Trong những phiên giao dịch tới, sau khi tích lũy đủ trong vùng 1.145 – 1.155, thị trường có thể bật tăng trở lại về ngưỡng kháng cự 1.160...
Chứng khoán tuần 9/10 – 13/10, sau 4 tuần liên tiếp giảm điểm mạnh từ vùng giá 1.250 điểm, VN-Index đã có tuần phục hồi tốt ở vùng hỗ trợ giá trung bình MA200 phiên quanh 1.105 điểm. Trong tuần VN-Index có 5 phiên tăng điểm với thanh khoản cải thiện dần.
Kết thúc tuần VN-Index tăng 2,32% so với tuần trước lên mức 1.154,73 điểm với tâm lý ngắn hạn cải thiện tốt hơn. HNX-Index cũng duy trì 5 phiên giao dịch tăng điểm liên tiếp và kết thúc tuần ở mức 239,05 điểm tăng 3,73% so với tuần trước. Thị trường đang kỳ vọng sẽ có tuần tăng điểm thứ 2 sau 4 tuần giảm mạnh.
Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 69.569,45 tỷ đồng, giảm 5% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 9,5%, dưới mức trung bình. Khối lượng giao dịch giảm mạnh hơn thể hiện mức độ phục hồi vẫn kém ở các mã vốn hóa nhỏ. Thanh khoản HNX tăng 7,0% với 9.355,49 tỷ đồng, gia tăng tích cực ở nhóm cổ phiếu dầu khí, khu công nghiệp.
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng bán ròng tuần thứ 6 liên tiếp trên HOSE, giá trị bán ròng tăng với 1.905,96 tỷ đồng; mua ròng khá tốt trên HNX với giá trị 153,08 tỷ đồng.
Trong tuần nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su có diễn biến tích cực, nổi bật so với thị trường chung khi nhiều mã tăng giá tốt, vượt vùng giá đỉnh cũ, thanh khoản gia tăng như IDC (+11,70%), SZC (+9,60%), DPR (+9,06%), DTD (+8,93%), VGC (+5,88%)... ngoài BCM (-4,035), SZN (-0,74%0, D2D (-0,37%)...
Các cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến nổi bật, vượt trội so với thị trường chung khi nhiều mã bắt đầu có những thông tin kết quả kinh doanh tăng trưởng, nhiều mã vượt đỉnh giá năm 2022 như PVD (+10,27%), PVT (+8,51%), PVS (+8,42%)... Các cổ phiếu phân bón, hóa chất cũng có diễn biến tích cực, vượt đỉnh gần nhất, thanh khoản cải thiện tốt như CSV (+8,41%), DGC (+4,53%)... BFC (+7,77%), LAS (+4,51%), DCM (+4,40%), DPM (+4,07%)...
Trong khi đó nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến phục hồi kém hơn so với thị trường, phân hóa mạnh với thanh khoản suy giảm sau 04 tuần liên tiếp giảm điểm mạnh, một số mã phục hồi tăng giá tốt với QCG (+17,17%), LGL (+14,25%), CEO (+12,97%), PDR (+12,77%), NHA (+12,34%), DXG (+9,88%)... ngoài các mã điều chỉnh như D11 (-3,52%), SJS (-1,93%).
Duy trì danh mục cổ phiếu với quan điểm thận trọng
Chứng khoán SHS
Thị trường trong ngắn hạn đang có nhịp hồi kỹ thuật và nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì danh mục cổ phiếu với quan điểm thận trọng bởi nhịp hồi không phải là xu hướng uptrend tiếp diễn nên sẽ có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào.
Trong trung, dài hạn thị trường dù mất xu hướng uptrend nhưng sẽ sớm tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn không cao. Trường hợp cần giải ngân có thể giải ngân trong nhịp điều chỉnh, hướng giải ngân nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cố phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy hiện nay.
Xu hướng giảm điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VN-Index trải qua một nhịp điều chỉnh với biên độ mở rộng trong phiên trước khi dần hồi phục và đảo chiều tăng điểm về cuối phiên. Việc hình thành mẫu nến rút chân trong phiên hôm nay cho thấy bên mua đang có phần chiếm ưu thế và để ngỏ cơ hội mở rộng nhịp hồi phục trong các phiên tiếp theo.
Mặc dù vậy, với xu hướng giảm điểm trong ngắn hạn vẫn đóng vai trò chủ đạo, áp lực rung lắc sẽ ngày càng trở nên rõ nét hơn trong quá trình đi lên với ngưỡng kháng cự đáng lưu ý được đặt quanh 1160 (+-10). Nhà đầu tư được khuyến nghị trải lệnh bán hạ dần tỷ trọng về mức an toàn khi chỉ số thử thách vùng kháng cự đã đề cập.
Thị trường có thể bật tăng về ngưỡng kháng cự 1.160
Chứng khoán BIDV (BSC)
Trong những phiên giao dịch tới, sau khi tích lũy đủ trong vùng 1.145 – 1.155, thị trường có thể bật tăng trở lại về ngưỡng kháng cự 1.160.
Rủi ro giảm điểm vẫn còn hiện hữu
Chứng khoán KIS
Thị trường chứng khoán đóng cửa quanh điểm tham chiếu với thanh khoản được cải thiện, chỉ ra tâm lý của giới đầu tư vẫn khá là thận trọng. Chỉ số VN-Index cho thấy rủi ro giảm điểm vẫn còn hiện hữu. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài quan sát và chờ đợi tín hiệu tiếp theo của thị trường.
Cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Mặc dù có diễn biến thận trọng và giảm khá sâu trong phiên nhưng nhìn chung nguồn cung giá thấp chưa quyết liệt, thể hiện qua thanh khoản trầm lắng khi thị trường lùi bước. Động thái này đã giúp thị trường đảo chiều và trở lại trên ngưỡng 1.150 điểm.
Với nỗ lực tăng điểm này, có khả năng thị trường sẽ tiếp tục nới rộng nhịp hồi phục trong thời gian gần tới. Tuy nhiên diễn biến hồi phục sẽ tiếp tục gặp khó khăn do áp lực cung có thể sẽ gia tăng trở lại khi thị trường tiến đến vùng cản mới, như vùng 1.160 – 1.170 điểm.
Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát và đánh giá cung cầu khi thị trường hồi phục. Tạm thời vẫn cần cân nhắc khả năng hồi phục của thị trường để cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Mở vị thế mua thăm dò ở những mã bứt phá mạnh
Chứng khoán Kiến Thiết (CSI)
Duy trì mạch hồi phục 6 phiên, nhưng thanh khoản là điểm trừ khiến đà bứt phá chưa thể bùng nổ được khi khối lượng giao dịch bình quân tuần qua giảm -9.48% so tuần trước và là tuần thấp nhất so với 4 tuần giảm điểm trước đó. Tuy nhiên, về điểm số là điểm nhấn tích cực khi VN-Index có tuần giao dịch tăng mạnh, chinh phục ngưỡng kháng cự 1.150 điểm với tất cả các nhóm ngành đều tăng.
Hơn nữa VN-Index có phiên kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 1.140 và đảo chiều xanh điểm cho thấy dù thanh khoản chưa xác nhận nhưng xu hướng tích cực đã có tín hiệu quay lại. Trên biểu đồ tuần, VN-Index cũng hình thành mẫu hình nến đảo chiều “Piercing Pattern” cho thấy áp lực bán đã chững lại và khả năng cao thị trường sẽ zích zắc hồi phục.
Vì khối lượng chưa xác nhận nên khả năng cao sự bứt phá tăng điểm là chưa xảy ra, thay vào đó sẽ có xuất hiện những nhịp rung lắc trong các phiên tới. Nhưng CSI ưu tiên mở vị thế mua thăm dò ở những mã bứt phá mạnh hơn thị trường trong lúc thị trường chung có nhịp chỉnh nhẹ trong các phiên tuần tới.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.