Chứng khoán ngày 28/3, thị trường tiếp tục có diễn biến khá tích cực trước những thông tin từ các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán. VN-Index đầu phiên tạo khoảng trống tăng giá lên gần vùng 1.295 điểm tương ứng đỉnh giá tháng 8/2022, chịu áp lực rung lắc nhẹ trong phiên.
Kết phiên VN-Index tăng 7,09 điểm (+0,55%) lên mức 1.290,18 điểm và bắt đầu tiệm cận vùng giá cao nhất tháng 6 và 8/2022 tương ứng 1.295 điểm -1.320 điểm. HNX-Index tăng 1,07 điểm (+0,44%) lên mức 243,92 điểm.
Độ rộng thị trường khá cân bằng, mức độ phân hóa mạnh khi có 241 mã tăng giá (17 mã tăng trần), 240 mã giảm giá (0 mã giảm sàn) và 128 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đạt 27.667,92 tỷ đồng được giao dịch, tăng 9,19% so với phiên trước, trên trung bình. Khối lượng giao dịch của VN-Index tăng 10,60% thể hiện dòng tiền ngắn hạn đang cải thiện, luân chuyển tốt trở lại mặc dù thành viên công ty chứng khoán VNDirect vẫn chưa chính thức kết nối giao dịch.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng mạnh giao dịch trong phiên hôm nay, tiếp tục bán ròng mạnh trên HOSE với giá trị 1.317,43 tỷ đồng. Đây là đang là chuỗi bán ròng đột biến liên tiếp của khối ngoại, mua ròng trên HNX với giá trị 3,99 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có ảnh hưởng tích cực dẫn dắt thị trường tăng điểm tốt trong phiên hôm nay khi TCB (+5,38%) thanh khoản đột biến trước thông tin dự kiến chia cổ tức tỉ lệ 15% tiền và 100% cổ phiếu trong năm nay, STB (+3,56%), ABB (+1,25%), ACB (+1,25%)... ngoài BVB (-0,93%), EIB (-0,54%), TPB (-0,52%)... chịu áp lực giảm điểm.
Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến rất nổi bật, nhiều mã tăng giá mạnh, thu hút lực cầu ngắn hạn với thanh khoản gia tăng mạnh trước thông tin tích cực về hệ thống KRX như AGR (+6,84%), BVS (+5,94%), MBS (+4,41%), CSI (+3,95%), CTS (+3,86%)... ngoài VND (-0,43%) tiếp tục chịu áp lực bán, thanh khoản duy trì ở mức cao khi vẫn chưa thể kết nối giao dịch trở lại bình thường.
Nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng có diễn biến khá nổi bật trong phiên hôm nay, thanh khoản duy trì trên mức trung bình với FRT (+6,73%), MSN (+0,80%), MWG (+0,59%)...
Trong khi đó các cổ phiếu khai thác than sau thời gian tích lũy đã có giao dịch rất đột biến khi hầu hết tăng giá mạnh hết biên độ, thanh khoản kỷ lục như CST (+11,57%), NBC (+10,00%), TC6 (+9,18%), TDN (+7,69%), TVD (+7,09%)...
Nhóm cổ phiếu phân bón, thủy sản, nông nghiệp cũng có diễn biến tăng giá khá nổi bật, thanh khoản gia tăng mạnh với DCM (+1,14%), DPM (+1,12%)... ASM (+4,3%), VHC (+2,99%)... PAN (+4,37%), HAG (+3,19%)...
Trong khi đó các cổ phiếu như dầu khí, xây dựng đầu tư công, bất động sản đa số lại chịu áp lực điều chỉnh, tích lũy với thanh khoản suy giảm so với phiên trước, thể hiện mức độ phân hóa khá mạnh trong thị trường hiện nay khi VN-Index đang gặp vùng kháng cự khá mạnh quanh vùng giá 1.300 điểm.
Thị trường tiếp tục tăng điểm nhưng vẫn chưa có phiên bùng nổ vượt cản 1.300 điểm, VN-Index đã hình thành nền tích lũy tin cậy và sẵn sàng cho nhịp tăng mới, chốt phiên VN-Index tăng 7,09 điểm ( tăng 0,55%) và đóng cửa ở 1.290,18 điểm. Với nền tích lũy hiện tại, khả năng thị trường có thể tiếp tục tăng điểm ngắn hạn và hướng tới ngưỡng cản 1.300 điểm trong các phiên tới.
Về góc nhìn trung hạn VN-Index đang dần tích lũy nền tin cậy dần để sẵn sàng cho nhịp bùng nổ tiếp theo hình thành uptrend, tuy nhiên nếu thời gian tích lũy quanh cản mạnh 1.300 điểm dài hơn thì độ tin cậy của nhịp tăng sẽ cao hơn. Trong kịch bản tiêu cực hơn thị trường sẽ có điều chỉnh và trở lại vận động trong kênh tích lũy 1.150 điểm - 1.250 điểm hoặc 1.300 điểm.
Nhà đầu tư ngắn hạn đã giải ngân nên tiếp tục nắm giữ danh mục và theo dõi diễn biến thị trường. Nhà đầu tư trung, dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục và chờ đợi thêm các diễn biến thị trường tại ngưỡng cản 1.300 điểm.
Ưu tiên cơ cấu tỷ trọng danh mục về ngưỡng an toàn Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Sau nhịp bật tăng mạnh đầu phiên, VN-Index dần chững lại và vận động rung lắc giằng co trong hầu hết phần còn lại của phiên giao dịch. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò nâng đỡ chính cho chỉ số, tạo hiệu ứng rút chân nến và bảo toàn được phần lớn thành quả tăng điểm ngay từ đầu phiên.
Mặc dù vậy, những nỗ lực của nhóm dẫn dắt vẫn chưa thể giúp cho chỉ số đóng cửa trên mốc đỉnh ngắn hạn, cho thấy áp lực từ phe bán vẫn tương đối quyết liệt.
Nhiều khả năng VN-Index tiếp tục vận động rung lắc giằng co trong vùng 1300 (+-10), và rủi ro đảo chiều xu hướng vẫn nên được lưu ý nếu chỉ số xuất hiện những phiên bulltrap mạnh hoặc tăng vượt đỉnh nhưng không đi kèm khối lượng giao dịch tăng tương xứng.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm, ưu tiên cơ cấu tỷ trọng danh mục về ngưỡng an toàn khi chỉ số hoặc cổ phiếu đang nắm giữ vượt đỉnh.
Thị trường sẽ giao dịch trong vùng 1.280 – 1.300 để tìm điểm cân bằng Chứng khoán BIDV (BSC)
Trong những phiên giao dịch tới, thị trường khả năng sẽ giao dịch trong vùng 1.280 – 1.300 để tìm điểm cân bằng.
VN-Index sẽ chịu áp lực lớn nếu cổ phiếu ngân hàng xuất hiện nhịp điều chỉnh Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư hạn chế mua mới tại thời điểm hiện tại, chỉ duy trì tỷ trọng đối với những nhóm ngành đang thu hút dòng tiền tốt như chứng khoán, ngân hàng. Điểm số chung chủ yếu vẫn chịu tác động trực tiếp của 2 nhóm nêu trên và có thể sẽ chịu áp lực lớn nếu cổ phiếu ngân hàng xuất hiện nhịp điều chỉnh sau nhịp tăng tốt vừa qua.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.
Bảo Châu