Vẫn tràn lan tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

Tình trạng khai thác cát trái phép vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản và tiền thuế của ngân sách Nhà nước...
Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép xảy ra liên tiếp. Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, cơ quan quản lý đã liên tục xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Dù phía Nhà nước xử phạt, có tính chất răn đe, nhưng thực trạng này vẫn xảy ra nhiều nơi, trên phạm vi cả nước.

LIÊN TỤC XẢY RA CÁC VI PHẠM

Rạng sáng ngày 19/11, Công an thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra, bắt giữ 2 phương tiện thủy đang khai thác cát trái phép trên sông Hồng, thuộc địa phận phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện phương tiện thủy không gắn số đăng ký, có gắn số VR-15037781, trên phương tiện có 5 người. Phương tiện có lắp đặt thiết bị bơm, hút cát đang thực hiện hút cát từ lòng sông Hồng bơm sang khoang chở hàng của phương tiện thủy chở hàng gắn số đăng ký VP-2979 đang neo đậu kế bên. Kiểm tra phương tiện thủy chở hàng gắn số đăng ký VP-2979 phát hiện có 3 người. Trên khoang chứa hàng có khoảng 240m3 cát.

Qua làm việc, cả 8 người có mặt trên 2 phương tiện đều không xuất trình được giấy tờ liên quan đến phương tiện, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng có quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư phát triển Thống Nhất, tại tầng 3, chung cư Cát Tường New, đường Lý Thái Tổ, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh 120 triệu đồng do khai thác khoáng sản trái phép.

31-1620688716-dalat-ai-tiep-tay-nan-khai-thac-khoang-san-trai-phep-o-ta-nung-1.jpg
Cơ quan quản lý xử lý nhiều vụ vi phạm

Cụ thể, Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư phát triển Thống Nhất đã có hành vi không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có khoáng sản khai thác đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác được sử dụng cho xây dựng công trình đó.

Với hành vi nêu trên, Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư phát triển Thống Nhất do ông Phạm Tiến Dũng làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật bị UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt hành chính với tổng số tiền 120 triệu đồng.

Thậm chí, có những cá nhân đã bị khởi tố. Theo đó, giữa tháng 11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Vũ Đình Kiên, Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Nam, về tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Quảng Ninh đã làm rõ hành vi vi phạm quy định về khai thác tài nguyên của Công ty Cổ phần Thiên Nam trong việc lợi dụng việc thực hiện dự án thu hồi, chế biến đá cát tập kết tại các vị trí đầu tầng bãi thải mỏ tại khu vực phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh để khai thác đất đá thải mỏ không được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Hoạt động này đã gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn nguồn tài nguyên khoáng sản và tiền thuế cho ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, từ tháng 7/2023 – 31/1/2024, Vũ Đình Kiên là người trực tiếp chỉ đạo, điều hành công nhân và bố trí máy móc, thiết bị, phương tiện để khai thác trái phép trên 582.000m3 đất đá thải mỏ tại khu vực phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả, trị giá khoáng sản khai thác trái phép là 29,8 tỷ đồng.

Còn tại tỉnh Tiền Giang, qua 1 năm thực hiện “Đề án phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản (đất, cát, sỏi,…) trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh”, tỉnh này đã tiếp nhận 80 thông tin phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép.

Công an tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận khởi tố 10 vụ/10 bị can, về tội danh "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên". Tổ chức 1.160 lượt kiểm tra, đã phát hiện 300 vụ việc vi phạm với 417 đối tượng vi phạm, với số tiền xử phạt được trên 10,7 tỷ đồng, số lượng cát tịch thu trên 17.160m3.

Trong đó, 56 vụ việc khai thác cát trái phép, với 119 đối tượng vi phạm, xử phạt trên 8 tỷ đồng, tịch thu khoảng 336m3 cát, 1 phương tiện vi phạm; 228 vụ việc vận chuyển cát không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, với 282 đối tượng vi phạm, xử phạt trên 2,6 tỷ đồng, tịch thu khoảng 17.160m3 cát; 16 trường hợp phương tiện vi phạm không đăng ký, đăng kiểm, với 16 đối tượng, xử phạt trên 48,5 triệu đồng.

CÓ SỰ MÓC NỐI VỚI CÁN BỘ

Chia sẻ với báo chí, Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cho biết, thời gian qua, tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh trái phép khoáng sản diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương như Cao Bằng, Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Gia Lai, Lâm Đồng, TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang....

Các đối tượng lợi dụng tình hình khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung vật liệu phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia để khai thác trái phép khoáng sản (cát, sỏi, đất, đá...) làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp.

Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường thường xuyên nắm tình hình, báo cáo lãnh đạo Bộ và chỉ đạo các đơn vị, địa phương đấu tranh với vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp tại các dự án trọng điểm quốc gia; phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản.

Đồng thời, trực tiếp, chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương tổ chức đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đã áp dụng các biện pháp công tác công an để xác định tập trung với các đối tượng nghi vấn “cầm đầu”, “bảo kê” hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, cát, sỏi hoạt động khai thác diễn biến phức tạp, các phương tiện tự chế, hoán cải vi phạm lòng sông và bến bãi vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn, các tụ điểm có hoạt động vi phạm trong tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng...

Trung tướng Trần Minh Lệ cho hay, kết quả trong quý 1/2024, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện 2.083 vụ vi phạm (tương đương cùng kỳ năm 2023).

z52855876011094a73e66c1ce59dcac-1711431020467-1711435582754-17114355828541623340157.jpg
Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường

Thông tin rõ hơn, về những hành vi khai thác khoáng sản trái phép Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tham gia điều tra, khởi tố một loạt vụ án lớn, liên quan khai thác khoáng sản như: cát, than, đất hiếm...

Điển hình, ở lĩnh vực khai thác cát, vật liệu xây dựng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trong quý 1/2024 đã khởi tố 19 bị can trong vụ án khai thác cát trái phép ở An Giang.

Quá trình điều tra hành vi khai thác cát trái phép đã làm rõ hành vi lợi dụng việc cấp phép để khai thác vượt quy định 3,2 triệu m3, không đưa vào mua bán theo giấy phép mà tuồn ra bán ngoài thị trường, bước đầu xác định thu lời bất chính 253 tỷ đồng.

“Đặc biệt, trong vụ án có sự móc ngoặc của các đối tượng với các cán bộ Nhà nước, có sự dung túng, bảo kê, chúng tôi đã xử lý đến Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở. Sau khi xử lý các vụ án lớn thì thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép mang tính quy mô, khối lượng lớn có giảm, hiện chỉ còn những vụ việc quy mô nhỏ lẻ, chụp giật”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành thông tin.

Tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng khu vực giáp ranh, địa hình phức tạp (dễ lẩn trốn) giữa các địa phương, từ cuối năm 2023 đến nay, tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông vẫn diễn ra cục bộ ở nhiều nơi, gây thất thoát khối lượng không nhỏ tài nguyên khoáng sản của quốc gia.

Để ngăn chặn tình trạng trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cơ quan này đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp trong quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản tại khu vực giáp ranh địa giới hành chính; cương quyết xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động khai thác cát trái phép kéo dài, gây bức xúc dư luận.

Ngoài ra, do cát sỏi lòng sông, lòng hồ, biển có những đặc thù riêng, việc khai thác có tác động nhất định đến lòng bờ bãi sông, nên tại dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Chính phủ đã bổ sung quy định phân loại khoáng sản theo nhóm.

Tin liên quan