Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, từ giữa năm 2022 dịch bệnh đã từng bước bị đẩy lùi cũng là lúc Việt Nam phải thực hiện nhiều hơn các nghĩa vụ theo lộ trình thực thi các FTA gây áp lực lớn đối với an ninh tài chính quốc gia.
Đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu!
Bàn về những giải pháp để tăng thu ngân sách, PGS.TS. Vũ Duy Vĩnh – Học viện Tài chính cho rằng: Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhiều doanh nghiệp khó khăn thậm chí bị phá sản làm nguồn thu ngân sách bị giảm mạnh đe dọa đến anh ninh tài chính quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh đã bị đẩy lùi, đây là thời điểm phát thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Thực tế cho thấy từ tháng 3, tháng 4/2022 hoạt động sản xuất – kinh doanh đã có dấu hiệu phục hồi tương đối tốt. Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần có giải pháp đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động sản xuất – kinh doanh. Chỉ có hoạt động sản xuất – kinh doanh phát triển thì các doanh nghiệp mới có doanh thu, lợi nhuận lớn để có thể thu được nhiều thuế hơn cho ngân sách.
Cũng vì đại dịch nên rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, khó có điều kiện phát triển. Nếu Chính phủ chỉ lo tận thu thuế để tăng thu cho ngân sách trong trước mắt thì cũng không thu được nhiều mà lại làm doanh nghiệp ngày càng kiệt quệ, không phát triển được. Giải pháp là Chính phủ và các các bộ ngành, địa phương cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trên nhiều phương diện. Đó là khoan thư sức dân, có thể là giãn thuế, giảm thuế cho các doanh nghiệp…
Theo PGS.TS. Vũ Duy Vĩnh – Học viện Tài chính, thực tế có nhiều tập đoàn công nghệ quốc tế lớn Facebook, Google, YouTube, Amazon, Apple… phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỉ USD, nhưng vẫn chưa đóng thuế hoặc đóng thuế rất ít. Điều này không công bằng khi các doanh nghiệp khác vẫn phải đóng thuế đầy đủ. Hơn thế nữa tình hình này gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, trong khi nhu cầu chi ngân sách Nhà nước là rất lớn, càng đe dọa đến an ninh tài chính quốc gia của Việt Nam.
Gần đây, Tổng cục Thuế đã có giải pháp để thu thuế đối với những doanh nghiệp này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đối với những tập đoàn không có văn phòng tại Việt Nam. Vấn đề này cần tiếp tục hoàn thiện để tránh thất thu thuế quá lớn.
Bên cạnh đó thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh online trên mạng có doanh thu rất lớn nhưng chưa đóng thuế hoặc đóng rất ít thuế do hình thức kinh doanh này còn mới, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về nộp thuế đối với hình thức kinh doanh này nên người nộp thuế và người thu thuế còn lung túng, khó thực hiện. Cơ quan Thuế cùng với cơ quan quản lý Thương mại cần tiếp tục phối hợp để có biện pháp phù hợp vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế vừa tránh thất thu thuế.
Chính vì vậy, PGS.TS. Vũ Duy Vĩnh – Học viện Tài chính kiến nghị Nhà nước cần nghiên cứu bổ sung các sắc thuế mới phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện đất nước trong giai đoạn mới.
PGS.TS. Vũ Duy Vĩnh – Học viện Tài chính giải thích, Việt Nam là nước phát triển theo hướng kinh tế thị trường chậm hơn nhiều nước khác. Các nước đi trước có nền kinh tế thị trường tương đối phát triển đã áp dụng một số sắc thuế phù hợp với trình độ của họ và có tác động tốt (ví dụ: thuế tài sản...). Trong thời gian trước đây do trình độ phát triển của đất nước và trình độ nhận thức của người dân Việt Nam chưa cao nên chưa áp dụng một số sắc thuế như thuế tài sản.
Tuy nhiên, đến nay tình hình đã khác nhiều, đã đến lúc Việt Nam áp dụng thuế tài sản để hạn chế tình tình trạng đầu cơ thổi giá đất, đồng thời cũng là nguồn thu đáng kể cho ngân sách sẽ góp phần cân đối thu chi ngân sách, bảo đảm an ninh tài chính của Việt Nam trong những năm sắp tới.
Cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát để tránh thất thoát, lãng phí, tham ô
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát để tránh thất thoát, lãng phí, tham ô!
Vẫn theo PGS.TS. Vũ Duy Vĩnh – Học viện Tài chính, vấn đề mấu chốt để cân bằng thu chi ngân sách là tăng cường quản lý chi ngân sách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng vốn. Cụ thể, chi ngân sách phải đảm bảo tập trung ưu tiên cho chất lượng, tính bền vững của đầu tư, hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải. Bố trí phân bổ ngân sách hợp lý, hiệu quả giữa các vùng kinh tế trên cơ sở phát huy triệt để lợi thế của từng vùng và sức mạnh tổng hợp trong sự liên kết giữa các vùng; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế đối với miền núi, đảm bảo kết nối thông suốt, thuận tiện và nhanh chóng giữa các vùng miền, nhất là vùng sâu, vùng xa với vùng đồng bằng, thành phố.
Song song đó, trong giai đoạn tới cần tăng cường chi tiêu công cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; Chú trọng tăng chi y tế cộng đồng, giảm tỷ trọng chi khám chữa bệnh từ NSNN; cần đặc biệt chú trọng y tế cộng đồng và y tế dự phòng, xây dựng và kiên cố hóa hệ thống trường lớp và nâng cấp hệ thống bệnh viện, trạm y tế cơ sở, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đảm bảo chi ngân sách cho công tác phòng dịch để kiểm soát tốt dịch bệnh thì mới có thể phục hồi SX-KD sau đại dịch Covid-19; Đảm bảo mức chi ngân sách cho sự nghiệp giáo dục đào tạo hàng năm bình quân là 25% cho giai đoạn 2022 - 2025 và nững năm tiếp theo. Cần tăng mức đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục phổ thông, giảm chi cho sự nghiệp đào tạo thay vào đó là xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội. Tăng cường chi và tích cực quản lý hiệu quả chi ngân sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề, tạo cơ sở cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển bền vững; Đảm bảo nhu cầu chi quốc phòng, an ninh, xoá đói giảm nghèo, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, đưa mục tiêu phát triển xã hội ngang tầm phát triển kinh tế, đảm bảo tăng trưởng và phát triển toàn diện, bền vững. Chú trọng đúng mức tới chi bảo vệ môi trường, bố trí đủ nguồn để chi trả đầy đủ các khoản nợ trong và ngoài nước khi đến hạn. Tăng cường dự trữ tài chính và dự trữ quốc gia để chủ động đối phó thiên tai và thực thi những nhiệm vụ quan trọng đột xuất phát sinh, giảm tác động tiêu cực từ biến động của nền kinh tế thế giới.
Chi ngân sách là hoạt động dễ xảy ra thất thoát, lãng phí và tham ô tiền, tài sản của Nhà nước, của xã hội. Ngay trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua, lợi dụng tính cấp bách của công tác phòng dịch nhằm đảm bảo kịp thời cứu chữa người bệnh và ngăn chặn dịch lây lan thì một số cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi trục lợi, tham nhũng số tiền lớn của ngân sách, do đó chúng ta cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát để tránh thất thoát, lãng phí, tham ô.
Do đó bên cạnh việc động viên các nguồn thu, tránh bỏ sót các nguồn thu; sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các khoản chi ngân sách thì công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện kịp thời, ngăn chặn những hành vi lãng phí, tiêu cực, thu hồi tiền tham ô, tham nhũng cũng rất quan trọng nhằm có nguồn thu lớn bảo đảm cho các nhu cầu chi ngân sách, tức là bảo đảm cân đối ngân sách, từ đó góp phần đảm bảo an ninh tài chính cho quốc gia.