực hiện ngày càng tốt hơn do thể chế quản lý dần được hoàn thiện phù hợp với thực tiễn và thông lệ, ngân sách nhà nước (NSNN) được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn...

Tăng thu nhờ cải cách hệ thống luật pháp

Đánh giá về quan điểm này, PGS.TS. Vũ Duy Vĩnh – Học viện Tài chính bày tỏ: Nhờ cải cách hệ thống luật pháp về thuế như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu… cùng các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này đã góp phần tăng nguồn thu cho NSNN, góp phần đảm bảo duy trì cân đối NSNN, góp phần tăng trưởng kinh tế ổn định, hỗ trợ nền kinh tế ứng phó thành công với những tác động bất lợi từ bên ngoài.

Vẫn theo PGS.TS. Vũ Duy Vĩnh, thu ngân sách tăng cao, nhờ đó đã đảm bảo thực hiện đầy đủ nhu cầu chi ngân sách cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh tài chính Quốc gia. Quy mô thu NSNN được cải thiện, tăng từ bình quân 23,6% GDP trong giai đoạn 2011-2015 lên 25,2% GDP trong giai đoạn 2016-2020, trong đó từ thuế, phí, lệ phí tăng từ 20,8% GDP lên 21,7% GDP. Cơ cấu thu NSNN có sự chuyển dịch theo hướng bền vững hơn, tăng tỷ trọng nguồn thu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản (dầu thô) và thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh NSNN.

Xét trong giai đoạn 2017 – 2021, so sánh với tổng thu NSNN thì tỷ trọng thu nội địa đã tăng từ 78,9% năm 2017 lên 82,1% năm 2021; Tỷ trọng thu xuất nhập khẩu (XNK) đã giảm từ 16,6% năm 2017 xuống 14,3% năm 2021, mặc dù số thu XNK tuyệt đối vẫn tăng. Từ năm 2017 đến năm 2019, thu từ XNK có tốc độ tăng bình quân 10,5%/năm. Tuy nhiên, từ năm 2020, một phần do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, một phần do ảnh hưởng bởi các FTA thế hệ mới có tầm ảnh hưởng lớn là CPTPP và EVFTA bắt đầu có hiệu lực, thu từ XNK với tốc độ tăng bình quân/năm chỉ còn 4,25%

Năm 2020, khi cả CPTPP và EVFTA cùng có hiệu lực, thuế quan giảm mạnh theo cam kết, đồng thời tốc độ tăng kim ngạch XNK cũng ở mức thấp nhất trong giai đoạn 2017 -2021 (chỉ tăng có 5,2%) làm cho thu từ XNK giảm tới 18% và gây thâm hụt ngân sách sau một số năm thặng dư ngân sách.

Năm 2021, kim ngạch XNK tăng tới 22,9% (cao nhất trong giai đoạn 2017 – 2021), góp phần làm cho thu từ XNK tăng mạnh, lên tới 26,5%. Tuy nhiên, năm 2021, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid – 19 dẫn đến chi ngân sách sách cho công tác phòng dịch rất lớn dẫn đến thâm hụt ngân sách lớn hơn hẳn năm 2020.

aria-grand-700x300px.jpg

Bội chi NSNN được quản lý chặt chẽ, từ mức 6,1% giai đoạn 2011 - 2015 giảm xuống còn trung bình 3,45% GDP trong giai đoạn 2016 - 2020, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (không quá 3,5% GDP). Trong thời gian qua, tỷ trọng chi thường xuyên giảm dần trong chi NSNN. Năm 2017 là 70,7% năm 2019 giảm nhẹ xuống 70,5% và đến năm 2021 giảm mạnh xuống 57,7%. Đó là tín hiệu rất tích cực, PGS.TS. Vũ Duy Vĩnh đánh giá.

Tỷ trọng chi NSNN cho đầu tư phát triển đã tăng dần trong những năm gần đây. Năm 2017 là 21,3%; năm 2019 giảm xuống 18,7%, nhưng từ năm 2020 lại tăng lên và năm 2021 tăng lên mức 25,8%. Giai đoạn 2016 – 2020 kết quả thực hiện tốt hơn giai đoạn 2010 – 2015. Cụ thể là việc áp dụng các kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm cuốn chiếu đã góp phần quản lý phân bổ nguồn lực trong phạm vi khả năng của nền kinh tế, gắn với các mục tiêu kinh tế - xã hội trung hạn, thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại chi ngân sách, chi đầu tư công, cải thiện tính dự báo, tạo sự chủ động cho các đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách; Đẩy mạnh việc quản lý, sử dụng kinh phí NSNN theo phương thức khoán, đấu thầu, đặt hàng; Tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ khuyến khích sử dụng nguồn lực phù hợp với đặc thù của các ngành, các cấp, đơn vị.

Từ năm 2020, đại dịch Covid – 19 bùng phát dữ dội nên chi cho công tác phòng dịch và điều trị rất lớn, đặc biệt là năm 2021 làm cho mục chi khác tăng mạnh cả về số tuyệt đối và số tương đối.

Thu chi ngân sách trong bối cảnh thực thi các FTA Bài 2 : Thực trạng thu - chi và vấn đề an ninh tài chính! 2 Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng giảm gây ảnh hưởng nhất định đến an ninh tài chính của Việt Nam

Cân đối NSNN với vấn đề an ninh tài chính

Bình luận về vấn đề này, PGS.TS. Vũ Duy Vĩnh bày tỏ: Thể chế quản lý cân đối ngân sách, bội chi dần được hoàn thiện phù hợp với thực tiễn và thông lệ; NSNN được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên; quy định bội chi NSNN gồm bội chi ngân sách Trung ương (NSTW) và bội chi ngân sách địa phương (NSĐP), không bao gồm chi trả nợ gốc; vay bù đắp bội chi NSNN chỉ cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; quy định các giới hạn dư nợ vay của NSĐP gắn với thu NSĐP được hưởng theo phân cấp, với khả năng trả nợ của địa phương...

Bội chi NSNN giảm mạnh đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững. Quy mô nợ công giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP vào cuối năm 2020, các chỉ tiêu dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn.

Mặc dù trong những năm qua Việt Nam thực hiện tương đối tốt cân đối thu chi ngân sách nhưng những năm sắp tới cân đối thu chi ngân sách gặp nhiều khó khăn, thách thức sẽ gây sức ép đến anh ninh tài chính quốc gia của Việt nam. Cụ thể là khả năng tăng thu ngân sách không còn nhiều trong khi nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, chi phòng dịch rất lớn, gây áp lực lên cân đối thu chi ngân sách.

Rất khó trong việc hài hòa giữa việc cơ cấu lại thu ngân sách, điều chỉnh mức động viên ngân sách và yêu cầu chi ngân sách. Cơ cấu thu nội địa chưa thực sự bền vững, tốc độ tăng thu nội địa có xu hướng chậm lại, nguồn thu từ các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN so với nguồn thu từ các doanh nghiệp FDI hoặc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Hai FTA thế hệ mới có tầm ảnh hưởng lớn là CPTPP (có hiệu lực từ đầu năm 2019) và EVFTA (có hiệu lực từ tháng 8/2021) làm cho nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng giảm gây ảnh hưởng nhất định đến an ninh tài chính của Việt Nam, PGS.TS. Vũ Duy Vĩnh bày tỏ quan ngại.