Tác động của ChatGPT tới giáo dục

ChatGPT là công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) phổ biến được Công ty công nghệ OpenAI phát hành năm 2022, gây tranh cãi trong cộng đồng giáo dục đại học. Một số nhà giáo dục cảnh báo về khả năng chatbot ChatGPT sẽ thay đổi hoàn toàn giới học thuật theo hai hướng tích cực và tiêu cực (gian lận trong học tập, ảnh hưởng đến quá trình phát triển tư duy của người học, giảm tương tác trực tiếp giữa người dạy và người học).

Công cụ hỗ trợ cho giáo dục

Theo Gazeta, ChatGPT là chatbot (một chương trình AI được thiết kế nhằm mô phỏng các cuộc trò chuyện với người dùng thông qua nền tảng internet) ra mắt vào năm 2022 bởi OpenAI - công ty nghiên cứu chuyên sâu về AI và các ứng dụng thực tế của nó, có trụ sở tại San Francisco (Mỹ). ChatGPT là mô hình AI xử lý ngôn ngữ cho phép tạo ra văn bản giống con người, ứng dụng phiên bản GPT3. GPT3 là mô hình Ngôn ngữ lớn (LLM) được huấn luyện dựa trên dữ liệu văn bản khổng lồ - khoảng 500 tỷ, từ 175 tỷ tham số và hơn 570 GB văn bản. Phiên bản ChatGPT miễn phí sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn GPT3.5, được ra mắt vào tháng 10/2021. Phiên bản tiếp theo của mô hình là GPT4 có 100.000 tỷ tham số, điều này đang tiến gần đến số lượng kết nối thần kinh trong não người. OpenAI cho biết, hiện có hơn 100 triệu người dùng ChatGPT trên toàn cầu.

Không giống các chatbot truyền thống, ChatGPT ghi nhớ những gì người dùng đã nói trước đó trong cuộc trò chuyện để trả lời các câu hỏi tiếp theo, từ chối các yêu cầu không phù hợp và các câu trả lời không chính xác. Các mô hình LLM hoạt động bằng cách dự đoán từ tiếp theo có khả năng nhất khi đưa ra danh sách các từ đầu vào (thường được diễn đạt dưới dạng câu hỏi). Mô hình được huấn luyện bằng cách sử dụng nhiều tham số có thể biểu thị mức độ phức tạp. Bằng cách nhập liệu, thuật toán sẽ điều chỉnh lại các tham số cho đến khi nó có thể tạo ra các câu trả lời giống như câu trả lời của con người đối với một loạt câu hỏi.

Sức mạnh của AI đang đặt ra dấu hỏi lớn đối với giáo dục và đánh giá người học. Việc đánh giá ở các trường đại học chủ yếu dựa trên quá trình sinh viên cung cấp sản phẩm học tập để được chấm điểm, thường là một bài luận hoặc bài tập viết. Với các mô hình AI, những sản phẩm này có thể được tạo ra với tiêu chuẩn cao hơn, thời gian ngắn hơn và với rất ít nỗ lực của người học. Nói cách khác, sản phẩm mà sinh viên cung cấp có thể không còn cung cấp bằng chứng xác thực về thành tích của họ đối với kết quả khóa học.

ChatGPT cho phép người dùng trò chuyện với máy móc một cách tự nhiên, được thiết kế để bắt chước cuộc nói chuyện của con người, làm cho nó trở thành một công cụ lý tưởng cho đào tạo. ChatGPT xử lý ngôn ngữ tự nhiên để trả lời người dùng ở dạng hội thoại, có thể hiểu ngữ cảnh và có khả năng học hỏi từ các tương tác, từ đó giúp ChatGPT có khả năng thích ứng cao.

Đối với người dạy, ChatGPT có thể giúp giảng viên tự động thực hiện các công việc nhàm chán, giảm tải áp lực công việc. Giảng viên có thể sử dụng ChatGPT để tạo câu trả lời cho các câu hỏi thường gặp trong một lĩnh vực hoặc chủ đề cụ thể, dễ dàng trả lời các câu hỏi cơ bản của sinh viên. Bên cạnh đó, giảng viên có thể tạo tài liệu giảng dạy sử dụng ChatGPT, từ đó tiết kiệm thời gian và công sức chuẩn bị.

Đối với người học, ChatGPT giúp sinh viên dễ dàng tìm kiếm thông tin và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, chính xác và tăng hiệu quả học tập. Sinh viên cũng có thể tạo ra các câu hỏi và trả lời cho các bài kiểm tra, test kiến thức của mình và chuẩn bị cho các bài đánh giá. Điều này có thể giúp sinh viên tiết kiệm thời gian và công sức; cho phép sinh viên tập trung vào những thông tin quan trọng và phù hợp nhất. Bên cạnh đó, ChatGPT có thể giúp sinh viên tăng cường khả năng tự học, giải quyết vấn đề một cách chủ động.

Đối với cơ sở đào tạo, thời gian thiết lập ChatGPT nhanh và hỗ trợ 24/7 nên có khả năng mở rộng cao, triển khai nhanh chóng. Các trường có thể thiết lập ChatGPT trong vài phút, được sử dụng để giúp đào tạo hàng nghìn học viên cùng lúc trong thời gian thực. Sử dụng ChatGPT trong đào tạo e-Learning giúp tương tác tốt hơn. Thí dụ, các trường có thể sử dụng ChatGPT để trả lời các câu hỏi của học viên về các tài liệu đào tạo cụ thể, cung cấp cho học viên câu trả lời nhanh đối với các câu hỏi phổ biến. ChatGPT có thể sử dụng để theo dõi tiến độ của học viên và cung cấp phản hồi về hiệu suất của họ, giúp người học xác định các lĩnh vực cần phát triển và cải thiện kỹ năng của mình.

Tác động tiêu cực

Theo các chuyên gia Viện Khoa học Carnegie (Mỹ), ChatGPT có thể ảnh hưởng đến giáo dục bằng cách trở thành công cụ hỗ trợ giảng viên và sinh viên trong việc tìm kiếm thông tin, trả lời câu hỏi và hỗ trợ việc học tập. Tuy nhiên, không nên hoàn toàn dựa vào ChatGPT hoặc bất kỳ công cụ hỗ trợ nào mà thiếu việc kiểm tra chất lượng thông tin hoặc xác nhận tính đúng đắn của nó. Như với tất cả các công nghệ AI khác, ChatGPT có thể đưa ra thông tin sai lệch. Điều này có thể dẫn đến việc ChatGPT tạo ra các phản hồi xúc phạm, phân biệt đối xử hoặc có hại cho một số nhóm người

nhất định.

Hệ lụy đầu tiên là vấn đề gian lận trong học tập. Sinh viên các trường đại học có thể sử dụng ChatGPT tạo ra văn bản, viết mã (code) trong lập trình máy tính, viết luận để gian lận trong các bài tập. Trợ lý GS ngành triết học Darren Hick tại Trường đại học Furman (Mỹ) đã bắt quả tang một sinh viên của ông gian lận, khi anh này yêu cầu ChatGPT viết bài luận dài 500 từ dưới dạng bài kiểm tra mang về nhà vào cuối học kỳ mùa thu năm 2022.

Tiếp theo là ảnh hưởng đến quá trình phát triển tư duy của người học. Nếu sinh viên quá phụ thuộc vào ChatGPT, họ có thể mất đi khả năng tự học, tìm kiếm, phân tích và tổng hợp thông tin, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề - vốn rất cần thiết cho sự thành công trong học tập và cuộc sống. Ngoài ra, việc sử dụng ChatGPT có thể tạo ra phương pháp học tập “một câu trả lời phù hợp với tất cả”, trong đó tất cả sinh viên được cung cấp thông tin và phản hồi giống nhau dựa trên đầu ra của mô hình. Điều này có thể hạn chế khả năng sinh viên sáng tạo, phát triển quan điểm và tiếng nói của riêng mình, sinh viên có thể phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ.

ChatGPT và các mô hình ngôn ngữ khác dựa trên các thuật toán phức tạp được huấn luyện trên lượng dữ liệu khổng lồ. Các thuật toán này có thể hiểu và tạo ra ngôn ngữ tự nhiên nhưng chúng thiếu khả năng hiểu ngữ cảnh và sắc thái của một chủ đề, lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn như một sinh viên đang vật lộn với một khái niệm khó trong lớp học toán, một giảng viên có thể hiểu những khó khăn cụ thể của sinh viên và đưa ra phản hồi cũng như hướng dẫn phù hợp để giúp hiểu khái niệm. Ngược lại, ChatGPT mặc dù có thể đưa ra lời giải thích về khái niệm, nhưng không thể hiểu những khó khăn cụ thể của sinh viên và đưa ra phản hồi phù hợp. Ngoài ra, ChatGPT không có khả năng hiểu nhu cầu về xúc cảm và tâm lý của sinh viên. Giảng viên có khả năng hiểu được nhu cầu cảm xúc và tâm lý của sinh viên, cũng như cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để sinh viên thành công, tạo ra môi trường lớp học tích cực và hòa nhập, điều cần thiết cho sự tham gia và động lực của người học.

Một mối lo ngại khác là ChatGPT có khả năng làm giảm tương tác trực tiếp giữa người dạy và người học. Bằng cách dựa vào mô hình máy học để tạo ra câu trả lời cho các câu hỏi nên sinh viên và giảng viên có thể ít tương tác trực tiếp với nhau hơn, điều này có thể hạn chế cơ hội đối thoại và trao đổi ý kiến.

Mặc dù ChatGPT có khả năng mang lại nhiều lợi ích trong giáo dục đại học, nhưng nó cũng tiềm ẩn những rủi ro đáng kể. Khi công nghệ AI tiếp tục phát triển mạnh trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, điều quan trọng là cần cân nhắc cẩn thận những lợi ích và hạn chế của việc sử dụng ChatGPT trong giáo dục, đồng thời thực hiện các bước để giảm bớt rủi ro từ việc phụ thuộc vào AI.