Đề thi tổ hợp Khoa học xã hội được đánh giá khá "dễ chịu" đối với các thí sinh. Nhiều giáo viên dự đoán, phổ điểm trung bình các môn thành phần có thể sẽ cao.
Sáng ngày 28/6, thí sinh trên cả nước đã hoàn thành bài thi tổ hợp. Bài thi tổ hợp Khoa học xã hội gồm các thành phần: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân. Thời gian làm bài mỗi môn là 50 phút.
Giống như môn Toán, bài thi tổ hợp là bài thi trắc nghiệm có 24 mã đề. Bài thi Khoa học xã hội được đánh số mã đề từ 301 đến 324, bài thi Khoa học tự nhiên được đánh số mã đề từ 201 đến 224.
Nhận xét về đề thi tổ hợp Khoa học xã hội, đối với môn Lịch sử, TS. Hoàng Thị Hồng Nga - Tổ trưởng Tổ Lịch sử, Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá đề thi có cấu trúc tương tự mọi năm, khoảng 32 câu đầu ở mức độ nhận biết thông hiểu, còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.
Đề thi đảm bảo yêu cầu dùng đề đánh giá năng lực của học sinh tốt nghiệp THPT về kiến thức, kỹ năng nhận thức lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam, đồng thời đề đảm bảo yêu cầu phân hóa học sinh, dành cho các trường cần tuyển lựa các em học sinh có tư duy, kỹ năng về môn Lịch sử nói riêng và hướng các ngành xã hội nói chung.
"Tổng quan, đề thi năm nay khó hơn năm ngoái một chút vì các em học sinh phải tiệm cận với một số câu hỏi dài hơn, dẫn dắt phức tạp hơn khi dẫn đoạn trích và đọc hiểu để làm", TS. Hoàng Thị Hồng Nga đánh giá.
Với đề thi này, TS. Hoàng Thị Hồng Nga cho rằng học sinh khá có thể đạt từ 5 - 7 điểm; học sinh giỏi có thể đạt 8 - 9 điểm; học sinh chuyên, học sinh xuất sắc vẫn có thể được 10 điểm. Tuy nhiên, vì đề còn nhiều câu dài, phức tạp nên điểm trung bình môn Sử có thể không cao.
Nhận định về đề thi Địa lý, cô Lê Thị Vinh - Trưởng bộ môn Địa lý, Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp (Hà Nội) cho hay, nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và có 2 câu thuộc phần kĩ năng nằm trong chương trình lớp 11.
Về cấu trúc đề thi, câu hỏi lí thuyết là 21 câu và thực hành là 19 câu, trong đó tỉ lệ câu hỏi nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao tương đương là 75%- 25%. Phần thực hành kĩ năng khá dễ, giống với cấu trúc đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với phần nhận dạng biểu đồ, có sự khác biệt so với năm 2023. Thí sinh phải xác định dạng "biểu đồ thích hợp nhất" chứ không phải "dạng biểu đồ thích hợp". Vì vậy, thí sinh cần nắm chắc các dấu hiệu của từng dạng biểu đồ để nhận dạng và gọi tên chính xác biểu đồ.
Nhìn chung, đề thi môn Địa lý năm nay không có sự thay đổi nhiều so với đề năm 2023 và đềm minh họa năm 2024.
Tương tự, đề thi tốt nghiệp THPT môn Giáo dục công dân năm nay cũng theo đúng cấu trúc của đề minh họa, cô Phạm Thị Luyến - Tổ trưởng tổ Giáo dục công dân, Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP. Hồ Chí Minh) nhận định.
90% kiến thức nằm trong chương trình lớp 12, 10% kiến thức của chương trình lớp 11. Thí sinh nếu nắm chắc bài sẽ được 8 điểm trở lên.
Trong đề thi có một số câu tình huống pháp luật học sinh phải đọc kĩ đề thi, xác định đúng yêu cầu của đề để tránh bị nhầm lẫn đáng tiếc. Những câu khó của đề thường rơi vào bài 2, 4, 6, 7 của lớp 12. Kiến thức lớp 11 chủ yếu là nhận biết và thông hiểu.
Cũng theo cô Phạm Thị Luyến, đề thi năm nay có một số câu hỏi mang tính nhận định đúng, sai. Đó là điểm hơi khác so với đề thi mấy năm trước. Cô Phạm Thị Luyến dự báo điểm thi năm nay không có nhiều biến động so với các năm trước.