Hiện nay, thành phố Hà nội đang có 206 dự án, khoảng 62.000 căn hộ gặp khó khăn liên quan đến xây dựng sai so với thiết kế, tăng số tầng, chia nhỏ căn hộ, xây sai quy hoạch...
Trả lời tại phiên giải trình của Thường trực Hội đồng nhân thành phố Hà Nội về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hà Nội cho biết, đến nay Sở đã tiếp nhận và giải quyết cho toàn bộ các dự án trên địa bàn thành phố liên quan đến cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà với tổng số 777 dự án nhà chung cư.
Trong đó có 571 khu nhà ở và chung cư đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận, chủ đầu tư thực hiện đúng; còn 206 dự án có sai phạm, vướng mắc về quy hoạch hoặc các vi phạm khác như chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Qua tổng hợp 206 dự án (khoảng 62.000 căn hộ) có vướng mắc liên quan đến xây dựng sai so với thiết kế, tăng số tầng, chia nhỏ căn hộ, xây sai quy hoạch; chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính; chuyển nhượng dự án theo hình thức công ty mẹ cho công ty con.
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã thực hiện tháo gỡ và báo cáo UBND thành phố cấp giấy chứng nhận trước 33.000m2 với diện tích căn hộ xây đúng quy hoạch và các nội dung khác; còn các diện tích vi phạm đang xử lý.
“Do còn một số khó khăn, vướng mắc về quy định nên Sở đã báo cáo Thanh tra Chính phủ để xin ý kiến Bộ Chính trị hướng xử lý để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân” ông Nam nói.
Về kiến nghị của cử tri liên quan đến việc phân loại rác thải tại nguồn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, Sở đã bám sát quy định của Luật Bảo vệ môi trường để tham mưu cho thành phố về lĩnh vực này, chậm nhất 31/12/2024, Hà Nội sẽ thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn theo đúng quy định Luật Bảo vệ môi trường.
Về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, trong những năm qua, Hà Nội cố gắng không còn chôn lấp rác. Sở đã báo cáo, rà soát, thí điểm mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt với chu trình khép kín trên địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm để làm cơ sở nhân rộng trên toàn thành phố.
Đến nay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã triển khai đồng loạt trên 18/18 phường; quận Ba Đình triển khai trên 3/14 phường, thời gian tới sẽ triển khai tiếp các phường còn lại; quận Đống Đa thí điểm 1 phường, quận Hai Bà Trưng thí điểm 1 phường, quận Nam Từ Liêm thí điểm 2 phường.
Về kiến nghị của cử tri quận Hoàn Kiếm liên quan đến vấn đề thu gom xử lý rác thải, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, thời gian qua quận rất quan tâm đến lĩnh vực này; nhất là rác từ các cơ sở kinh doanh trên địa bàn đều có phương án phân loại, thu gom và được hỗ trợ từ các đơn vị. Thời gian tới, quận vẫn xác định công tác này phải tập trung dài hơi để bảo đảm tốt công tác vệ sinh môi trường.
Ngọc Duy