Nhìn lại 5 lần Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm Việt Nam

Ngày 19/6, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ chính thức bắt đầu chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Được biết, đây là lần thứ 5 ông Putin tới thăm Việt Nam...

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 19/6/2024 - 20/6/2024.

Chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm hiệp ước về các nguyên tắc quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga, ngay trước thềm hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.

Lễ đón chính thức Tổng thống Putin sẽ diễn ra trang trọng tại Phủ Chủ tịch trong ngày 20/6. Sau đó, ông Putin sẽ có một loạt cuộc gặp quan trọng với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận và định hướng cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030, xác định rõ hơn các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, từ kinh tế, thương mại, quốc phòng an ninh, năng lượng, khoa học công nghệ đến giáo dục, văn hóa ngoại giao nhân dân.

Đồng thời, các mục tiêu dài hạn và kế hoạch hành động cụ thể sẽ được đề ra nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của quan hệ song phương trong tương lai.

Được biết, đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 5 của Tổng thống Vladimir Putin. Chuyến thăm đầu tiên diễn ra từ ngày 28/2/2001 – 2/3/2001. Một năm sau khi ông đảm nhận vai trò lãnh đạo nước Nga, Tổng thống Putin thăm hữu nghị chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Trong chuyến thăm này, Tổng thống Putin và Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Liên bang Nga và một số văn kiện hợp tác song phương.

Trong đó, có các thỏa thuận mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khai thác dầu khí, phối hợp hành động trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và các vấn đề trong lĩnh vực liên ngân hàng.

Lần thứ hai vào 20/11/2006, nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng thống Liên bang Nga đã thăm chính thức Việt Nam sau khi tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 14 được tổ chức tại Hà Nội.

Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận những biện pháp nhằm triển khai các thỏa thuận đạt được, nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế - thương mại, tìm kiếm các hình thức hợp tác mới, đa dạng trong những lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng và truyền thống như dầu khí, năng lượng, cơ khí, luyện kim, giao thông vận tải, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - giáo dục…

Hai nguyên thủ đã ký "Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng thống Liên bang Nga về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí" và chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác. Sau cuộc hội đàm, nhiều thỏa thuận hợp tác về ngân hàng, dầu khí, du lịch giữa hai nước đã được ký kết.

Lần thứ ba vào ngày 12/11/2013 theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Các vấn đề được đưa ra bàn bạc trong chuyến thăm bao gồm thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan; thúc đẩy dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1; xúc tiến thành lập trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân; đẩy mạnh thành lập các liên doanh để khai thác dầu khí tại Nga và Việt Nam... Hai nước cũng nhấn mạnh tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.

Lần thứ tư vào ngày 10/11/2017, ông Putin đến Đà Nẵng để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 cùng các hoạt động khác trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại thành phố này.

Lần này, Tổng thống Putin không thăm chính thức Việt Nam sau Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 như ông đã từng thực hiện sau khi APEC 2006 kết thúc. Nguyên nhân do lịch trình công việc có từ trước, Tổng thống Vladimir Putin phải về nước để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ chính thức với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/11/2017.

Về kinh tế, Việt Nam là nước đầu tiên ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) có Nga là thành viên; là đối tác thương mại lớn nhất của Nga ở khu vực Đông Nam Á.

Nga cũng là một trong 5 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu. Hai nước có những dự án đầu tư sang nhau. Trong đó, có những lĩnh vực quan trọng và là thế mạnh của Nga như năng lượng, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo... cùng nhiều hình thức hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Hợp tác giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ giữa 2 nước tiếp tục được duy trì. Hiện có khoảng 5.000 sinh viên Việt Nam du học ở Nga. Hợp tác văn hoá, thể thao, du lịch được triển khai tích cực với việc tổ chức thường niên và luân phiên Những ngày văn hoá tại mỗi nước.

Về hợp tác địa phương, hai bên có khoảng 20 cặp quan hệ được thiết lập. Cộng đồng người Việt Nam tại Nga có khoảng 60.000 người, có nhiều đóng góp cho đất nước và sở tại, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Hợp tác giao lưu nhân dân không ngừng được tăng cường.

Trước đại dịch Covid-19, khách du lịch Nga tới Việt Nam có số lượng lớn nhất trong số các nước châu Âu. Năm 2023 đã diễn ra Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga, dự kiến năm 2024 sẽ tổ chức Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam.

Về chính trị, Việt Nam và Liên bang Nga chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/1/1950.

Ngày 16/6/1994, hai quốc gia ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ trong giai đoạn phát triển mới. Ngày 1/3/2001, Việt Nam và Liên bang Nga ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược.

Ngày 27/7/2012, hai nước ra Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Ngày 30/11/2021, Việt Nam và Nga ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược đến năm 2030. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước có độ tin cậy chính trị cao và không ngừng được củng cố.

Mới nhất, ngày 26/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm với Tổng thống Putin sau khi ông giành được chiến thắng tại cuộc bầu cử Tổng thống Nga.

Hai bên duy trì nhiều cơ chế phối hợp và đối thoại như đối thoại chiến lược Ngoại giao - Quốc phòng - An ninh thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao, đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng…

Ngoài ra, hai bên cũng tiến hành tham vấn chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao và cấp Cục, Vụ trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.