Bước tiến trong chống ô nhiễm nhựa

Cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải nhựa của nhân loại đã đạt được bước tiến khả quan, khi tại vòng đàm phán quốc tế cuối cùng về một thỏa thuận mang tính ràng buộc liên quan quy định về ô nhiễm nhựa tại Hàn Quốc, gần 60 quốc gia đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc chấm dứt tình trạng này.

Vòng đàm phán thứ 5 và cũng là vòng đàm phán cuối cùng của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về ô nhiễm nhựa (INC), diễn ra tại thành phố cảng Busan, phía nam Hàn Quốc, từ ngày 25/11 đến 1/12 với sự tham dự của các phái đoàn từ 175 quốc gia.

INC được thành lập năm 2022 theo nghị quyết của LHQ nhằm xây dựng một văn bản quốc tế có tính ràng buộc pháp lý liên quan ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trong môi trường biển, dựa trên cam kết chấm dứt tình trạng này vào năm 2040. Mục đích của sáng kiến là đưa ra một giải pháp toàn diện chống ô nhiễm nhựa, từ khâu sản xuất, tiêu dùng đến thải bỏ nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe con người khỏi những tác động tiêu cực. Tuy nhiên, dù đã trải qua 4 vòng đàm phán nhưng INC vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển, do bất đồng về phạm vi áp dụng quy định, vốn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của mỗi quốc gia.

Điểm bế tắc chính trong các cuộc đàm phán này là liệu có nên quản lý sản xuất polymer, một nguyên liệu quan trọng có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch hay không. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sản lượng polymer tổng hợp toàn cầu - chất liệu tạo thành nhựa khối - đã tăng gấp 230 lần kể từ những năm 1950. Giai đoạn 2000-2019, con số này tăng gấp đôi lên 460 triệu tấn, tập trung chủ yếu ở Mỹ, Trung Đông và Trung Quốc. Các quốc gia như Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi áp dụng các biện pháp hạn chế sản xuất nhựa. Trong khi đó, Liên minh toàn cầu vì sự bền vững của nhựa, bao gồm các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn như Saudi Arabia, lại lập luận rằng cần tập trung nhiều hơn vào cách quản lý rác thải nhựa và thúc đẩy tái chế.

Theo Yonhap News, tại vòng đàm phán thứ 5, các đại diện là thành viên của Liên minh tham vọng cao (HAC), trong đó có Anh, Nhật Bản và EU, đã kêu gọi một hiệp ước toàn cầu mạnh mẽ nhằm loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa vào năm 2040. Hiệp ước này được kỳ vọng sẽ đưa ra một khung pháp lý toàn diện, bao quát toàn bộ vòng đời của nhựa, từ khâu sản xuất, tiêu thụ cho đến xử lý. Mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu đáng kể lượng nhựa thải ra môi trường, bảo vệ hệ sinh thái biển và sức khỏe con người.

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong tuyên bố chung của HAC là cần thiết phải giảm sản xuất và tiêu thụ polymer nhựa nguyên sinh. Đây được xem là chìa khóa để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm nhựa. Tuy nhiên, quá trình đàm phán để đạt được một hiệp ước toàn cầu về nhựa vẫn còn nhiều khó khăn. Các quốc gia thành viên vẫn đang tranh cãi về phạm vi và mức độ ràng buộc của hiệp ước, đặc biệt là vấn đề điều chỉnh sản xuất nhựa.

OECD khẳng định, nếu không có biện pháp kiểm soát, đến năm 2060, sản lượng polymer tổng hợp toàn cầu sẽ tăng gần gấp ba lần, lên 1,2 tỷ tấn. Tỷ lệ thuận với sản lượng nhựa tăng mạnh, khối lượng rác thải nhựa trên toàn cầu cũng tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 20 năm qua, từ 156 triệu tấn trong năm 2000 lên 353 triệu tấn vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên hơn 1 tỷ tấn vào năm 2060.

Điều đáng quan ngại là cách xử lý lượng rác nhựa khổng lồ này. Theo OECD, chỉ 9% rác thải nhựa trên thế giới được tái chế, 19% được đốt có kiểm soát và gần 50% được đưa đến các bãi chôn lấp có kiểm soát. Khoảng 22% lượng rác thải nhựa có điểm đến cuối cùng là các bãi rác, bị đốt ngoài trời hoặc thải trực tiếp ra môi trường, gây nguy cơ lớn cho sức khỏe con người. Khoảng 22 triệu tấn nhựa được thải ra môi trường mỗi năm, trong đó có 6 triệu tấn trôi nổi dưới sông, hồ và biển.

Dù còn nhiều khó khăn, song cam kết của 60 quốc gia về chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa đạt được tại vòng đàm phán thứ 5 đã mở ra hy vọng hình thành một nỗ lực toàn cầu, từ đó tiến tới chấm dứt sử dụng hoàn toàn các sản phẩm nhựa và thay thế bằng loại vật liệu thân thiện môi trường.

Tin liên quan